Xe hết xăng vừa hay bắt được kẻ trốn trại
Cho đến giờ, mỗi khi nhắc lại chuyến “xuất ngoại” bắt phạm nhân trốn trại, Trung tá Bùi Văn Hùng, người quản giáo hơn 25 năm công tác ở trại giam Ninh Khánh vẫn nhớ như in cảm giác chờ đợi đêm nào. Một kẻ phạm tội bắt đã khó, đằng này hắn lại trốn trại và to khỏe gấp nhiều lần so với dáng vẻ khiêm tốn của quản giáo Hùng, vậy mà anh dám tìm về tận quê hắn, chờ bắt kẻ trốn tù ngay tại bến xe, một nơi được mệnh danh là địa bàn hoạt động của hắn ta.
Trung tá Hùng có dáng người thanh mảnh, nước da đen giòn của người quen nắng gió nhưng giọng nói lại rất nhỏ nhẹ. Trông anh vừa giống một thầy giáo, vừa có nét gì đó giống anh kỹ sư nông nghiệp, suốt ngày lăn lưng ngoài đồng ruộng. Mang tiếng là quản giáo nhưng công việc chính của anh lại gắn bó với khoai, lúa nên xuân thu nhị kỳ, anh rành lắm những việc gieo mạ, bón phân, thậm chí nhìn trời, nhìn cây còn đoán được thời tiết… Gần nửa đời người gắn bó với ruộng đồng để cảm hóa người lầm lỗi, anh mừng lắm khi biết những con người từng được anh giáo dục đã tạo lập được cuộc sống từ đôi bàn tay. Song, anh cũng nhiều đêm mất ngủ, trăn trở khi gặp lại “người cũ”, từng cải tạo dưới sự quản lý của anh, lần nữa quay lại trại giam. Anh bảo, nghề quản giáo chẳng khác nào lái đò chở khách, đón người hư chở qua bể trần ai, rèn cho họ biết sống có mục đích, có nghị lực nhưng mấy ai nhớ đến người lái đò. Nhớ lại lần đi bắt tên tù trốn trại, anh bảo một phần thành công nhờ sự may mắn.
Ngô Văn Tới là một tên siêu trộm, đôi tay như có mắt khiến bao hành khách ở các bến tàu, bến xe khốn đốn vì mất cắp. Cứ nghĩ, chỉ những kẻ nhỏ thó mới nhanh tay, nhanh mắt vậy nhưng Tới thì ngược lại. Anh ta không chỉ cao to, lực lưỡng mà vẻ mặt luôn tỏ ra là người thân thiện, hiền lành, vậy mà có thâm niên trong nghề rạch túi, móc ví. Mấy năm trời hành nghề trộm cắp ngang dọc các bến xe ở Thái Nguyên, Hưng Yên, mãi cuối năm 1995, Tới mới bị bắt. Về trại giam Ninh Khánh cải tạo, Tới luôn tỏ ra là người biết hối lỗi, chăm chỉ lao động nhưng chỉ trong tích tắc, lợi dụng quản giáo điểm buồng muộn, anh ta bỏ trốn. Không trực tiếp quản lý Tới nhưng ngày ngày anh Hùng vẫn đưa đội phạm của mình đi lao động cạnh với khu vực của Tới cải tạo nên cũng nắm sơ sơ về phạm nhân này. Được Ban Giám thị giao đi bắt kẻ đào tẩu, ban đầu anh Hùng lo lắm vì kẻ bỏ trốn thì nhanh, anh lại không phụ trách nên không rành lắm tính khí của kẻ này trong khi lý lịch hồ sơ về Tới thì ngắn gọn. Làm sao để bắt được anh ta đây? Một mình một xe máy, theo địa chỉ gia đình Tới ghi trong hồ sơ, anh Hùng phóng lên Thái Nguyên, gặp bố mẹ Tới, vừa để thông báo tình hình đồng thời thuyết phục họ hợp tác.
Bất ngờ trước cuộc viếng thăm đường đột của quản giáo, cha Tới tỏ ra thật thà, hứa nếu con trai về nhà sẽ thuyết phục con ra đầu thú. Ông buột miệng, bảo khả năng Tới về Lực Điền, Mỹ Văn (Hưng Yên). Tuy nhiên, trước tình cảnh tù tội của con trai, vì không vững lòng, muốn điều có lợi cho con nên ông vội vàng đính chính: “Nhưng chắc nó không về Lực Điền đâu, ở đó làm gì còn ai thân thiết”.
Câu đính chính của bố Tới được nhắc đi nhắc lại vài lần khiến anh Hùng thấy không bình thường. Nhận định khả năng Tới nếu không về nhà tá túc hoặc xin tiền gia đình để trốn đi xa, chắc chắn sẽ về Lực Điền. Từ Thái Nguyên về Hưng Yên dễ đến gần 100 cây số, không thể đi ngay trong đêm tối, anh Hùng quyết định nghỉ lại ở Thái Nguyên. Đêm đó, anh chẳng khác nào một anh xe ôm, vật vờ hết hàng này quán nọ ở TP Thái Nguyên để tìm hiểu thông tin về Tới. Những bà chủ quán, người lái xe ôm và thậm chí là cả gái mại dâm bắt khách đêm... đều được anh khéo léo gợi chuyện, từ họ mà anh Hùng biết Tới chưa về Thái Nguyên. Quyết định về Hưng Yên, mờ sáng hôm sau, anh Hùng bắt đầu cuộc hành trình.
