Thủy chung vì một lời hứa
Bà Bùi Thị Bông (58 tuổi) được người dân tổ 14 (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) biết đến với tấm lòng thủy chung son sắt và nghị lực phi thường, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để chèo lái gia đình. Họ thường ví bà Bông là "hòn vọng phu chờ chồng" theo truyền thuyết năm xưa. Bởi bà giống như hòn đá ấy, hằng ngày đứng trông về miền Nam xa xôi để mong tình yêu quay về.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, bà Bông rất hay lui tới bưu điện của phường để xem có thư hay tin tức từ phương xa, nhưng lần nào bà cũng thất vọng trở về. Nhiều khi có những đoàn lính cựu binh năm xưa về thăm lại mảnh đất anh hùng này, bà chạy ra rồi lẳng lặng nhìn từng người, nhưng cũng không thấy hình bóng chàng trai ấy.
Mấy mươi năm hy vọng, thấp thỏm chờ đợi, bây giờ cứ chiều đến, bà lại ngồi nhìn ra ngõ nhớ lại chuyện tình như thơ của mình. Bà Bông kể, vào thời kháng chiến chống Mỹ, gia đình bà âm thầm hoạt động cách mạng bằng cách nuôi giấu cán bộ. Điểm nóng sông Vực gần nhà bà là nơi chia cắt của hai chiến tuyến, một bên là quân địch đóng tại quận Thật Thà (nay phường Thủy Châu), một bên là quân ta núp sau những cánh rừng.
Ban ngày thì canh địch, đêm về thì giúp bộ đội vượt sông thám thính tình hình rồi đánh du kích với bọn Mỹ. Lúc đó, bà Bông vào khoảng 18 tuổi nên chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới cho quân ta. Nhờ thế mà bà đã giúp không ít các anh du kích kịp thoát thân trốn đi nơi khác.
Cánh tay phải của anh Bùi Tu đang dần đơ cứng do phải làm việc quá nặng hồi trẻ
Ở cái tuổi trăng tròn ấy, với vẻ ngoài xinh xắn và tâm hồn trong trắng của cô gái chân quê, bà đã làm cho nhiều chàng lính thường xuyên ẩn náu trong nhà phải xao xuyến. Thế nhưng, bà lại có cảm tình với một anh bộ đội được chính tay bà chèo đò sang sông cứu về. Chàng lính ấy tên là Nguyễn Văn Tý (quê ở Thanh Hóa) được điều động từ Hà Nội vào để hỗ trợ cho chiến trường Huế. Rồi tình yêu của bà và chàng lính xa quê bắt đầu mặn nồng sau lần gặp gỡ đầy duyên phận ấy. Gần một năm trời, anh Tý ở lại chiến đấu tại chiến trường này cũng là dịp để đôi trai tài gái sắc có thời gian gần gũi bên nhau, trao nhau những tình cảm đẹp đẽ nhất của thời thanh xuân.
Chiến trường ngày càng ác liệt khiến cho việc thư từ trở nên vô cùng khó khăn, dần dần tin tức về hai người không còn nữa. Hòa bình lập lại, những người lính từng sống và chiến đấu tại Thủy Phương ngày trước lần lượt trở về tìm lại gia đình, người yêu. Những cảnh sum họp ấm áp ấy khiến bà hy vọng một ngày nào đó sẽ được như họ, được gặp lại người năm xưa trao những kỷ vật cho mình ở đồi Châu Sơn. Nhưng rồi năm này đến năm khác, trong số những người trở về không hề có người yêu của bà. Hy vọng chàng trai xứ Thanh trở về ngày một ít, mọi người trong gia đình khuyên bà đi lấy chồng, nhưng lần nào bà cũng lấy lý do từ chối. Nhiều người trong làng ngỏ ý, nhưng bà nhất quyết không chịu, ai đến bà cũng nói "tui có chồng rồi!".
