Chị Thương sinh ra, lớn lên ở thị trấn Sa Pa và hiện đang sinh sống tại thành phố Lào Cai. Cuộc sống đủ đầy với chồng và 2 con đủ nếp đủ tẻ nhưng chị lại là người rất yêu bếp. Ngoài ra, chị còn yêu cái đẹp và thích khám phá những vùng đất mới. Những sở thích ấy của chị dường như được gắn kết và thể hiện qua những chiếc thạch 3D do chị làm ra.
Trên thị trường có khá nhiều loại thạch, nhưng chị Thương cho rằng, thạch 3D là dòng thạch được nhiều người yêu thích nhất. Nó không chỉ có màu sắc đẹp, hương vị thơm ngon được làm từ bột rau câu, sữa bò, cốt dừa, sô-cô-la và các loại trái cây tươi mà đặc biệt hơn, thạch 3D hấp dẫn còn bởi cách làm cầu kỳ, giống như cách tạo ra những tác phẩm nghệ thuật.
Chị Thương tâm sự, chị biết đến thạch 3D từ nhiều năm trước. Nhưng công việc bận rộn cứ cuốn đi, đến năm 2018 chị mới bắt đầu học làm thạch 3D.
“Ngày đầu tiên vẽ bình hoa, mình nghĩ có thể làm hoa văn gì đó cho chiếc bình đỡ đơn điệu. Vốn là người thích thử nghiệm, tìm tòi những cái mới, mình đã nấu màu ra được vân nhìn giống như rêu.
Mình rất thích ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, trời đất, nắng, mưa, bình minh, hoàng hôn vì nó có vô vàn sắc thái khác nhau. Mình cũng yêu màu sắc và đam mê pha màu với những tone lạ. Vì thế, mình đã thử vẽ phong cảnh. Nhưng chưa có ai vẽ phong cảnh trên thạch 3D bao giờ nên mình phải tự tìm tòi, mày mò cách đổ màu nền và pha trộn”, chị Thương nói.
Với chị Thương, ý tưởng đôi khi bắt nguồn từ những điều rất giản đơn. Ví như một buổi sáng mở cửa đi làm, bỗng nghe thấy ca từ của một bài hát… Rồi cứ thế, mỗi ngày chị Thương đều có những ý tưởng khác nhau.
Nói về những bức tranh thạch 3D, chị Thương cho hay thường mất khoảng 2 giờ đồng hồ để có thể hoàn thiện một tác phẩm.
“Vẽ thạch 3D tranh phong cảnh, bước khó nhất để thành công và tạo cho bức tranh có hồn đó là phần ý tưởng. Ngoài ra, kỹ thuật tạo chiều sâu cho bức tranh cũng sẽ quyết định thành công của tác phẩm. Đó là cách pha màu và đổ màu nền cho bức tranh. Có những lúc mình phải đổ 6 màu một lúc và hoà trộn cho màu chạy, chuyển tone theo ý muốn…”, chị Thương nói.
Để có một bức tranh thạch hấp dẫn, người làm thường phải sử dụng dụng cụ, màu sắc đa dạng. Nhiều người rất lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chị Thương cho biết, chị thường sử dụng màu sắc tự nhiên để làm ra sản phẩm của mình.
“Mình thường làm màu vàng từ hạt dành dành, chanh leo; màu xanh lá từ bột trà xanh; màu xanh dương từ hoa đậu biếc, màu tím từ lá cẩm tím; màu trắng từ cốt dừa, sữa đặc; màu hồng từ thanh long đỏ; màu đỏ từ bột gạo đỏ, màu đen từ sô-cô-la, ca cao...
Các bạn có thể hoàn toàn yên tâm, bởi đặc tính của thạch là tan chảy ở nhiệt độ sôi. Nếu muốn vẽ được các màu đều phải nấu chín và luôn giữ nóng. Chưa kể, dụng cụ kim vẽ luôn được luộc trước và sau khi sử dụng để đảm bảo vệ sinh và kim vẽ không bị tắc”, chị Thương chia sẻ.
Các sản phẩm thạch 3D hoàn thành, chị đem nó tặng cho bạn bè, người thân. Phần đa, mọi người chỉ thích ngắm bánh chứ không muốn ăn vì tiếc. Chị từng làm tặng các bé mồ côi ở trung tâm bảo trợ xã hội và các em đều rất thích.
“Có bé thấy mình cầm dao cắt bánh thì nói : “Trời ơi! sao lại sát hại thạch…””, chị Thương hào hứng kể.
Những bức tranh thạch được nhiều người đón nhận và động viên nên chị Thương vô cùng hạnh phúc. Chị nói sẽ tạo ra nhiều những tác phẩm như vậy để tặng cho những người thương yêu bên cạnh.
Mộc Miên