Clip: Cận cảnh viết chữ trên da tay của chị Phượng.
Đó là trường hợp của chị Nguyễn Ngọc Phượng, 34 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Chị Phượng là con thứ sáu trong gia đình đông anh em, nhưng chỉ duy nhất mỗi chị có “khả năng đặc biệt” biến da trên cơ thể mình thành giấy vẽ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Phượng cho biết, trong một lần đi bắt cá ở quê nhà, chị vô tình dùng móng tay cọ xát vào da thì sau hơn 5 phút những vết đó sẽ nổi gờ, có màu hồng nhạt.
Thấy kỳ lạ, chị tiếp tục viết chữ vào da ở nhiều khu vực khác trên cơ thể thì cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1-2 giờ đồng hồ những vết này sẽ tự lặng mất và trở về trạng thái bình thường, không hề có dấu hiệu đau rát.
Theo chị Phượng, chỉ cần cọ xát một vật không cần sắc nhọn, như đầu đũa, đầu viết hoặc ấn một vật nào đó lên bất kỳ phần da nào của cơ thể đều để lại vết nổi theo hình dạng của vật đó hoặc nét vẽ. Thích thú với "khả năng đặc biệt" của mẹ, sau giờ học trực tuyến, đứa con gái út 10 tuổi của chị hay giải trí bằng cách “mượn” phần da của chị để viết chữ hoặc vẽ tranh.
Nhưng để minh chứng cho lời nói của mình, chị Phượng vào nhà lấy một chiếc đũa đưa cho PV viết chữ bất kỳ lên phần da cánh tay của mình. PV đã viết tên của chị (PHƯỢNG) bằng chiếc đũa thì sau khoảng 5 phút chữ PHƯỢNG từ từ hiện rõ và nổi lên với màu hồng nhạt. Hơn 1 giờ sau, chữ PHƯỢNG bắt đầu mờ dần và lặn mất.
Gần đây khi làm công nhân, trong lúc kiểm tra sản phẩm hàng hóa, chị Phượng thường xuyên bị các vật dụng trong xưởng sản xuất cọ xát vào da của mình nên khiến nổi gờ trên tay. Nhiều đồng nghiệp của chị Phượng thấy vậy khuyên chị đi khám chuyên khoa da liễu nhưng kết quả đều bình thường.
Bà Đặng Thị Lệ Em (65 tuổi, mẹ chị Phượng) cũng tỏ ra khá ngạc nhiên khi mới phát hiện “khả năng đặc biệt” này của con gái. “Ngoài con Phượng, thì tất cả các người con còn lại đều không bị như vậy. Đồng thời, hai đứa cháu ngoại (con gái của Phượng - PV) cũng không có hiện tượng lạ này”, bà Lệ Em nói.
Bs.CK2 Nguyễn Quốc Phục, chuyên khoa da liễu thuộc Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, hiện tượng như trường hợp của chị Phượng được gọi là Dermographism. Những người bị tình trạng này phát triển các vết hằn hoặc phản ứng giống như phát ban cục bộ khi họ gãi da. Nó cũng có thể xảy ra khi da tiếp xúc với áp lực hoặc cọ xát. Tình trạng này còn được gọi là viết da, da vẽ nổi, hoặc mày đay da liễu. Tuy nhiên, đây được xem là một bệnh da liễu phổ biến, lành tính.
Thanh Lâm