“Vác” việc vào thân
Nhắc đến những ngôi mộ đồng nhi vô danh tại nghĩa trang phường Tân Lập (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nhiều người không khỏi cảm phục trước sự thầm lặng của bà Phạm Thị Mười (SN 1964, trú tại Tổ dân phố 7, phường Tân Lập). Gần 30 năm nay, bà Mười đã âm thầm dùng những đồng tiền ít ỏi của mình để “xây nhà”, chôn cất hàng trăm thi hài thai nhi xấu số.
Bà Mười cho hay, bà sinh ra giữa thời chiến tại huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Từ nhỏ, bà đã chứng kiến và đối diện với không ít khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Để thoát khỏi cái nghèo, năm 1983, người phụ nữ ấy một mình đi vào vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp.
Nơi mảnh đất đầy nắng, gió, bà Mười lập gia đình và lần lượt sinh ra 4 người con. Do không có vốn liếng cũng không có đất sản xuất nên cuộc sống của gia đình bà gặp không ít gian truân. Hằng ngày, bà lân la tìm đến nghĩa trang phường Tân Lập để xin làm phụ hồ, lau mộ thuê.
Vào một buổi sáng năm 1996, trong lúc vào nghĩa trang Tân Lập mưu sinh, bà Mười bất ngờ phát hiện một túi ni-lon màu đen. Nghi ngờ có điều bất ổn bên trong túi ấy, bà tiến lại mở ra xem thì tá hỏa phát hiện có một xác thai nhi chưa được cắt dây rốn. Không cầm được nước mắt, bà lấy hết can đảm để cầu khấn và đem thi hài thai nhi vào nghĩa trang chôn cất.
Sau khi biết được sự việc, nhiều người thân của bà Mười không khỏi cấm cản, hết lời khuyên bà không nên “vác” việc vào thân. Bỏ ngoài tai những lời bàn tán của mọi người, cứ hay tin ở đâu có thi hài thai nhi bị bỏ rơi, bà Mười lại vội vã đi đưa về chôn cất tại nghĩa trang. Có hôm, bà bật dậy từ lúc 2h sáng, đến một cơ sở y tế trên địa bàn đưa một thi hài thai nhi về chôn cất.
“Xây nhà” cho hàng trăm hài nhi xấu số bị chối bỏ
Nhìn về những ngôi mộ hài nhi do mình chôn cất, người phụ nữ 60 tuổi rơm rớm nước mắt. Bà Mười chia sẻ, đến nay, bà đã dùng số tiền chắt bóp được cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người để “xây nhà” cho hơn 400 hài nhi xấu số tại nghĩa trang phường Tân Lập.
Trước khi chôn cất, bà không quên làm các thủ tục khâm liệm rồi dùng chính họ của mình để làm họ cho những đứa trẻ vô danh. Trên mỗi ngôi mộ nhỏ bé ấy, bà ghi ngày nhặt được xác thai nhi để làm ngày sinh – tử.
Nở nụ cười hiền, bà Mười tâm sự: “Ban đầu, tôi cũng sợ lắm. Có nhiều hôm chôn cất xác thai nhi xong, tôi sợ hãi đến ngã bệnh, không ăn uống được gì. Do đó, có không ít lần, tôi có ý định buông tay, xin với chính mình được nghỉ công việc chôn cất các hài nhi xấu số.
Thế nhưng, ngay sau khi có ý định từ bỏ, tôi trở về căn nhà tạm ở nghĩa trang (nơi bà bán nhang đèn - PV) thì phát hiện ai đó mang bỏ một thi hài hài nhi ngay tại cửa nhà mình. Hay một lần khác, trong lúc đi lau mộ thuê, tôi nhìn thấy một cái thùng đặt trên một ngôi mộ lớn nên đã lại kiểm tra thì thấy 2 thi hài thai nhi tội nghiệp”.
Không đành lòng để “các cháu” (cái tên bà thường dùng để gọi các hài nhi xấu số) bị bỏ rơi lạnh lẽo, bà Mười lại tiếp tục công việc hiếm người chọn lựa. Không ít lần, bà phải chạy đi vay tiền để mua vật liệu về xây mộ cho các thi hài thai nhi.
Với mong muốn ở nơi suối vàng, “các cháu” được an lành, ấm no, cứ vào các dịp đầu năm, Rằm tháng Tư, Rằm tháng Bảy, Tết Trung thu, hay cuối năm, bà Mười lại mua trái cây, sữa, đồ lễ về cúng tập trung. Cứ thế, bà xem các hài nhi xấu số như những đứa con của mình. Mỗi khi có chuyện buồn, vui, bà đều ra từng ngôi mộ vô danh để trút bầu tâm sự.
Bằng công việc thầm lặng ấy, bà Mười luôn cầu mong linh hồn các hài nhi xấu số được siêu thoát, gặp nhiều may mắn, đầu thai thành kiếp người trở lại. Đồng thời, bà cũng mong muốn gửi gắm thông điệp tình người, đặc biệt là đến những bạn trẻ, đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà ruồng bỏ những sinh linh vô tội. “Sau gần 30 năm “đưa đò” bến trần gian, tôi đã chứng kiến không ít cảnh tượng đau lòng… Bằng việc làm của mình, tôi mong muốn góp phần thức tỉnh mọi người hãy trân trọng giọt máu do chính mình tạo ra, bà Mười xúc động.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, bà Mười mỉm cười rồi cho hay: "Tôi đã lớn tuổi rồi, không biết mình còn sống được bao lâu nữa. Vì thế, mong muốn lớn nhất của tôi là có đủ tiền để xây dựng một khu mộ khang trang cho "các cháu"".
Ông Nguyễn Văn Diện, Tổ trưởng Tổ dân phố 7 (phường Tân Lập) cho hay, do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều năm nay, bà Mười mưu sinh tại Nghĩa Trang phường Tân Lập. Mặc dù vậy, thời gian qua, bà vẫn âm thầm chôn cất hàng trăm hài nhi xấu số bị bỏ rơi. Không chỉ người dân địa phương mà Ban tự quản Tổ dân phố 7 rất cảm phục trước tấm lòng nhân ái và việc làm nhân đạo của bà.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lập, việc làm của bà Mười rất đáng trân trọng. Xuất phát từ cái tâm của mình, nhiều năm nay, bà đã tự nguyện chôn cất rất nhiều thi hài thai nhi. Mặc dù, bà Mười chưa bao giờ báo cáo về việc làm thiện nguyện này, nhưng về phía chính quyền địa phương vẫn luôn ủng hộ bà.
Khánh Ngọc