Vững lòng vượt qua khó khăn
Nổi tiếng chung tình Ông Ngô Văn Tài, phó chủ tịch phường Thủy Phương cho biết: "Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều bất hạnh xảy ra nhưng chị Bông luôn sống hòa thuận với mọi người, rất hay giúp đỡ bà con hàng xóm. Chị ấy là một người tốt và đặc biệt là rất chung tình. Hiện chị Bông được hưởng chế độ của người chăm sóc khuyết tật và hai em trai chị được hưởng chế độ hỗ trợ hàng tháng đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Ngoài ra phường cũng tạo nhiều điều kiện để giúp đỡ cho cuộc sống của gia đình chị được ổn định". |
Mấy mươi năm chờ người yêu, một mình chèo lái gia đình, cuộc sống của bà với bao vất vả đeo bám. Hiện, bà phải một mình nuôi hai người em bị tàn phế. Bà kể, thời chiến tranh, vùng đất này gánh chịu nhiều chất độc hóa học và bom mìn do Mỹ rải xuống. Mẹ bà là Hồ Thị Hường, khi đi tải du kích nhiều lần bị địch tình nghi. Sau đó, trong một lần đi tương tự, chúng đã ném lựu đạn làm nát thuyền. Những mảnh đạn văng ra găm sâu vào trong gót chân khiến bà Hường không thể đi lại. Về sau, mảnh đạn trong chân bị nhiễm trùng, hủy hoại thân thể bà từ từ, rồi bà vĩnh viễn ra đi...
Thời gian sau không lâu, người em thứ hai tên là Bùi Dư cũng bắt đầu ngã bệnh vì chất độc da cam, chân tay co rút, đi lại khó khăn. Trong một trận lụt, anh Dư đi bắt cá thì bị nước cuốn mắc kẹt vào cống, người cha lao vào cứu nhưng cả hai cha con đều thiệt mạng.
Số phận vẫn chưa buông tha cho gia đình bà khi liên tiếp hai đứa em còn lại của bà cũng mắc phải căn bệnh quái ác, hai chân co quắp, phải ngồi một chỗ. Người em trai Bùi Tới (56 tuổi) đi làm ruộng, khát quá, uống nước trên rừng, trên suối nhưng không ngờ nước đã bị ô nhiễm do hố rác của Mỹ thời xưa có chứa chất độc lâu ngày đã thấm vào đất, vào nước. Cơ thể anh giờ teo lại như một đứa trẻ, ăn uống, sinh hoạt gì cũng nhờ một tay bà chăm nom.
Còn anh Bùi Tu năm nay 54 tuổi cũng bị liệt hai chân và tay phải đang dần trở nên đơ cứng. Ngày trước, khi đi làm ruộng, anh đạp phải hàng thép gai quân địch cài hồi xưa, nhiều lần mổ nhưng không hết, bây giờ anh Tu cũng nằm một chỗ nhờ chị mình chăm sóc. Cuộc sống khó khăn, bà Bông phải ngược xuôi tìm kế sinh nhai nhưng vẫn nỗ lực chăm sóc, chữa trị các em. Bà đưa hai em mình đi trị bệnh ở những bệnh viện lớn rồi chuyển qua châm cứu nhưng vẫn không có kết quả. Suốt ngày quần quật với cuộc sống mưu sinh, chăm sóc hai em bị bệnh khiến bà trở nên kiệt quệ, đổ bệnh khớp, rồi thường xuyên đau ốm. Nhưng lòng bà vẫn còn nguyên mối tình son sắt với người lính năm nào.
Chờ đợi cho hết đời Bà Bùi Thị Bông cho biết: "Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi lại ngày một già yếu nên không còn đủ sức để làm những công việc nặng nhọc. Tiền chi phí trong gia đình nay chỉ nhờ vào tiền trợ cấp của xã (1,6 triệu đồng/tháng), nhưng chừng đó vẫn không thấm vào đâu. May mắn là tôi vẫn còn nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Nhờ đó mà cuộc sống cũng tạm ổn qua ngày, vừa đủ để tôi lo cho hai người em có được bát cơm ấm bụng những ngày đông rét buốt. Cũng vì lý do tôi có gia cảnh khó khăn nên không chỉ có những thanh niên trong làng mà cả những người ở nơi khác đến cũng có ý muốn "làm quen". Song lần nào tôi cũng với một lý do, một cách để khéo từ chối rằng: "Anh có muốn biết tình cảm của tui dành cho người lính năm xưa nhiều như thế nào không?". Và cứ thế, tôi vẫn đợi chờ!". |
Du Ngoạn