Không chùn bước trước gian khó
PGS.TS Vũ Thị Nhung lớn lên giữa lúc Sài Gòn ngập chìm trong khói lửa. Không ít lần chính mắt người con gái ấy chứng kiến hình ảnh anh trai mình nhanh nhẹn trong những động tác băng bó vết thương cho người bệnh, nhìn họ rên xiết trong đau đớn. Điều đó khiến cô gái trẻ ấy đã nghĩ rằng để có thể mang lại hạnh phúc cho mọi người thì không có gì bằng mang sức khoẻ đến cho họ. Và cũng từ đó, ý thức định hướng nghề y khoa cho mình đã được bà quyết định chọn lựa.
Để thực hiện ước nguyện từ thời trung học, bà đã chính thức bước vào môi trường y khoa của trường Đại học Y Sài Gòn vào giữa năm 1969. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp ra trường, bà đã thực hiện phong trào đốt đuốc tuyên thệ "Đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần". Trở về công tác tại bệnh viện Hùng Vương năm 1990, cùng với lòng nhiệt huyết và sự cống hiến, bà được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng tại bệnh viện Hùng Vương. Năm 1995, bà là Phó giám đốc bệnh viện và chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện Hùng Vương năm 2001.
BS.Nhung với nụ cười rạng rỡ khi nói về những thành công trong sự nghiệp của mình
Vào thời điểm này, Bệnh viện Hùng Vương đã xây dựng được 100 năm nhưng đang có những dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, thậm chí có những nơi sắp sập trong khi đây là một trong những bệnh viện chuyên khoa sản loại 1 tại TP.HCM. Trước nhu cầu sinh nở của các phụ sản ngày càng tăng, bà đã mạnh dạn quyết định thực hiện công tác xây dựng lại toàn bộ bệnh viện để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh.
Là phận nữ nhi chân yếu tay mềm, nữ giám đốc đã phải đối diện với hàng ngàn khó khăn, thử thách ngay từ khi đặt viên gạch đầu tiên xây dựng công trình. Bệnh viện Hùng Vương lúc này đang oằn mình đối diện với thực trạng 8 không: Không mạng điện thoại, không ống thoát hơi, không truyền thông, không hệ thống thông gió, không hệ thống cáp truyền hình, không hệ thống mạng vi tính, không hệ thống điều hoà và không dự trù cả máy phát điện công suất 1.000KVA. PGS.TS Vũ Thị Nhung nhớ lại: "Lúc đó, hàng ngàn khó khăn trước mắt tưởng chừng như không thể nào vực dậy được khiến có những lúc tôi cảm thấy ngạt thở. Nhưng vì lợi ích của người dân, tôi đã dồn hết tâm huyết của mình để vực dậy một bệnh viện như hôm nay".
Lòng yêu nghề và ý nghĩ cống hiến bằng sức trẻ vì hạnh phúc của người bệnh, PGS.TS Vũ Thị Nhung thực hiện chủ trương kích cầu (vay để xây) của UBND TP.HCM nhằm phục vụ cho việc xây dựng lại bệnh viện. Sau mỗi buổi căng thẳng giải quyết một ca bệnh nặng, bà lại ôm chồng hồ sơ từ thiết kế cho đến các hợp đồng xây dựng, điện, nước, để theo dõi độ cứng bê tông từng ngày. Không chỉ vậy, bà còn thực hiện cả công việc của một người có chuyên môn giám sát chất lượng thi công, phát hiện từng vết nứt, những sai sót trong xây dựng để tránh tình trạng xây rồi không sử dụng được. Điều đáng nói là, trong thời gian xây dựng phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng bệnh viện không hề nghỉ một ngày nào ngay cả khi di dời cơ sở.
Sau một thời gian xây dựng và khắc phục khó khăn, bệnh viện Hùng Vương đã có đến 800 giường bệnh và nhập được nhiều máy móc kĩ thuật hiện đại và là điểm đến của nhiều bệnh nhân khắp mọi nơi. Lễ khánh thành bệnh viện Hùng Vương khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, phải trầm trồ khen ngợi về khả năng chèo lái kỳ diệu của vị nữ giám đốc này. Bà đã trở thành một chủ đề của giới báo chí không chỉ từ sau công trình xây dựng ấy mà còn trong nếp sống bình dị. Tầm quan trọng của một giám đốc bệnh viện là vậy nhưng hàng ngày bà vẫn đi làm bằng chiếc xe cúp 81 cà tàng.
