Người phụ nữ nhiễm giun đũa vì nuôi thú cưng

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 3, 18/02/2025 15:11

Nuôi chó trong nhà nhưng không vệ sinh đúng cách, người phụ nữ 65 tuổi bất ngờ mắc giun đũa chó mèo, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội và ngứa da kéo dài.

Bệnh nhân N.L, 65 tuổi, sinh sống tại Quảng Ninh, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, đi ngoài nhiều lần, ngứa da kéo dài hơn một tháng. Dù đã điều trị tại bệnh viện địa phương và có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh lại tái phát không lâu sau đó.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện gia đình bà L. có nuôi một con chó lớn, nặng khoảng 25kg. Đáng chú ý, con chó này từng có biểu hiện nôn ra sán, nhưng gia đình không chú ý và vẫn tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi mà không sử dụng biện pháp bảo vệ như găng tay hay giày dép khi dọn dẹp. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến bà L. nhiễm ký sinh trùng.

Người phụ nữ nhiễm giun đũa vì nuôi thú cưng- Ảnh 1.

Nuôi chó trong nhà nhưng không vệ sinh đúng cách, người phụ nữ 65 tuổi bất ngờ mắc giun đũa chó mèo, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội và ngứa da kéo dài (Ảnh: BVCC).

Ban đầu, bà L. xuất hiện cơn đau bụng quặn thắt, tiêu chảy liên tục suốt 4 giờ đồng hồ, với tần suất lên đến 25-26 lần. Phân lỏng, có bọt, dấu hiệu rõ rệt của nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng. 

Dù đã được điều trị triệu chứng tại bệnh viện tuyến dưới, bà sau đó xuất hiện các tổn thương ngoài da, bao gồm sẩn ngứa và những đường hằn tròn trên tay và thân mình, dấu hiệu của ký sinh trùng di chuyển dưới da. Trước tình trạng này, bà được chuyển đến Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, các xét nghiệm xác định bà L. dương tính với sán lá gan lớn (Fasciola hepatica) và giun đũa chó mèo (Toxocara spp). Đặc biệt, chỉ số IgE - một dấu hiệu phản ứng dị ứng của cơ thể - tăng vọt lên 1.652 IU/mL, cao gấp 16 lần mức bình thường. Bạch cầu ưa axit cũng tăng lên 12,7% (so với mức bình thường 2-8%), phản ánh tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng do giun sán.

Sau một tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bà L đã ổn định. Nếu tình trạng tiến triển tốt, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị ngoại trú trong vòng 6 tháng để tránh tái nhiễm.

Theo TS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc nuôi thú cưng có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nếu không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. 

Để bảo vệ sức khỏe, người dân cần:

Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Vệ sinh môi trường sống của vật nuôi, đặc biệt là nơi ở, khu vực ăn uống và phóng uế. 

Đeo găng tay, đi giày dép khi dọn dẹp phân chó, mèo để hạn chế nguy cơ nhiễm giun sán. Rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với thú cưng, đặc biệt trước khi ăn uống. Thường xuyên lau sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt trứng giun sán.

“Chúng ta cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và thú cưng bằng những biện pháp phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh giun đũa chó mèo và các bệnh ký sinh trùng khác”, TS. Ninh nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.