Tỉ lệ phụ nữ đi làm ở Nhật Bản đã tăng từ 60% lên hơn 70%, tương đương với khoảng 3 triệu người, trong vòng một thập kỷ qua. Kết quả trên có được một phần là nhờ "Womenonics" – chính sách phát triển kinh tế trọng nữ giới, vốn được biết đến rộng rãi dưới thời chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe (2012-2020).
Tuy nhiên, ít ai biết rằng khái niệm “Womenonics” đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1999 khi bà Kathy Matsui, một nữ doanh nhân người Mỹ gốc Nhật, bắt đầu công bố các nghiên cứu về những lợi ích kinh tế của việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động Nhật Bản, hay còn được biết đến thông qua một thật ngữ ngắn gọn là “Womenomics”.
Trong thập kỷ vừa qua, đã có 3 triệu phụ nữ Nhật Bản tham gia vào lực lượng lao động của đất nước. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn chỉ đang làm những công việc bán thời gian không ổn định, thường ở những lĩnh vực dễ chịu ảnh hưởng bởi cái biến động.
Do đó, bà Matsui cho rằng, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phải cố gắng hơn nữa nếu muốn khai thác nguồn tài năng nữ giới vốn đang ít được sử dụng.
Điều đó có nghĩa phải dần loại bỏ thái độ phân biệt giới tính từ các nhà quản lý, đồng thời khuyến khích "sự đa dạng giới hơn trong khởi nghiệp".
"Nhật Bản có tỉ lệ nữ doanh nhân rất thấp", bà Matsui, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) tại Nhật Bản, chia sẻ với Hãng thông tấn Pháp AFP. "Nhưng nếu bạn muốn xoay chuyển vận mệnh của chính mình, trở thành doanh nhân là một trong những cách tốt nhất để làm điều đó".
Bà Matsui, 57 tuổi, là một trong số ít những người phụ nữ đứng đầu trong lĩnh vực kinh doanh vốn do nam giới thống trị ở Nhật Bản. Bà hiện đang là đồng giám đốc tại một doanh nghiệp thành lập vào năm ngoái, chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có đạo đức kinh doanh.
Năm 1999, khi đang làm việc tại Goldman Sachs, bà Matsui bắt đầu công bố các nghiên cứu về những lợi ích kinh tế của việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động Nhật Bản, còn được biết đến là “Womenomics”.
Một điều đáng ngạc nhiên là năm 2012, những ý tưởng này đã được cựu Thủ tướng Shinzo Abe thông qua như một phần trong kế hoạch mang đậm dấu ấn cá nhân của ông nhằm vực dậy nền kinh tế yếu ớt của Nhật Bản.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kể từ khi chính sách “Womenomics” được khởi xướng, tỉ lệ phụ nữ Nhật Bản đi làm đã tăng từ 60% lên hơn 70%, tương đương với khoảng 3 triệu người.
Nhưng cho đến hiện tại, chỉ có 15% quản lý tại các công ty Nhật Bản là phụ nữ, trong khi tỉ lệ này ở Mỹ là vào khoảng 40%.
Những vấn đề do đại dịch mang lại
“Việc cố gắng để thay đổi tư duy và cách đối xử trong các tập đoàn lớn không phải là điều không thể, tuy nhiên phải mất một thời gian dài ”, bà Matsui nhận định. Ngược lại, các công ty khởi nghiệp có thể linh hoạt hơn trong vấn đề này.
Tiến bộ trong vấn đề này chậm đến mức Chính phủ Nhật Bản buộc phải hoãn lại mục tiêu đạt được tỉ lệ 30% nữ giới đảm đương các vị trí quản lý trong cả thập kỷ vào năm 2020.
Và giống như ở các quốc gia khác, cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đã khiến vấn đề trên trở thành bài toán nan giải.
Trên phạm vi toàn thế giới, phụ nữ có xu hướng mất việc làm trong 18 tháng đầu tiên của đại dịch cao hơn nam giới, theo một nghiên cứu của Đại học Washington công bố đầu năm nay trên tạp chí Lancet. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 193 quốc gia.
Tại Nhật Bản, nhiều phụ nữ vừa phải chăm sóc con nhỏ hoặc cha mẹ già yếu vừa phải làm những công việc bán thời gian, thường trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, bà Matsui cho biết.
Bà cho rằng, việc hỗ trợ nữ giới làm việc tại các vị trí toàn thời gian và có nhiều khả năng thăng tiến hơn không chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà còn là của các nhà quản lý.
Sự đánh giá nên "tập trung nhiều hơn vào đầu ra và hiệu suất, thay vì yếu tố thời gian", đồng thời các nhà quản lý nên được đào tạo để giải quyết các định kiến xã hội.
Bà nói: “Rất nhiều lần tôi bắt gặp những người phụ nữ bị bỏ qua khi xem xét cơ hội thăng chức vì mới kết hôn” và sếp của họ không muốn chơi trò “mạo hiểm” với những nhân viên nữ nghỉ sinh.
Vấn đề này càng cấp bách hơn khi đặt trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng khiến lực lượng lao động của nước này giảm dần, “Điều nhanh nhất có thể làm là cố gắng khai thác nguồn tài năng trước mắt”.
Những góc nhìn mới
Bà Matsui lớn lên ở thành phố California, là con gái trong một gia đình nhập cư gốc Nhật kinh doanh trong lĩnh vực trồng hoa. Chính công ty của gia đình là nơi đã dạy bà về "giá trị của công việc".
Bà theo học chuyên ngành xã hội học tại Đại học Harvard. Sau khi tốt nghiệp, bà Matsui đã giành được học bổng du học Nhật Bản - lần đầu tiên bà về thăm quê hương của cha mẹ mình - và tại đây bà đã gây dựng sự nghiệp của mình trong lĩnh vực tài chính.
Bà tin rằng nền kinh tế trọng nữ giới “Womenomics" đã giành được thiện cảm của các Bộ trưởng vì nó đưa ra một góc nhìn mới về những lợi ích của sự bình đẳng.
Cũng như các mục tiêu và yêu cầu đối với các công ty lớn trong việc tiết lộ dữ liệu về cân bằng giới, bà Matsui cũng đã chứng kiến sự thay đổi trong cách nhìn nhận vấn đề ở Nhật Bản, từ một vấn đề chỉ dành riêng cho những đối tượng đặc biệt, đã trở thành một "chủ đề để trò chuyện thường nhật".
Nhưng bà vẫn cam kết sẽ luôn giữ các nguyên tắc ban đầu của mình là thu thập dữ liệu và tìm ra giải pháp, thay vì chỉ nói về các khó khăn mà phụ nữ trong lực lượng lao động phải đối mặt.
“Bạn không thể biết liệu bạn có thành công hay không nếu không xác định và theo dõi quá trình”, bà chia sẻ.
Giờ đây, với tư cách là đồng giám đốc của một công ty đầu tư mạo hiểm, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp ưu tiên môi trường, xã hội và quản trị (ESG), bà Matsui muốn phát triển cộng đồng khởi nghiệp tương đối nhỏ của Nhật Bản.
“Lý giải tại sao cộng đồng này quá nhỏ là do không có đủ sự đa đạng, hoặc vì (các doanh nghiệp) không có được lối tư duy chiến lược trong phạm vi toàn cầu. Đó là hai góc độ mà chúng tôi thực sự muốn giúp thay đổi”, bà Matsui cho biết
Hoàng Ngân (Theo Bangkok Post)