Khi xuống Lực Điền, việc đầu tiên là anh Hùng tới bến xe năm nào Tới gây án. Nhìn dáng bộ mệt mỏi của anh, bà chủ quán bia cất giọng hỏi thăm: “Anh đi đâu mà phờ phạc thế?”. Anh Hùng giả bộ khổ sở: “Hôm qua tôi đi xe buýt bị móc mất tiền, mất cả giấy tờ, hôm nay quay lại xem có ai nhặt được giấy tờ thì xin chuộc. Hỏi khắp nhưng không ai nhặt được, họ bảo bọn thằng Tới lấy”. Bà chủ quán thật thà: “Tôi vừa nhìn thấy nó hôm qua. Nó khoe đi làm chủ đất ở Thái Nguyên, tưởng bỏ nghề móc túi rồi, ai dè vẫn chứng nào tật nấy”.
Cảm ơn bà chủ quán mau miệng, anh Hùng sang quán nước chè với ý định ngồi đón lõng tên Tới. Biết thế nào Tới cũng có đồng bọn ở đây, phải tìm người hợp tác với mình nên sau mấy câu trò chuyện xã giao, anh khẽ nói cho bà chủ quán biết mình là Công an, đi bắt kẻ trốn trại, đề nghị bà giúp đỡ. Nhìn thấy tấm thẻ ngành của anh, bà chủ quán lén đưa cho anh đoạn dây thừng rồi đồng ý giúp đỡ. Theo đó, anh Hùng giả là khách bộ hành, ngồi quay mặt vào trong uống nước, còn bà chủ quán nếu nhìn thấy Tới sẽ ra ám hiệu bằng cách đứng lên đi ra ngoài.
Vừa trò chuyện để giết thời gian, trong lòng anh Hùng quặn lên những tình huống cần tháo gỡ. Đây là quê của kẻ trốn trại, người quen chắc chắn sẽ nhiều, nếu không phản ứng nhanh, bất ngờ thì sẽ khó lòng bắt được Tới mà rất có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu như anh ta hô hoán người quen tới ứng cứu. Tuy nhiên, lúc này tới Công an huyện Mỹ Văn nhờ trợ giúp thì không kịp và rất có thể sẽ gây chú ý mà lộ thông tin. Thế nên, anh Hùng quyết định chờ đợi.
Đang trò chuyện, bà chủ quán chợt sững lại một giây, ngập ngừng rồi đứng dậy sau khi nháy mắt về phía trước. Nhận ra ám hiệu, anh Hùng đứng lên, đi vượt lên phía trước tấm lưng to bè của một người đàn ông đội mũ lưỡi trai rồi bằng thế võ nhanh, bất ngờ, quật ngã anh ta xuống đất. Chiếc mũ rơi ra, mái đầu trọc lốc lộ ra cũng là lúc sợi dây thừng trên tay anh Hùng nhanh chóng thít chặt vào đôi tay vâm váp của đối phương. Không để kẻ bị trói kịp hoàn hồn, anh Hùng ngoắc anh ta lên phía sau chiếc xe máy 81 cà tàng của mình rồi phóng đi. Xe vừa chạy vào sân trụ sở Công an huyện Mỹ Văn thì chết máy vì hết xăng. Nghe Công an huyện Mỹ Văn nói chỗ Tới bị bắt là nơi có nhiều kẻ lang thang, anh Hùng mới thở phào vì nghĩ mình thật may mắn.
Giỏi nghề nông vì có vợ giúp đỡ
Vợ dạy tiểu học, chồng làm quản giáo nửa tháng mới về qua nhà một lần nên để anh Hùng yên tâm công tác, vợ anh đã chấp nhận thôi nghề giáo viên. Về làm nông nghiệp, chị tần tảo với ruộng vườn và chăn nuôi gà, lợn. Kinh tế gia đình dần ổn định, chị không ngờ những lần anh về nhà, hỏi han về công việc của nhà nông với những lịch trình thời vụ như cày cấy, phun thuốc sâu, nhổ cỏ… chính là anh đang học việc từ chị. Là quản giáo, anh được dạy về chuyên môn, nghiệp vụ của người Công an nhưng khi phụ trách đội phạm làm ruộng, anh phải tự mày mò hỏi để có kiến thức như một nhà nông thực thụ. Học từ vợ, lắng nghe bản tin nông vụ của xã… anh chẳng khác nào một kỹ sư nông nghiệp truyền kinh nghiệm, lòng yêu lao động cho các phạm nhân. Theo anh Hùng thì làm quản giáo phải giỏi nghề và biết nhiều việc vì “có biết thì mới bảo được phạm nhân”.
Xuất thân là lính trinh sát, chuyên khám phá những vụ án kinh tế, từ khi về trại giam Ninh Khánh, anh Hùng trở thành “thầy giáo” bất đắc dĩ. Anh bảo, ban đầu cũng rất khó vì chưa quen nhưng tính chất công việc buộc những người như anh phải tự hoàn thiện mình để bắt kịp với yêu cầu đề ra. Tâm lý của kẻ phạm tội là chỉ thật thà những điều quản giáo biết và tìm mọi cách giấu giếm những điều chưa “lộ”. Thế nên, người quản giáo luôn phải tìm hiểu, nắm bắt và cảnh giác nhưng vẫn phải làm sao tự tạo được sự thoải mái cho chính mình. 25 năm làm quản giáo, chưa lúc nào anh Hùng nghĩ tới một chức danh nào khác và chính sự giản dị, chân thành ấy đã làm nên cốt cách một người quản giáo luôn được đồng đội và phạm nhân quý trọng.
Theo Báo công lý