Người biến cát thành tranh
Người phụ nữ biến những hạt cát bình thường thành một bức tranh nhiều màu sắc ấy chính là Trần Thị Hoàng Lan (SN 1957, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhưng mọi người vẫn thường gọi chị bằng một cái tên thân mật Ý Lan. Trong một lần tình cờ dạo bãi biển ở Phan Thiết - Bình Thuận, Ý Lan bị mê mẩn bởi những hạt cát vàng óng ánh như tơ trời.
Quá thích thú với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời của dải đất hình chữ S, chị muốn đem một ít cát về nhà làm kỷ niệm. Nghĩ vậy nên chị xúc một ít cát dự định sẽ để vào lọ cắm hoa cho đẹp. Khi đem về nhà chị bỗng chợt thấy những lớp cát xen kẽ vào nhau tạo thành những đường gợn sóng chồng chất, uốn lượn thật hài hòa.
Vốn có thời gian đi dạy nữ công gia chánh, lại có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ Ý Lan chợt nghĩ: "Cát đẹp như thế này, sao không vẽ thành tranh nhỉ? nói rồi ý Lan xúc một ít cát vào lọ thủy tinh. Tỉ mỉ cho từng hạt cát vào khung, dần dần một bức tranh cát cũng được hoàn thành hiện ra trước mắt Ý Lan.
Dù chưa một lần được học qua hội họa, chưa từng biết gì về nghệ thuật, chỉ có lòng đam mê nhưng trong vòng sáu tháng đầu tìm ra được bí kíp vẽ tranh cát, Ý Lan đã làm ra gần 70 tác phẩm. Ngày nào cũng vậy, cứ rảnh rỗi, chị lại lôi cát ra để làm tranh. Dường như, trong từng hạt cát có một sức mãnh liệt rất dữ dội đối với người nghệ nhân này khiến chị không ngừng sáng tạo.
Ý Lan trổ tài làm tranh cát
Tuy nhiên, muốn làm ra được những bức tranh đa dạng và phong phú về màu sắc thì phải có nhiều loại cát khác nhau để tạo hình. Vậy là Ý Lan phải lặn lội đi khắp nơi để tìm màu cát mới và lạ. Lúc thì lên núi, lúc thì xuống biển, chị không ngần ngại đi khắp nơi để tìm màu cát cho tranh.
Đến nay, đã gần 11 năm trôi qua, với sự chăm chỉ của mình, Ý Lan đã tìm được 81 màu cát tự nhiên góp phần tạo ra sự phong phú cho nghệ thuật vẽ tranh cát. Không chỉ tìm màu chị còn vẽ được hơn 3.000 tác phẩm tranh bằng cát. Tuy chỉ có cát nhưng tranh Ý Lan khá đa dạng. Chúng gồm có nhiều loại như: Tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh vui, tranh thú, thư pháp, lô gô, kiến trúc.
Thấy bức tranh cát lạ và độc đáo, nhiều người từ khắp nơi đến với Ý Lan để học nghề. Không một chút suy nghĩ, chị đã chào đón tất cả mọi người bằng tấm lòng của mình. Dù là người biết hội họa hay không biết đều được chị nhận vào để truyền nghề. Mà đồ nghề của một nghệ nhân cát cũng thật đơn giản, một cái khung tranh bằng thủy tinh, một cái muỗng xúc cát, và một chút khéo léo, kiên trì, đã có thể làm ra hàng trăm tác phẩm. Vì vậy, những người đến học với chị đông vô kể.
Từ một người sáng tạo ra tranh cát vì yêu cái đẹp chị đã thu hút được nhiều người đến với bộ môn này. Họ và chị cùng đưa tranh cát đến một vị thế mới, cao hơn trong nghệ thuật tạo hình.
