“Thiên đường” của người vô gia cư
12 giờ trưa một ngày đầu tuần tháng 5, chiếc xe taxi đưa một cụ ông chừng 80 tuổi, râu tóc lồm xồm với tình trạng gần như kiệt sức đậu trước cửa "Ngôi nhà yêu thương"…
Một cuộc giải cứu sức khỏe cho cụ ông đã có phần nửa cuộc đời sống lang thang trên đường phố Hải Phòng bắt đầu. Một tình nguyện viên nhanh tay bế ông vào nhà, tình nguyện viên khác bón sữa và thức ăn nhẹ. Một lúc sau, ông dần hồi tỉnh.
“Người ông cụ bốc lên mùi hôi nồng nặc, toàn thân đầy vết lở loét vì lâu ngày không tắm giặt” – anh Nguyễn Mạnh Cường, Quản lý "Ngôi nhà yêu thương", người trực tiếp chăm sóc người đàn ông khốn khổ đó chia sẻ với phóng viên.
Cụ ông vô gia cư đó có tên là Nguyễn Quang. Ông đã bước sang tuổi 87, nhưng trong tiểu sử cuộc đời mình thì ông đã có vài chục năm sống không nhà cửa, không gia đình trên các vỉa hè, gầm cầu.
Trưa ngày 4/5, người dân phát hiện ông Quang nằm co ro, sức khỏe suy yếu trên lề đường Lê Thánh Tông, TP.Hải Phòng. Nhận được tin báo, quản lý và tình nguyện viên của "Ngôi nhà yêu thương" cùng với đại diện chính quyền địa phương đã đến xác minh và nhanh chóng đưa ông về nuôi dưỡng, chăm sóc.
Từ ngày về ở "Ngôi nhà yêu thương", ông Quang đã có một cuộc sống khác, chấm dứt những ngày tháng vất vưởng ngoài đường. Ông được sống trong ngôi nhà sạch sẽ với các tình nguyện viên tận tình tắm giặt và giúp ông ăn uống đều đặn hằng ngày.
“Tôi không tin đây là sự thật” – ông Quang thốt lên khi được hỏi về cuộc sống ở "Ngôi nhà yêu thương". Ông tiếp tục chia sẻ: “Ở đây tôi sướng lắm, không phải lo lắng gì cả”.
Một cụ ông khác, ông Hoàng Văn Thanh cũng đã bước sang trang mới của cuộc đời kể từ ngày vào sống tại "Ngôi nhà yêu thương". Ông ngồi tựa vào chiếc ghế sô pha bên hành lang ngôi nhà, rồi thảnh thơi đọc báo. Đây là điều mà cụ ông ở tuổi 86 này chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Ông Thanh đã có một quá khứ đầy long đong, bất hạnh. Ông mồ côi cha mẹ từ lúc 5 tuổi. Ngày còn nhỏ, ông sống nhờ anh em họ hàng. Lớn lên, ông đi làm thuê khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Đến tuổi xế chiều, ông phiêu bạt về đất Cảng và chính thức gia nhập đội quân không nhà ở thành phố này. Tuổi đã cao, sức yếu, nhưng ông vẫn phải đi nhặt ve chai đem bán kiếm sống, còn buổi tối thì ông ngủ dưới chân cầu Lạc Long. Cứ ngỡ, cuộc đời ông lặng lẽ trôi đi trong sự cơ cực và cô đơn.
Thế nhưng, cách đây gần một tháng, các tình nguyện viên thiện nguyện thấy ông nằm ngủ ở chân cầu đã mời ông về sống ở "Ngôi nhà yêu thương". Ở đây, ông không phải lo bữa no, bữa đói như trước nữa. Ông không chỉ được ăn ngủ đàng hoàng mà còn tận hưởng những giá trị tinh thần, như xem tivi, đọc báo, thăm khám sức khỏe thường xuyên.“Ngôi nhà yêu thương đúng là thiên đường dành cho người vô gia cư”, - ông Thanh vừa thổ lộ, vừa lau những giọt nước mắt xúc động.
