Người phụ nữ hơn 30 năm vất vả làm nghề... của đàn ông

Người phụ nữ hơn 30 năm vất vả làm nghề... của đàn ông

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Hơn 30 năm gắn bó với nghề cơ khí, tay nghề của người phụ nữ ấy đã đạt bậc 7/7 khiến cánh nam giới cũng phải nể phục. Cũng trong khoảng thời gian ấy, chị tần tảo một mình, thay chồng nuôi mẹ già, chăm hai con ăn học thành người. Đó là chị Nguyễn Thị Hạnh, biệt danh Hạnh gò hàn (SN 1957), trú tại tổ 2, khối 1, phường Đội Cung, TP. Vinh (Nghệ An).

Cơ duyên đến với nghề đàn ông

Là chị cả trong gia đình đông anh em, bố mất sớm nên chị cùng mẹ ngược xuôi kiếm cái ăn cái mặc nuôi các em khôn lớn. Vất vả từ nhỏ, lại được mẹ tận tình dạy bảo, chị được nhận vào làm công nhân tại HTX Tiểu thủ công nghiệp Hưng Bình. Là người cần cù, chịu khó, có chí tiến thủ chị được cử đi học một lớp kế toán. Hơn 10 năm chăm lo cho mẹ và em út ăn học, ngoảnh đi ngoảnh lại đã 29 xuân xanh mà chị chưa một mảnh tình vắt vai. Người mẹ già thì luôn giục chị sớm ổn định gia đình để bà được yên lòng.

Pháp luật - Người phụ nữ hơn 30 năm vất vả làm nghề... của đàn ông

Chị Nguyễn Thị Hạnh kể lại cơ duyên đến với nghề cơ khí.

Thấy người con gái xinh xắn lại đảm đang, biết lo lắng cho gia đình, anh Nguyễn Trần Việt (SN 1957), lúc đó đang công tác tại xí nghiệp Xây lắp 3 thuộc Ty Lương thực, Thực phẩm tỉnh Nghệ An đã đem lòng yêu mến. Sau một thời gian tìm hiểu, hai anh chị đã quyết định cùng nhau xây dựng tổ ấm trong sự chúc phúc của anh em, bạn bè.

Lúc mới lấy nhau, vợ chồng chị cũng có ý định ra ở riêng, nhưng thấy người mẹ thường hay đau yếu nên chị bàn với chồng, ở lại để tiện bề chăm sóc mẹ chồng những lúc trái gió trở trời. Hoàn cảnh gia đình lúc đó hết sức khó khăn. Công việc không ổn định, hai đứa con lần lượt ra đời, khiến cho kinh tế gia đình đã khó nay lại càng eo hẹp hơn. Nhưng nhìn hai đứa con trai khôi ngô, bụ bẫm, nỗi vất vả của hai vợ chồng trẻ như được nhẹ đi, thay vào đó là niềm hạnh phúc.

Nhưng rồi, thử thách cuộc sống tiếp tục ập tới khi HTX Hưng Bình tuyên bố giải thể, chị Hạnh trở thành người thất nghiệp. Anh Việt lúc đó công việc lúc có lúc không chẳng đủ để lo toan cho gia đình năm miệng ăn. Vì vậy, hai vợ chồng bàn nhau mở xưởng cơ khí để làm ăn, lấy công làm lãi. Lúc đầu, chị thường phụ chồng những công việc nhẹ nhàng như đánh gỉ, quét sơn hay thu dọn đồ nghề và lo việc nhà, chăm sóc con cái. Cuộc sống chưa được cải thiện là mấy nhưng hai vợ chồng luôn bảo ban nhau cùng cố gắng vươn lên, nuôi dạy con cái.

Tưởng như hạnh phúc đã mỉm cười với người phụ nữ hay lam hay làm, nhưng cuộc đời thật khắc nghiệt. Năm 1997, anh Việt trong người cảm thấy khó chịu, cứ mệt mỏi hàng ngày, chị phải thúc giục mãi anh mới chịu đi khám. Đến lúc phát hiện ra thì anh đã ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư dạ dày. Bao nhiêu của cải trong nhà chị bán hết, gom góp và vay mượn khắp nơi để chữa trị cho chồng. Nhưng do phát hiện quá muộn, bệnh đã di căn nên một năm sau anh Việt vĩnh viễn ra đi, để lại cho chị hai đứa con còn thơ dại và một mẹ già.

"Sau khi anh mất, em cứ bán hết máy móc trong xưởng cơ khí đi rồi kiếm việc gì nhẹ nhàng làm cho nhàn thân và chăm sóc các con cho tốt, chứ nghề này em không kham được đâu", chị Hạnh nhớ như in những lời trăng trối của chồng trước khi mất. Nghĩ đến công việc gia công cơ khí nặng nhọc mà chồng để lại, ban đầu chị cũng có ý định dẹp bỏ. Chị thử đến xin một vài nơi để làm phụ hồ nhưng họ cứ khất lần này đến lần khác làm chị cũng nản lòng.

