Ông chủ Stan Kroenke (ảnh nhỏ) sẽ bán CLB Arsenal cho đối tác Qatar để kiếm lời
MUA, MUA NỮA, MUA MÃI
Một tháng trước, tòa nhà cao nhất châu Âu mở cửa đón khách. Đó là The Shard (Mảnh kính). Được thiết kế bởi huyền thoại của kiến trúc hiện đại Renzo Piano, Shard là một khối kiến trúc đồ sộ với chiều cao 304,1m chưa tính cột ăng-ten, tổng diện tích sử dụng 11 vạn mét vuông, kinh phí xây dựng sơ bộ gần 500 triệu bảng. Một niềm tự hào mới của London.
Nhưng có một chi tiết không nhiều người biết: The Shard thuộc về người Qatar. Cuối năm 2007, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chủ đầu tư người Anh tưởng như đã không thể thực hiện dự án. Nhưng như thể từ... giếng dầu chui lên, những đại gia Qatar xuất hiện. Một liên danh gồm 4 doanh nghiệp Qatar chi ra 150 triệu bảng để mua lại dự án và tiếp tục bơm tiền cho nó được thi công.
Một trong những niềm tự hào của người Anh là tòa nhà The Shard đã về tay Qatar
The Shard không phải là biểu tượng kiến trúc duy nhất của London về tay người Qatar. Khu căn hộ số 1 phố Hyde Park, khối BĐS đắt nhất thế giới nếu tính theo m2, cũng thuộc về người Qatar. Làng Thế vận hội, sau khi Olympic 2012 qua đi, cũng về tay các chủ đầu tư của nó, những tỷ phú Qatar.
Hãy tưởng tượng về thời khóa biểu của một chuyên viên tài chính tại London. Ban ngày, anh ta làm việc trong một cơ quan có vốn đầu tư Qatar: quốc gia này sở hữu 20% sàn chứng khoán London.
Buổi chiều, anh ta rời công sở, đến rút tiền tại ngân hàng Barclays, có cổ đông chính là Quỹ đầu tư quốc gia Qatar. Sau đó, anh ta đến mua sắm tại Harrods, trung tâm thương mại lớn nhất nước Anh, thuộc sở hữu của người Qatar từ năm 2010. Nếu không thích sự xa xỉ của Harrods, anh có thể đến chợ Campden, khu chợ ngoài trời lớn nhất đất nước. 20% nơi này cũng là của các nhà đầu tư Qatar.
Trên đường về, anh ta rẽ vào một cửa hàng Sainsbury's, chuỗi siêu thị lớn thứ 2 nước Anh để mua vài vật dụng cá nhân. Sainsbury's cũng đã được người Qatar mua lại. Về đến nhà, anh sưởi ấm và nấu nướng bằng khí đốt do người Qatar cung cấp: họ chiếm 25% thị trường nhiên liệu nước này.
Những đồng tiền sực mùi dầu mỏ từ đất nước Trung Đông nhỏ bé đang hiện diện khắp nơi trên đất nước Anh. Sơ bộ, Qatar đã đầu tư khoảng 10 tỷ bảng vào Đảo quốc Sương mù, và con số vẫn đang tăng lên không ngừng.
ARSENAL NẰM TRONG TẦM NGẮM
Người Qatar đã sở hữu Malaga và PSG, 2 đội bóng dự Champions League mùa giải này. Họ cũng là nhà tài trợ chính cho Barcelona trong 2 mùa giải qua. Hãng truyền hình khổng lồ Al Jazeera của nước này cũng sở hữu BQTH của rất nhiều giải đấu lớn, trong đó đáng chú ý là Ligue 1, giải mà họ sở hữu toàn bộ quyền phát sóng ngoài lãnh thổ Pháp.
Tham vọng quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua bóng đá của các nhà đầu tư Qatar là không hề che đậy. Và Arsenal sẽ là một đích đến hợp lý cho hành trình "mua lại Quốc đảo Sương mù" của người Qatar. Hiện tại, Arsenal đang trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhấtkể từ khi HLV Arsene Wenger lên nắm quyền.
Những cuộc biểu tình chống chính sách của ông chủ Mỹ Stan Kroenke (người sở hữu 2/3 cổ phần CLB) diễn ra thường xuyên phía bên ngoài sân Emirates. CLB vẫn đang gánh nợ hơn 250 triệu bảng từ việc xây sân Emirates và phát triển khu căn hộ trên nền sân Highbury cũ.
Arsenal sẽ về tay người Qatar?
Theo báo chí Anh, một liên minh gồm các nhà đầu tư Qatar và UAE đã đề nghị mua lại Arsenal với tổng giá trị 1,5 tỷ bảng. Nếu thành công, đội bóng thành London sẽ trở thành CLB đắt giá nhất thế giới. Nhưng với túi tiền không đáy của các hoàng thân Qatar và UAE, không có cái giá nào là đắt, đặc biệt là để đưa một viên ngọc của nước Anh lên mũ miện của họ.
Thực chất, ông chủ Stan Kroenke chưa bao giờ thể hiện đủ thiện ý với Arsenal. Với việc sở hữu 67% cổ phần, theo luật, tỷ phú người Mỹ có quyền yêu cầu các cổ đông còn lại phải bán toàn bộ cổ phần cho mình và sở hữu trọn vẹn CLB.
