Người Quảng Bình tựa lưng cùng gượng dậy sau lũ dữ

Người Quảng Bình tựa lưng cùng gượng dậy sau lũ dữ

Thứ 2, 17/10/2016 06:32

Trong dòng nước lũ hung dữ, đục ngầu, có những đứa trẻ được giúp đỡ để chào đời, có lễ vu quy vẫn diễn ra… Lũ dữ đi qua, người dân vùng rốn lũ tựa lưng cùng gượng dậy.

Đến thời điểm này, mưa lũ tại Quảng Bình đã làm 18 người chết, 4 người mất tích 13 người bị thương. Hơn 92 ngàn ngôi nhà bị ngập, 56 hộ tốc mái và 18 nhà bị sập hoàn toàn.

Lũ cũng mang đi không biết bao nhiêu lúa, gạo, vốn liếng của hàng ngàn người dân cơ cực. Thứ quý giá còn đọng lại là tình người.

Hết gạo, ở nhờ hàng xóm

Những ngày này, về những thôn làng ở Quảng Bình đều thấy hàng vạn người dân, nhà cửa, ruộng nương bơ phờ vì lũ dữ.

Dân sinh - Người Quảng Bình tựa lưng cùng gượng dậy sau lũ dữ

 Hậu sự cho hai bố con xấu số đã được chính quyền địa phương và bà con lối xóm lo trọn vẹn


Vừa xổ những bao lúa đẫm nước ra nền nhà, chị Hoàng Thị Nga ở thôn Vĩnh Thọ, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch vừa thở dài: “Vợ chồng tích góp được một ít để mua gỗ lạt về làm nhà, mới làm được cái móng thì lũ về, bao nhiêu gỗ, lúa, áo quần, sách vở của các con đều bị nước cuốn trôi. Giờ cả nhà phải ở nhờ hàng xóm”.

Gần đó là bà Hoàng Thị Vân (65 tuổi) đang ngồi phơi gạo, bà bảo, nhà có hai ông bà, lũ lên nhanh quá soạn không kịp, được bao nhiêu gạo ướt hết. “Mấy ngày ngồi trên chạn (mái nhà - PV) may có mì tôm cứu trợ ăn đỡ đói, giờ gạo ướt hết không biết lấy gì ăn”.

Giữa biển nước mênh mông, những người hàng xóm vẫn gọi hỏi thăm, động viên nhau cố gắng chờ nước rút rồi lại giúp nhau dọn vén nhà cửa, chia nhau từng bơ gạo chưa bị ngâm nước lũ.

Dân sinh - Người Quảng Bình tựa lưng cùng gượng dậy sau lũ dữ (Hình 2).

 Em Nguyễn Thị Hồng Nga ở xã Cảnh Hóa bần thần trước giá sách vở bị ướt


Trong lũ, tình cảm gia đình, làng xóm mới thấy đáng quý, anh Nguyễn Văn Hà (43 tuổi) cùng con gái Nguyễn Thị Kiều Linh (17 tuổi) ở tổ dân phố Chùa, phường Quảng Thuận, TX Ba Đồn đi thả lưới vào đêm 14/10, do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh nên cả hai cha con đều bị cuốn trôi.

Không chỉ tìm người mất tích trong lũ, sau khi nước rút, lúa gạo cùng với mọi vật dụng trong nhà chị Trần Thị Tuyết (vợ anh Hà) đã bị ướt, hư hại. Bà con láng giềng người ra đồng tìm kiếm, người ở nhà giúp đỡ dọn vén nhà cửa. Sáng 16/10, thi thể hai cha con được tìm thấy ở cánh đồng làng.

Chính quyền địa phương, các đoàn thể cùng với bà con xóm giềng đã ngược xuôi lo hậu sự cho hai phận người xấu số vì mưu sinh để kiếm bát cơm, manh áo.

Nhiều trẻ chào đời trong lũ

Trong lúc đang giúp dân chống lũ, Công an thị xã Ba Đồn nhận được điện thoại của một người dân ở xã Quảng Trung cầu cứu vợ chuyển dạ sắp sinh.

Dân sinh - Người Quảng Bình tựa lưng cùng gượng dậy sau lũ dữ (Hình 3).

 Sản phụ Trần Thị Mai được đưa đi bệnh viện bằng ca nô


Giữa mênh mông nước, Công an thị xã đã nhanh chóng có mặt tại xã Quảng Trung chở chị Pham Thị Mỹ Linh (23 tuổi), trú xóm 2 đang chuyển dạ đến bệnh viện an toàn.

Tiếp đó, tổ công tác này lại điều ca nô chạy về xã Quảng Hải chở một người dân đến bệnh viện để kịp cấp cứu mổ ruột thừa, cứu được tính mạng.

Cách đó cả trăm cây số, tại Minh Hóa, chị Đinh Thị Thành (28 tuổi) trú tại xã Dân Hóa đã được người nhà đưa đi bệnh viện nhưng vì nước lũ quá to nên phải chờ bên suối.

Nhận được yêu cầu hỗ trợ, bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa đã cử kíp trực gồm một bác sĩ, hộ sinh và lái xe chờ bên kia suối. Đến rạng sáng 15/10, sản phụ đuối sức nên được nhiều thanh niên hợp sức đưa qua suối và 7h cùng ngày về đến bệnh viện sinh mổ thành công.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, lúc nhập viện, sản phụ Thành đuối sức, được hồi sức rồi sinh mổ thành công. Tuy nhiên, anh Đinh Văn Sướng, người cố gắng đưa sản phụ qua suối, đã bị cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy.

Trong ngày 16/10, khi lũ ở Lệ Thủy chưa rút, người thân và gia đình chị Trần Thị Mai hốt hoảng vì chị đau bụng chuyển dạ, gia đình đã cố chở chị đi bệnh viện bằng xe máy nhưng chỉ đi được 3km thì không thể đi tiếp do đường ngập sâu.

Dân sinh - Người Quảng Bình tựa lưng cùng gượng dậy sau lũ dữ (Hình 4).

 Bà Hoàng Thị Vân đang phơi gạo bị ngâm trong lũ


Tổ trực của Ban chỉ huy quân sự huyện Lệ Thủy có Đại úy Lê Cảnh Hợp đã kịp thời đưa sản phụ 24 tuổi lên cano, di chuyển bằng đường sông tới bệnh viện. Sau khoảng 30 phút vượt 3 km dòng sông Kiến Giang, chị Như đã tới bệnh viện an toàn.

Đại úy Hợp cho biết, đã từng đưa nhiều bệnh nhân cấp cứu, nhưng đây là lần đầu đưa sản phụ đi sinh. Rất hồi hộp, lo lắng nhưng cũng rất vui vì mẹ con chị Mai đã đến bệnh viện an toàn.

Những chuyến hàng cứu trợ từ mọi miền đất nước đã bắt đầu đến với người dân vùng lũ - là nguồn cổ vũ tinh thần, vật chất cho bà con gượng dậy ổn định cuộc sống.

Theo VNN

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.