Dù đã lớn tuổi nhưng Ý Lan vẫn giữ được vẻ đẹp đằm thắm
Nặng lòng vì cát
Sở dĩ những bức tranh cát có sức làm say lòng người đến xem như vậy chính vì sự độc đáo của một loại hình chẳng ai ngờ có thể sử dụng được vậy mà lại có thể tạo thành tranh. Ngoài ra, dù trải qua nhiều năm nhưng bức tranh cát không bị phai màu, hoặc hư hỏng. Điểm đặc biệt là tranh cát không có chất kết dính, nhưng vẫn giữ yên một chỗ khi cho vào khung tranh. Nhìn những đứa con tinh thần của mình được tạo ra, Ý Lan luôn tìm cách để đưa tranh cát vươn ra xa hơn.
Đến năm 2005, Ý Lan thành lập công ty chuyên làm tranh cát, với một đội ngũ hùng mạnh để sản xuất ra hàng loạt bức tranh cát. Mong muốn của chị không chỉ là phát triển tranh cát ở Việt Nam mà còn mang tính quốc tế. Trong một dịp may mắn, Ý Lan đã đưa tranh cát vào tặng cho các vị nguyên thủ trong hội nghị APEC mà Việt Nam lần đầu tiên là nước chủ nhà. Đợt đó mỗi vị nguyên thủ đều được chị tặng một bức tranh có hình của mình. Nhìn những hạt cát mong manh lại tạo ra những đường nét mạnh mẽ và đầy uyển chuyển, nhiều vị lấy làm ngạc nhiên nhưng không giấu được vẻ thích thú. Đối với nhiều người đây là lần đầu tiên họ thấy một loại tranh đặc biệt như vậy.
Sau đợt này, Ý Lan bỗng nhận được một lời đề nghị làm tranh cho vua và các tướng của nước Cô-oét. Chưa dừng lại ở đó, tranh của chị còn được ngài Lý Hiển Long - Thủ tướng của nước Singapore đặt hàng để tặng cho ngài Tổng thống Bush. Giờ đây, tranh cát Ý Lan không chỉ có ở Việt Nam, mà còn vươn xa ra khắp thế giới. Kèm theo sự phát triển đó là một nỗi lòng luôn đau đáu vì tranh cát, Ý Lan luôn ấp ủ mơ ước chị sẽ làm du lịch tranh cát.
Hiện nay tại nhà, đồng thời cũng là công ty của chị cũng đã mở cửa cho khách vào tham quan tranh cát. Ý Lan ấp ủ sẽ đến một ngày, khi khách vào tham quan sẽ được thử làm tranh cát. Đó là một cách làm tương tự như hình thức đi tô tượng đang có mặt khắp mọi nơi như hiện nay. Táo bạo hơn chị đã nghĩ đến việc xuất khẩu nghệ nhân làm tranh cát ra nước ngoài. Nếu điều này trở thành hiện thực sẽ làm cho nền tranh cát của Việt Nam vươn ra khắp thế giới.
Với những đóng góp cho nghệ thuật tranh cát, vừa qua, Ý Lan đã được kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là người tìm ra nhiều màu cát tự nhiên nhất Việt Nam. Đồng thời, chị cũng là người được cấp bằng sáng chế tranh cát đầu tiên, do cục sở hữu trí tuệ cấp bằng năm 2012.
Có duyên với các giải thi nhan sắc Gọi Ý Lan là người đẹp làm tranh cát quả chẳng sai. Ngoài có duyên với tranh cát, Ý Lan còn có duyên với những cuộc thi nhan sắc. Mặc dù lớn tuổi, nhưng ở cuộc thi nhan sắc nào chị cũng đoạt những giải thưởng cao. Thậm chí, nhan sắc của chị vượt xa cả những thí sinh mười tám, đôi mươi. Chị từng là Á hậu 1, cuộc thi nàng tiên cá do Thái Lan tổ chức, giải 3 cuộc thi duyên dáng tuổi 40 và giải 3 cuộc thi cô dâu năm 2000. |
Hợp Phố