Hành trình nhận hơn 500 thai nhi vắn số
Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, dị nghị của người đời, nhiều năm nay, chị Trần Thị Vân (SN 1970, trú tại thôn 9, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) thầm lặng nhận hàng trăm xác thai nhi bị chối bỏ về chôn cất cẩn thận.
Khi được hỏi về cơ duyên với những thai nhi xấu số, chị Vân cho hay: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ khi ở nhà thì luôn thể hiện là một đứa con ngoan, biết nghe lời cha mẹ nhưng khi đi ra đường lại là người hoàn toàn khác, yêu đương không kiểm soát dẫn đến có bầu. Để tạo vỏ bọc của một người con ngoan hiền, nhiều bạn trẻ tìm mọi cách phá bỏ “giọt máu” đang lớn dần trong bụng mình mà không một chút đắn đo, day dứt. Những điều đau lòng ấy khiến tôi cảm thấy rất xót xa và muốn làm gì đó cho những thai nhi vô tội”.
Cách đây hơn 3 năm, chị Vân cùng một người thân tìm đến một phòng khám tại Tp.Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) để xin xác thai nhi bị chối bỏ mang về chôn cất ở một góc tại nghĩa trang thôn 9, xã Nâm N'Jang. Kể từ đó, hàng ngày, chị Vân rong ruổi đến các bệnh viện, phòng khám tại nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để xin xác thai nhi.
Thế nhưng, khó khăn, thách thức không ngừng ập đến. “Nhiều hôm, đang chạy đi nhận xác thai nhi thì xe hết xăng giữa đường. Lục lọi túi trên, túi dưới nhưng không có tiền, tôi đành dẫn xe đến trạm CSGT xin vài chục ngàn đồng đổ xăng để đi tiếp. Vậy mà, nhiều người không hiểu nên cho rằng tôi đang làm chuyện lạ lùng, bao đồng, thậm chí không ngừng buông lời đồn đại ác ý về việc làm của tôi”, chị Vân lý giải.
Không cho phép mình bỏ cuộc, chị Vân tiếp tục cuộc hành trình khó tin nhưng có thật của mình. Nhiều hôm, sau khi nhận được điện thoại, chị đành bỏ dở chén cơm, thậm chí bật dậy lúc nửa đêm để tức tốc lên đường đi nhận xác thai nhi. Mỗi khi nhận được xác thai nhi, chị Vân nhẹ nhàng bỏ vào trong bụng của mình để mong linh hồn bé bỏng cảm nhận được hơi ấm từ cơ thể của chị, rồi chạy xe về ghi chép cẩn thận các thông tin trước khi thực hiện chôn cất. Đến khi xác thai nhi ngày càng nhiều, chị tìm đến một cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn hỏi mua chịu vật liệu để xây dựng các phần mộ cho các thai nhi xấu số.
Hiểu được việc làm ý nghĩa của chị Vân, thời gian qua, nhiều người thân trong gia đình, thậm chí nhiều người dân tại địa phương đã tình nguyện hỗ trợ, giúp đỡ chị. Ngoài việc đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng nghĩa trang, nhiều người còn xin nhận các phần mộ thai nhi là con của mình để chăm sóc, thăm nom hàng tháng, lễ, tết...
Từ những đóng góp của các mạnh thường quân, đến nay, chị Vân đã xây dựng nghĩa trang để làm nơi an nghỉ cho hơn 500 thai nhi xấu số. Để xua đi không khí ảm đạm, nhiều mạnh thường quân còn tình nguyện bỏ kinh phí mua những chiếc chong chóng đủ sắc màu để trang trí cho nghĩa trang thai nhi.
“Dù các bé không phải máu mủ ruột thịt nhưng tôi rất thương và xem các cháu như con của mình. Nhiều khi, tôi ngồi ở nghĩa trang hàng giờ đồng hồ để tâm sự với các cháu về những chuyện vui, buồn của bản thân, gia đình. Hiện, tôi đang xây dựng khu vực làm lễ tại nghĩa trang cho các thai nhi nhưng do kinh phí hạn hẹp nên vẫn còn dang dở. Vì vậy, tôi rất mong các mạnh thường quân thấu hiểu, hỗ trợ, giúp đỡ để chung tay hoàn công đoạn này”, chị Vân chia sẻ.