BS.Nhung thời điểm đang là Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương
Người đỡ đầu những cặp hiếm muộn
Nhắc đến PGS.TS Vũ Thị Nhung, người ta còn nhắc tới hình ảnh vị nữ giám đốc khởi xướng cho việc tách rời và thành lập khoa hiếm muộn tại TP.HCM để mang tiếng cười trẻ thơ tới những cặp vợ chồng hiếm muộn từ năm 2001. Tuy nhiên, để đi đến được những thành công như hiện nay về công tác điều trị hiếm muộn là cả một quá trình gian nan, vất vả mà các y bác sĩ ở nơi đây phải vượt qua.
Là người nhiều kinh nghiệm trong nghề, PGS.TS Vũ Thị Nhung nhận thấy nhu cầu chữa hiếm muộn ngày càng trở nên cấp bách và cấp thiết mặc dù Việt Nam đang là một trong những nước bùng nổ dân số. Để không làm ảnh hưởng tới hạnh phúc đầm ấm của nhiều gia đình, vai trò của khoa điều trị hiếm muộn lại ngày càng được chú trọng hơn. Nhìn nhận được lợi ích chung của xã hội, bệnh viện Hùng Vương đã tiến hành đầu tư chữa trị các trường hợp hiếm muộn cho các cặp vợ chồng từ trước năm 2000. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động, các phương pháp chữa trị ở đây vẫn không mang lại một kết quả nào.
Không nản lòng hay chùn bước trước những lời bán tán, PGS.TS Vũ Thị Nhung cho rằng: "Không có lý do gì mà mình lại không làm được trong khi các chuyên khoa hiếm muộn của bệnh viện khác đã có nhiều thành công trên lĩnh vực này. Sau nhiều lần nghiên cứu, tôi nhận thấy nguyên nhân khiến chúng tôi thất bại là vì không có điều kiện đầy đủ về máy móc, khoa học hiện đại cũng như chuyên môn sâu. Những suy nghĩ ấy chính là động lực giúp tôi vượt qua tất cả những trở ngại".
Không để suy nghĩ của mình nằm trên trang giấy quá lâu, bà đã bắt tay ngay vào công việc tách riêng và xây dựng khoa hiếm muộn tại bệnh viện nhằm tạo điều kiện cho các y bác sĩ có môi trường làm việc, nghiên cứu tốt hơn. Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra các chiến lược trang bị nhiều thiết bị khoa học kĩ thuật hiện đại giúp cho công tác điều trị đạt được kết quả cao. Và quả nhiên, sự cố gắng, tinh thần vượt khó của PGS.TS Vũ Thị Nhung cùng với nhiều nhân viên bệnh viện đã mang lại những thành công ban đầu. Đó chính là sự kiện ngày 31/5/2004, hai bé gái song sinh của chị Lâm Thị Thu Trinh (30 tuổi, ngụ tại phường 4, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chào đời từ ca thụ tinh trong ống nghiệm là thành công đầu tiên của bệnh viện Hùng Vương về hiếm muộn.
Nhớ lại sự kiện này, PGS.TS Vũ Thị Nhung cho biết: "Thành công đầu tiên đó, bản thân tôi cảm thấy quá vui mừng và thầm nghĩ những gì mình đã làm là hoàn toàn đúng. Đó là một phần thưởng vô giá mà chúng tôi đã phải nỗ lực và chờ đợi từ bao lâu mới có thể đạt được. Bước khởi đầu này đã tạo đà cho việc chữa trị hiếm muộn tại bệnh viện Hùng Vương ngày càng tiến bộ hơn. Từ chỗ, mỗi ngày chỉ có một vài người đếm được trên đầu ngón tay đến điều trị cho đến nay, chúng tôi không thể nào đếm được số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn đến điều trị. Và mỗi năm, tỉ lệ thành công trong công tác chữa trị hiếm muộn tăng lên rõ rệt.
Nhìn lại cả một chặng đường dài, PGS.TS Vũ Thị Nhung nói vui: "Sản phụ y khoa không phải là sự lựa chọn ban đầu của tôi nhưng duyên nợ thế nào lại gắn bó mấy chục năm. Tôi không có gì phải hối hận trong cả quãng đường sự nghiệp mà ngược lại tôi cảm thấy tự hào với những gì mình đã làm được. Sự vinh quang trong nghề nghiệp của mình là được đón ra đời những mầm sống mới, những em bé lành lặn, khoẻ mạnh và chứng kiến niềm hạnh phúc vô bờ của các cặp vợ chồng. |
Thơ Trịnh