Nhưng ông hài lòng với vị thế của một cổ đông lớn, được quản lý Ban giám đốc, và chưa từng đưa ra đề nghị với các cổ đông khác. Tiềm lực tài chính của Stan Kroenke là rất mạnh: ngoài tài sản cá nhân khoảng 4 tỷ USD, vợ ông cũng là người thừa kế của tập đoàn bán lẻ Wal-Mart khổng lồ, có gia sản riêng 6 tỷ USD.
Nếu Kroenke muốn sở hữu toàn bộ Arsenal, ông "chỉ" phải trả thêm khoảng 240 triệu bảng nữa. Vấn đề có lẽ nằm ở mục tiêu của Kroenke. Nếu Arsenal được định giá 1,5 tỷ bảng, số cổ phần của Kroenke sẽ thu về cho ông số lãi khoảng 300 triệu bảng. Một con số cực kỳ đáng cân nhắc.
TƯƠNG LAI NÀO CHO MỐI DUYÊN?
Người Qatar sẽ đem một tấm nhung mềm bọc lấy những tài sản của họ: tất cả đều cảm thấy dễ chịu. Cứ nhìn cách họ đã chi tiền cho PSG là biết. Gần 250 triệu euro được ném ra chỉ trong 2 mùa giải, đem về những ngôi sao đáng thèm khát nhất châu Âu. Chỉ cần một nửa con số ấy là đã đủ để đưa Arsenal về lại vị thế của một kẻ cạnh tranh đáng gờm tại Premier League.
Nhưng có điều gì ẩn khuất đằng sau tấm nhung? Tại sao Qatar lại đầu tư vào nước Anh với mức độ ghê gớm đến thế? Tờ Daily Mail đầu năm ngoái đã giật tít lớn: "Qatar mua lại Vương quốc Anh".
Trong đó trích dẫn phát biểu của ông Justin Bowden từ Tổng Công đoàn Anh quốc: "Chúng ta đang đặt một lượng quyền lực kinh khủng vào tay họ. Liệu một ngày, chúng ta có tỉnh dậy và thấy mình đang sống trong ân huệ của quốc gia nhỏ bé đó?".
Hãy lấy trường hợp của Arsenal làm ví dụ. Kênh truyền hình Al Jazeera đã tham gia vào đấu thầu BQTH của Premiership giai đoạn 2013-16 trên chính đất Anh nhưng bất thành. Nếu những người Ả-rập sở hữu vài ba CLB Premier League, mọi chuyện có thể thay đổi.
Và như thế, các tỷ phú Qatar nắm trong tay một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Anh. Hãy tưởng tượng về chàng chuyên viên tài chính ở trên: cuối cùng thì cuộc sống của anh ta sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các tỷ phú Qatar, ngay cả khi bật TV lên để xem Premier League.
Các chuyên gia từ Ngân hàng Deutsche Bank mới đây đã cảnh báo nước Anh rằng họ đang quá phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Qatar, và sẽ rất bị động trước giá cả trong tương lai. Ngay từ bây giờ, nếu nguồn cung khí đốt từ Qatar gặp trục trặc, đảo quốc này đã phải đối mặt với một vấn đề lớn. Từ chỗ là thuộc địa của nước Anh năm 1971, Qatar đang có xu hướng thực hiện điều ngược lại.
Câu hỏi của các lãnh đạo Tổng Công đoàn Anh không hề phi lý: "Ai đang đầu tư vào các công ty Anh và tại sao họ phải đầu tư?". Cần biết thêm rằng, những nhà đầu tư Ả-rập nói chung và Qatar nói riêng luôn che giấu thân phận cực kỳ kín đáo. Rồi sẽ đến một ngày, Arsenal gặp Man City mà người ta không biết rằng có thể họ có cùng một chủ sở hữu...
DIỄN BIẾN CHÍNH CỦA VỤ VIỆC
Ngày 3/3, các tờ báo lớn ở Anh đồng loạt đăng tải thông tin một tập đoàn đầu tư đến từ Trung Đông sẵn sàng bỏ ra 1,5 tỷ bảng Anh để mua lại 66,83% cổ phần của cổ đông chính người Mỹ và cũng là chủ sở hữu của Arsenal Stan Kroenke và 29,96% cổ phần của vị cổ đông lớn thứ 2 Alisher Usmanov.
Các nhà đầu tư này sẵn sàng xóa khoản nợ lên đến 250 triệu bảng mà đội bóng đã vay để xây dựng sân Emirates. Bên cạnh đó, họ sẽ đầu tư lớn vào đội bóng, mua sắm các ngôi sao, tránh tình trạng bị chảy máu lực lượng nặng nề như trong 7 năm qua. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra để các ông chủ này đầu tư mua lại Arsenal là đội bóng phải lọt vào Top 4 giải NH Anh năm nay.
Điều kỳ lạ khác trong cách truyền tải thông tin của các tờ báo hàng đầu nước Anh là tất cả "lý lịch trích ngang" của các nhà tài phiệt Trung Đông (từ Qatar và UAE) vẫn đang nằm trong vòng bí mật.
Ngày 4/3, nguồn tin từ Arsenal cho biết cổ đông lớn nhất Stan Kroenke không có ý định nhượng lại cổ phần của ông cho những nhà đầu tư Trung Đông.