Mới đây, trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ ăn mặc sành điệu có hành vi dùng vật sắc nhọn cào xước một chiếc xe ô tô Camry đang đỗ bên đường ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ngay sau khi nhận được trình báo của chị N. (chủ nhân chiếc xe trên), Công an quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan Công an phường Yên Sở để xác định đối tượng đã có hành vi phá hoại tài sản của người khác.
Liên quan đến sự việc này, luật sư Nguyễn Trung Tiệp - Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Xét về mặt khách quan, người phụ nữ sành điệu mà camera ghi lại được đã có hành vi dùng vật sắc nhọn cào xước xe Camry của chị N, làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản mặc dù giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng cũng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).
Hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hoá chất hoặc lợi dụng thiên tai để huỷ hoại tài sản... Mà cụ thể trong trường hợp này, người phụ nữ sành điệu đã dùng vật sắc nhọn cào xước lên chiếc xe Camry của chị N. theo luật sư Tiệp là "hậu quả là yếu tố bắt buộc phải có ở tội này".
Về mặt chủ quan, luật sư Tiệp cho rằng, có thể xác định người phụ nữ trong camera ghi lại được đã thực hiện với lỗi cố ý. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc bức xúc khi phải nhường đường cho xe Camry của chị N. đi trước nên người phụ nữ điều khiển chiếc xe Hyundai đi theo chị N. về đến trước cửa nhà, lợi dụng lúc không ai để ý đã tiến lại dùng vật sắc nhọn cào xước xe Camry... trả thù?!.
"Bên cạnh đó, cần phải căn cứ vào kết quả giám định phần tài sản bị hư hỏng của chị N. Nếu giá trị tại sản thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, cùng với các yếu tố cấu thành nêu trên, người phụ nữ cào xước xe Camry có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại Điều 178, BLHS năm 2015", luật sư Tiệp nêu quan điểm.
Cụ thể, theo quy định của Điều luật này "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại".
Nói thêm về trường hợp giám định tài sản bị thiệt hại, căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, luật sư Tiệp cho biết, người bị hại có quyền đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật (điểm d, khoản 2, Điều 62, BLTTHS 2015). Về nguyên tắc, sau khi nhận được đề nghị giám định tài sản của người bị hại, thì cơ quan chức năng phải thành lập một hội đồng giám định tài sản.
"Việc chủ xe đã mang xe đến gara và được báo giá 24 triệu đồng có thể làm căn cứ kèm theo yêu cầu giám định gửi tới cơ quan điều tra đề nghị giám định tài sản. Cẩn thận hơn, người bị hại cũng có thể gửi tài liệu báo giá của gara ô tô cùng đề nghị giám định tới Viện kiểm sát để giám sát việc giám định, định giá tài sản của cơ quan điều tra", luật sư Tiệp nói.
Theo lời chị N. thì trên xe Hyundai đi ngược chiều với xe camry của chị N. lúc đó có hai người phụ nữ. Một câu hỏi được đặt ra là người phụ nữ còn lại có bị coi là đồng phạm với người trực tiếp dùng vật sắc nhọn cào xước lên xe chị N. hay không?
Căn cứ vào Điều 17 quy định về Đồng phạm trong Bộ luật hình sự năm 2015, luật sư Tiệp chỉ ra rằng: "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm... Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức".
Trong trường hợp người phụ nữ đi cùng với người trực tiếp cầm vật sắc nhọn cào xước xe camry của chị N. có hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm thì sẽ bị coi là đồng phạm xúi giục. Hoặc nếu là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm thì sẽ bị coi là đồng phạm giúp sức.
"Tuy nhiên, người đồng phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành", luật sư Tiệp nói thêm.