Hạnh phúc bên những thiên thần
Chúng tôi gặp chị tại ngôi nhà trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào một chiều tháng năm với cái nắng oi nồng.
Trước mắt chúng tôi là hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn trong bộ váy nâu giản dị đang tất bật giục con lớn thay quần áo để chuẩn bị đến lớp học bơi, nhắc con nhỏ cất sách vở và tự tắm giặt đợi mẹ về, giục bé Thiện Nhân nhanh nhanh đi khám bệnh. Các con vẫn yêu quý gọi chị là "mẹ Còi".
Ba đứa con, một tay chị chăm lo, một tay chị đưa đón tới trường. Mỗi buổi chiều, chị vòng xe qua đón Thiện Nhân và cậu anh thứ hai học cùng một trường về nhà, sau đó lại đi một vòng qua trường khác để đón cậu con trai cả. Trời nắng nóng là thế mà thời gian để đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng chị cũng không có.
Thế nhưng, sau những giọt mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt người phụ nữ ấy luôn rạng ngời và nở nụ cười tươi. Rất ít khi ai đó nhìn thấy nỗi buồn lo trên khuôn mặt chị. Vì cuộc sống đã cho chị điều thật quý giá, đó là ba cậu con trai thông minh và tinh nghịch.
Nụ cười hạnh phúc luôn rạng ngời trên gương mặt chị Mai Anh
Trong ba đứa con, với chị, Thiện Nhân là đứa con rất đặc biệt. Vì chị không sinh ra em nhưng suốt bảy năm trời, thời gian chị bên Nhân trong những lần phẫu thuật đã gắn kết hai mẹ con bằng những cung bậc cảm xúc không thể diễn tả bằng lời.
Tuy Nhân là đứa thiệt thòi về sức khỏe, nhưng không vì thế mà chị bỏ bê việc học hành của con hoặc nuông chiều con một cách thái quá. Từ khi Nhân đi học, kể cả những cuộc phẫu thuật mới trải qua, chị cũng không để cho Nhân vì thế mà dừng lại việc học.
Chị không khuyến khích con phấn đấu đạt điểm cao bằng mọi cách mà điều quan trọng là chị muốn các con mình phải có ý thức về sự học. Chỉ cần con có ý thức về việc học và đến trường nghe giảng là chị cảm thấy yên tâm. Không khi nào có chuyện chị dạy con học ở nhà vì chị luôn cho con thấy rằng, mỗi người có một công việc riêng, một vai trò và nghĩa vụ riêng. Mẹ có công việc của mẹ và mẹ phải làm việc để nuôi các con khi các con còn nhỏ. Các con có nhiệm vụ học tập và phải cố gắng làm tốt điều đó.
Chính vì thế, con chị đã đến trường đi học là luôn biết phải nghe giảng và về nhà phải vận dụng lời giảng ở trên lớp để làm bài tập. Nếu con nghe không hiểu bài thì buộc phải chịu điểm kém, không có chuyện nghe không hiểu thì đợi về nhà nghe mẹ giảng bài lại.
Chị chỉ nhắc con ngồi vào bàn học và kiểm tra xem con đã học xong chưa chứ không bao giờ xem bài con làm đúng hay chưa mà đó là trách nhiệm của con đi học phải làm được, làm đúng thì thôi, làm sai thì lần sau biết cách sửa. Cách dạy con của chị nghe chừng có phần khác so với người khác nhưng lại là vô cùng hiệu quả.
Cả ba cậu con trai đều thấy "sợ" cách dạy của mẹ, sợ mẹ buồn vì mình bị điểm kém nên luôn cố gắng học tập. Hai cậu con lớn của chị ở lớp 1, lớp 2 thì có lực học khá nhưng từ lớp 3 trở đi, khi các cháu đã rèn được ý thức thì tự học rất giỏi. Cậu con trai cả hiện đang là học sinh chuyên toán của trường THCS Trưng Vương và rất ra dáng đàn anh khi dạy dỗ, trông nom các em giúp mẹ.