Bỏ ra hơn 3 tỷ đồng xây nhà ở cho người vô gia cư
Vậy ai là chủ nhân của "Ngôi nhà yêu thương" đã nổi danh đất Cảng? Phải sau 2 ngày hẹn và chờ đợi, phóng viên mới có thể gặp người phụ nữ đã gây dựng nên câu chuyện được xem như là “cổ tích” về tình thương này.
Cuối giờ chiều, sau khi đã lo toan xong công việc kinh doanh ở công ty, chị Đặng Thị Minh Thảo lại có mặt tại "Ngôi nhà yêu thương”. “Chị ấy là chủ nhân của ngôi nhà này đấy”, - ông Thành tiết lộ với phóng viên.
Chị Thảo đã bước sang tuổi 52, có dáng người cao, khuôn mặt hiền hậu và giọng nói trầm ấm. Chị đang là một “nữ tướng” lãnh đạo một công ty cung cấp nhân lực bảo vệ có tiếng ở TP.Hải Phòng.
Với nữ doanh nhân này, dù công việc có bận rộn đến mấy thì vẫn luôn dành thời gian đến hỏi thăm các ông bà được nuôi dưỡng trong "Ngôi nhà yêu thương". Chị Thảo hết ân cần hỏi han sức khỏe ông Quang đã khá hơn chưa, rồi lại đến xoa chân tay cho bà Phương năm nay đã 91 tuổi. Sau đó, chị qua khu nhà bếp xem cơm nước của các cụ có được chu đáo hay không. “Tôi không có thời gian để buồn, bởi cứ lúc nào rảnh là tôi lại đến với các cụ”,- chị Thảo tâm sự.
Cách đây 3 năm, trong một chuyến đi làm từ thiện tại một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của TP.Hải Phòng, chị Thảo biết thông tin các em đến 18 tuổi sẽ không còn được ở trung tâm nữa. Cả đêm hôm ấy, chị thao thức nghĩ về số phận những đứa trẻ đó chưa có nghề nghiệp sẽ sống ra sao trong hoàn cảnh không nhà cửa. Người phụ nữ giàu tình thương này quyết định phải làm điều gì đó…
Hơn 3 tỷ đồng là số tiền túi mà chị Thảo bỏ ra để mua đất và xây dựng "Ngôi nhà yêu thương" nhằm thực hiện khát vọng thiện nguyện của mình.
Ngày 17/4/2018, ngôi nhà 3 tầng rộng rãi và khang trang đã hoàn thành. Tầng 1 được dành để làm chỗ ngủ cho người già. Tầng 2 và tầng 3 sẽ là nơi ở của các bạn trẻ không nơi nương tựa và các bạn sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngôi nhà đã trở thành mái ấm chăm sóc và nuôi dưỡng những trẻ mồ côi, người cao tuổi từng sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
“Tôi luôn mong muốn có thể giúp nhiều người có cảnh đời bất hạnh có cuộc sống tốt hơn và lan tỏa sự chia sẻ, lòng nhân ái trong xã hội” – chị Thảo trải lòng.
Nhiều người cao tuổi đã có quá khứ đầy ám ảnh về miếng cơm manh áo, sống lang bạt trên vỉa hè hay dưới gầm cầu đã không còn phải lo lắng về cuộc đời mình, bởi các cụ được nuôi ăn ở, khám chữa bệnh miễn phí. Đến khi qua đời, họ sẽ được các thành viên trong "Ngôi nhà yêu thương" lo mai táng đến nơi đến chốn.
Để có kinh phí duy trì hoạt động từ thiện này, chị Thảo đã có một chiến lược dài hơi, đó là mở các quán cà phê và xây thêm một dãy nhà 3 tầng nữa, trong đó, tầng 2 và 3 dùng làm phòng cho thuê trọ, còn tầng 1 vẫn sử dụng để chăm sóc những người không có nhà cửa.
Hiện, "Ngôi nhà yêu thương" đang nuôi dưỡng 10 cụ ông, cụ bà vô gia cư đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" và một số bạn sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thời gian tới, những trẻ em mồ côi cũng sẽ được đưa về đây chăm sóc.
“Ngôi nhà yêu thương là một mô hình hoạt động từ thiện hiệu quả và rất cần được nhân rộng” - bà Bùi Thị Thanh Hải, Phó Chủ tịch phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền cho biết.