Sau nhiều đêm trăn trở suy đi tính lại, nghĩ hai vợ chồng đã cố gắng, tích góp mãi mới xây dựng được như ngày hôm nay, bán đi thì tiếc nên chị quyết tâm gây dựng lại cơ sở bằng những kinh nghiệm ít ỏi trong thời gian phụ chồng. Những ngày đầu khi mới bước vào nghề, chị phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Tay cầm mỏ hàn mà run run, chẳng biết hàn thế nào cho những miếng sắt ấy ngấu lại được với nhau. Chị Hạnh tâm sự, thời gian đầu khách hàng chưa tin tưởng vì nghĩ mình là phụ nữ chân yếu tay mềm thì làm sao có thể gia công những thứ sắt thép nặng và cứng như thế. Chỉ có những khách hàng đã quen với xưởng từ ngày anh Việt còn sống thi thoảng có đến đặt hàng. Nhưng rồi, khách này làm xong thấy đẹp, bền nên giới thiệu cho nhiều khách hàng mới.

Pháp luật - Người phụ nữ hơn 30 năm vất vả làm nghề... của đàn ông (Hình 2).

Chị Hạnh nhanh nhẹn, khéo léo hàn cánh cửa khách hàng đặt.

Hạnh phúc từ những khổ đau

30 năm theo đuổi nghiệp cơ khí là chừng ấy năm chị phải sống chung với những cơn đau do nghề mang lại. "Còn nhớ như in những ngày đầu khi mới bước vào gò hàn tôi một tay cầm mỏ hàn, một tay cầm vật liệu, cứ lóng nga lóng ngóng chẳng biết đeo kính hay che mắt gì cả. Đến tối về hai mắt chẳng thể mở ra được, nước mắt cứ giàn giụa như có ai đánh mà khóc vậy. Đau lắm nhưng chẳng biết kêu ai", Chị Hạnh nhớ lại. Lại có những hôm vừa làm việc xong, chị vội vàng, lật đật chạy đi chợ để lo bữa ăn cho mẹ và các con mặc dù đã quá trưa. Mắt đau không mở ra được nhưng chị vẫn cố gắng đạp xe, có lúc đau quá, vừa đạp xe, vừa nhắm mắt nghiền lại. Thỉnh thoảng nheo mắt mở ra nhìn đường, thấy không có ai lại nhắm mắt đi trong vô định. "Nói thực, lúc đó chỉ đi theo cảm tính mà thôi, vì nếu mở mắt thì nước mắt cứ chực rơi ra, cay xè, nhìn gì cũng chỉ thấy lờ mờ", người phụ nữ này tâm sự.

Gian truân, khó khăn là thế nhưng bù lại chị có được hai đứa con trai ngoan ngoãn, học giỏi và rất thương mẹ. Bố mất từ khi cháu đầu mới 11 tuổi, cháu thứ 2 chỉ mới 5 tuổi nên chị vừa là mẹ, vừa đảm nhận vai trò là bố để chăm sóc và dạy dỗ các con. Biết được hoàn cảnh gia đình, hai anh em Nguyễn Phi Hùng (SN 1987) và Nguyễn Mạnh (SN 1992) ngoài giờ học đều cố gắng giúp đỡ mẹ phần nào công việc. Nhiều đêm, ngồi tâm sự với các con, chị cũng bày tỏ, mẹ chỉ có một ước muốn duy nhất là các con được ăn học đến nơi đến chốn để sau này không phải khổ như bố mẹ. Như hiểu được sự vất vả của mẹ, hai anh em Hùng và Mạnh luôn cố gắng đạt kết quả cao trong học tập để không phụ sự trông đợi của mẹ. Hiện nay, Hùng đã học xong đại học và đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, còn cậu em Mạnh thì đang học ngành Quản trị kinh doanh ở Đại học Vinh gần nhà để tiện bề giúp mẹ hàng ngày.

Đôi mắt ánh lên vẻ vui mừng khi nhắc đến hai người con, chị chia sẻ "Cuộc đời tôi còn may mắn hơn so với nhiều người khi còn có công việc để quên đi nỗi đau mất chồng và có hai đứa con làm chỗ dựa tinh thần. Các cháu luôn tự ý thức được hoàn cảnh gia đình nên chẳng bao giờ đòi hỏi gì cả. Nhiều lúc nghĩ mà thương cho con có phần thua thiệt với bạn bè, nhưng biết làm sao được, âu cũng là số phận".

Khánh Ly - Hà Hằng


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.