Thiện Nhân và mẹ Mai Anh trong một buổi sáng chủ nhật trong lành
Gian nan tìm lại "người đàn ông" cho con
"Mẹ ơi, chim của con đâu rồi?" Trong một lần phẫu thuật ở Ý, khi đó Thiện Nhân chừng 3 tuổi, em mới hỏi mẹ rằng: "Mẹ ơi, chim của con đâu rồi?". Chị Mai Anh nhìn con vừa thương vừa tủi và chỉ biết dỗ dành con: "Vì da của con dày quá nên chim chưa mọc ra được, qua thời gian, dần dần chim sẽ lớn". Về sau này, Nhân đã biết được nguyên nhân tại sao thể trạng mình như thế nhưng với tình yêu thương của người mẹ và sự thông minh, bản lĩnh của bản thân, Nhân dũng cảm đối diện với sự thực và không khi nào cảm thấy tự ti và hay buồn bã. |
Thật may mắn cho Thiện Nhân, mẹ Mai Anh của em không chỉ là một người mẹ tuyệt vời mà còn là một người phụ nữ rất năng động. Chị là một nhà báo, thạc sĩ khoa học - cử nhân tiếng Anh và hiện chị đang làm Trưởng ban biên tập của Tạp chí Heritage và Fasshion của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
Với vốn tiếng Anh, sự hiểu biết của mình, chị đã nhận được sự hợp tác của các bác sĩ nước ngoài, tìm hiểu công nghệ y học tiên tiến và kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội trên con đường tìm lại bản lĩnh đàn ông cho con trai mình.
Chị còn nhớ như in những ngày hai mẹ con lênh đênh trên đất Hoa Kỳ để lo cho con trong ca phẫu thuật niệu đạo. Ca phẫu thuật ấy do các giáo sư, bác sĩ ở bệnh viện Dartmouth ở bang New Hamppshire Hoa Kỳ tiến hành đã thành công tốt đẹp, Thiện Nhân đã có thể tự đi tiểu tiện mà không còn phải đóng bỉm suốt ngày đêm. Những năm sau đó, các ca khôi phục lại tinh hoàn, cấy tế bào… cũng liên tiếp diễn ra với những thành công ngoài mong đợi.
Có thời điểm, chỉ trong vòng hơn một năm, chị Mai Anh đã đưa cậu con nhỏ của mình tới 14 bệnh viện trong và ngoài nước để làm chân giả, để phẫu thuật chữa trị cho cháu, trong đó có hai bệnh viện ở Thái Lan và ba bệnh viện tại Mỹ. Đến nay, Thiện Nhân đã trải qua 7 ca phẫu thuật và thể trạng của em đang tiến triển khá tốt và lạc quan.
Hiện tại, so với các bạn cùng trang lứa, sức khoẻ của Nhân phát triển ổn định, không hay bị hắt hơi sổ mũi hay ốm vặt. Duy chỉ có khoảng thời gian sau mỗi lần phẫu thuật, Nhân phải mất một vài tháng để phục hồi lại sức khoẻ như thường. Trong mỗi kỳ mổ, chị Mai Anh tìm mọi cách để quá trình điều trị không ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của Nhân.
Sau mỗi ca phẫu thuật, Nhân nghỉ ngơi ở nhà khoảng vài ba hôm hoặc một tuần là đã được chị Mai Anh cho đi học. Nếu sức khoẻ chưa ổn định, chị vẫn sắp xếp cho cháu học ba tiếng ca sáng, còn trưa và chiều thì cho con về nghỉ. Còn khi đã ổn định dần, buổi trưa chị đón cháu về, thay băng, cho ăn uống và đi vệ sinh rồi đầu giờ chiều lại đưa cháu đến lớp.
Chị luôn nhắc nhở con dù mình có bị ốm hay làm phẫu thuật thì cũng không được làm ảnh hưởng đến tốc độ học so với lớp. Nhân hiểu được rằng, mẹ không để mình ở nhà nghỉ ngơi mà mất công đưa đi đón về vất vả, mệt nhọc như thế là mong mình học tốt nên tự giác rất cao. Cũng chính vì lẽ đó, Nhân hồi phục rất nhanh.
Chị Mai Anh cho hay, trước đây các ca mổ của Nhân được tiến hành ở nước ngoài song thời gian gần đây thì các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật ở trong nước. Trung bình mỗi năm Nhân tiến hành một đợt phẫu thuật để các bác sĩ cấy tế bào và làm từng phần nhỏ cho bộ phận sinh dục của em.
Chia sẻ yêu thương đến nhiều số phận kém may mắn Được biết, ngoài phẫu thuật cho Nhân, chị Mai Anh còn mời bác sĩ phẫu thuật cho rất nhiều trẻ em kém may mắn có hoàn cảnh tương tự. Đến thời điểm này, chị đã kêu gọi hỗ trợ và mời chuyên gia mổ cho 300 trẻ em về việc tái tạo bộ phận sinh dục. Các ca phẫu thuật được tiến hành tại các bệnh viện ở thành phố Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội… Chị cảm thấy may mắn vì nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức cộng đồng để có thể giúp đỡ thêm được nhiều em nhỏ kém may mắn. |
Thu Dương - Phạm Hạnh