Nỗi ám ảnh từ những câu chuyện đau lòng
Gắn bó với công việc “lạ lùng” nhiều năm nay, chị Vân đã tận mắt chứng kiến không ít những câu chuyện đau lòng đang diễn ra trong xã hội. Chị tâm sự: “Tình trạng phá thai đang ngày một gia tăng đến mức báo động. Việc phá thai cũng dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều người sau khi phát hiện mang thai ngoài ý muốn đã chạy ra tiệm thuốc tây hỏi mua viên “thuốc xổ” rồi mang về tự phá thai, vứt bỏ thiên thần do chính mình tạo ra. Có những bào thai đã biết giới tính, thậm chí đã gần đến ngày sinh cũng bị người ta vứt bỏ một cách tàn nhẫn”.
Chưa hết, có những trường hợp sau khi vào nhà nghỉ để uống thuốc phá thai thì gọi điện thoại cho chị hẹn địa điểm để lấy xác thai nhi. “Khi chạy đến nơi, tôi bốc điện thoại gọi cho người đã hẹn mình xem đang ở đâu thì giọng một thiếu nữ cất lên gay gắt: “Cô không cần biết cháu ở đâu. Cô cứ đến cái cây đó, cháu đang treo ở đó”. Hay một trường hợp khác cũng vào nhà nghỉ uống thuốc phá thai rồi gọi tôi đến và tự tay đưa bào thai cho tôi với một thái độ rất lạnh lùng. Đối diện với những cảnh tượng đó, tôi chỉ biết nghẹn lại, đưa tay gạt nước mắt rồi lặng lẽ đưa xác thai nhi về”, chị Vân tâm sự.
Có lần, chị Vân vào một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để xin xác thai nhi thì bắt gặp một cô gái. Lúc này, chị tìm cách tiếp cận và dò hỏi: “Em vào đây làm gì đó?” thì lập tức nhận được câu trả lời “Đến đây chỉ có phá thai chứ làm gì”. “Nghe họ nói một tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, cả người run lên bần bật. Đau lòng hơn, có những trường hợp đã lập gia đình nhưng sau khi phát hiện có thai ngoài ý muốn vì nhiều lý do khác nhau cũng đi tới quyết định phá bỏ bào thai”, chị Vân nói.
Từ những câu chuyện đau lòng ấy, chị Vân tự nhủ, sẽ tiếp tục làm công việc “lạ lùng” đến khi nào đôi chân không thể lê bước để các linh hồn xấu số bớt phần tủi thân, thiệt thòi. Bằng việc làm của mình, chị cũng mong muốn mọi người nhận ra những điều sai trái, biết yêu thương và sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân, gia đình và xã hội.
Hơn thế nữa, chị còn mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để xử lý nghiêm việc bán thuốc phá thai vô tội vạ tại các cửa hàng thuốc tây, đồng thời ngăn chặn tình trạng phá thai tại các phòng khám như hiện nay.
Được biết, thời gian qua, chị Vân còn phối hợp ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp có ý định phá thai. Chị kể: “Có nhiều người ngay khi phát hiện con, em của mình đi phá thai thì lập tức liên hệ với tôi để nhờ hỗ trợ ngăn chặn. Ngay sau khi nhận điện thoại, tôi tức tốc chạy xe máy đến để phân tích đúng sai, đưa ra những lý lẽ để thuyết phục họ từ bỏ ý định phá thai. Tôi đã chỉ ra cho họ thấy, việc phá thai sẽ để lại rất nhiều hệ lụy đau lòng, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ sau này. Chưa kể, tình trạng phá thai đã vô tình cướp đi mạng sống của những linh hồn vô tội. Từ đó, nhiều người đã hiểu ra và từ bỏ ý định phá thai, trở về cùng với gia đình chăm sóc cho đứa trẻ đang lớn dần trong bụng”.
Ngoài ra, chị Vân và người thân của mình còn trực tiếp đến tỉnh Lâm Đồng để tìm mái ấm tình thương hỗ trợ, cưu mang cho những trường hợp mang thai ngoài ý muốn cho đến ngày sinh nở.
Ông Trần Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cho biết, việc làm của chị Vân mang ý nghĩa cao cả về tình thương đối với những thai nhi xấu số. Không chỉ vậy, hành động thiện nguyện của chị còn góp phần cảnh tỉnh xã hội, nhất là đối với giới trẻ hiện nay. Để chị tiếp tục duy trì việc làm nhân văn này thì rất cần có sự hỗ trợ các nhà hảo tâm, mạnh thương quân.
Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cũng cho hay, hiện nay, khu vực chôn cất thai nhi chật hẹp, thuộc đất 3 loại rừng nên địa phương đang kiểm tra, xin phép các cấp có thẩm quyền quy hoạch phù hợp, tạo điều kiện cho chị Vân và những người có tấm lòng thiện nguyện thực hiện.
Khánh Ngọc