Người rộng lượng "xử án" khiến vua cũng cảm phục

Người rộng lượng "xử án" khiến vua cũng cảm phục

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Trước những đố kỵ, ghen ghét ở trong cung, Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu đã xử lý rộng lượng, khiến Vua Trần Minh Tông rất cảm phục.

Bà không chỉ nổi tiếng về việc xử án anh minh thần võ, mà còn nổi tiếng về sự nhân ái và cách xử thế, thương yêu các con của vua Minh Tông như con ruột không phân biệt, dù là con của vợ thứ hay cung phi sinh ra, và còn thân thiện với các cung tần trong cung, cũng như hay phát tiền bố thí dân nghèo. Nhiều lần bà bị vu oan hay hiềm khích, nhưng bà đều bỏ qua, không lợi dụng uy tín mình để truy cứu hay trả thù.

Sự kiện - Người rộng lượng 'xử án' khiến vua cũng cảm phục

Ảnh minh họa

Rộng lượng "xử án" khiến vua cũng cảm phục

Hiển Từ Thái hậu (? - 1369), nguyên tước hiệu là Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu, là một thái hậu Nhà Trần, nổi tiếng về lòng nhân hậu và cách xử thế, được xếp vào hàng "Nghiêu Thuấn trong nữ giới". Có sách chép là Hiển Từ Thái hậu hay Huệ Từ Thái hậu, ở đây ghi theo Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, bản dịch của Viện Khoa học xã hội Việt nam.

Sử sách ghi rằng, Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu là con gái của Huệ võ Đại vương Trần Quốc Chẩn. Từ nhỏ, bà đã được phong là Huy Thánh Công chúa. Năm Giáp Dần (1314), theo tục tệ nhà Trần, Công chúa Huy Thánh được tuyển vào cung, khi Hoàng tử Mạnh, khi đó mới 15 tuổi, lên ngôi hoàng đế (sau là Vua Trần Minh Tông). Gần 10 năm sau, vào tháng 12 năm Quý Hợi (1323), bà được phong làm Lê Thánh Hoàng hậu (Có sách chép khác là Lệ Thánh Hoàng hậu) .

Tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1329), Trần Minh Tông nhường ngôi cho Hoàng tử Vượng (con của một thứ phi) lên làm vua, lấy hiệu là Trần Hiến Tông. Ở ngôi hoàng đế, Hoàng tử Vượng lấy hiệu là Hiển Tông, đại xá thiên hạ, tôn vua cha làm Chương Nghiêu văn triết Thái thượng hoàng đế. Hoàng hậu Lệ Thánh là mẹ đích, nhưng vẫn được tôn là Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu. Khi Minh Tông mất, bà muốn đi tu, nhưng thái hậu theo lời dặn cuối của Minh Tông, không thụ giới nhà Phật.

Hiển Từ Thái hậu vốn tính nhân hậu, tốt bụng nổi tiếng khắp trong triều và ngoài cấm cung, lại có nhiều công lao giúp họ Trần ổn định chốn nội cung. Khắp dân gian ai cung biết đến sự nhân ái bao là của bậc mẫu nghi thiên hạ này. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: Thái hậu vốn người nhân hậu, có nhiều công lao giúp rập (họ Trần). Trước kia, khi Minh Tông còn ngự ở Bắc Cung, có tên gác cổng bắt được con cá bống trong giếng Nghiêm Quang, trong mồm có ngậm vật gì, moi ra thì thấy có chữ, đó là bùa yểm, có ghi các tên Dục Tông, Cung Túc, Thiên Ninh (đều là các con đẻ của Hiển Từ). Tên gác cổng cầm lá bùa tâu lên vua. Minh Tông sợ lắm, truyền bắt hết các cung nhân, bà mụ, thị tỳ trong cung để tra hỏi.

Thái hậu thưa:

- Khoan đã, sợ trong đó có kẻ bị oan, thiếp xin tự mình bí mật xét hỏi đã.

Minh Tông nghe theo. Thái hậu sai người hỏi tên gác cổng rằng:

- Gần đây, phòng nào trong cung mua cá bống?

Tên gác cổng trả lời là thứ phi Triều Môn. Thái hậu nói cho Minh Tông biết. Minh Tông lập tức ra lệnh tra xét cho ra. Thái hậu tâu:

- Đây là việc trong cung, không nên để hở ra ngoài. Thứ phi Triều Môn là con gái của Cung Tĩnh Vương, nếu để hở ra thì Quan gia sẽ sinh hiềm khích với Thái úy. Thiếp xin ỉm việc này đi không xét hỏi nữa!.

Minh Tông khen bà là người hiền.

Người bấy giờ cũng ca ngợi bà là đã trọn đạo làm mẹ, tuy là phận con đích, con thứ không giống nhau, mà lòng nhân từ thì đối với con nào cũng thế, làm cho ân nghĩa vua tôi, anh em, cha con không một chút thiếu sót, từ xưa đến nay chưa có ai được như vậy. Người xưa có nói " Nghiêu Thuấn trong nữ giới", Thái hậu được liệt vào hàng ấy. Minh Tông thấy Thái hậu xử rộng lượng như vậy, tỏ ra rất cảm phục và khen bà là người hiền từ. Đến năm Đinh Dậu (1357), sau khi Thượng hoàng Minh Tông băng hà, vị tướng quân là Trần Tông Hoắc muốn tỏ ra trung thành với Vua Trần Dụ Tông, bèn thêu dệt việc yểm bùa trong miệng cá trước đây để gây hấn, làm cho Thái úy suýt nữa bị hại và phải nhờ Thái hậu cố sức cứu đỡ mới thoát nạn.

Hiển Từ Thái hậu rất yêu quý, chăm nuôi các con của Minh Tông, dù là con của vợ thứ sinh ra, như con đẻ của mình. Công chúa Huệ Chân được nhà vua yêu quý, Thái hậu cũng rất thương nàng. Những khi có ban thức gì thì thường cho Huệ Chân trước, rồi sau mới tới Thiên Chân. Sau khi nhà vua qua đời, Thái hậu càng chăm sóc Huệ Chân hơn trước khiến triều thần ai cũng cảm phục.

Không chỉ nhân hậu với con cái trong nhà, Thái hậu còn thân thiện với các cung tần trong cung. Nữ quan trong cung là Vương thị, mẹ đẻ của Huệ Chân, được vua yêu quý mà có thai. Thái hậu đã lấy song hương đường, tức phòng ngủ của mình, làm nơi vượt cạn. Bất hạnh là Vương thị chết sau sinh, cung nhân "chộp" cơ hội, ngầm tâu với Thượng hoàng là Thái hậu giết Vương thị. Thượng hoàng vốn biết rõ Thái hậu có bụng dạ thương người hơn bản thân, liền lấy roi đánh cung nhân. Thái hậu biết chuyện, nhưng không chấp nhặt mà còn đỡ đần cho họ khỏi bị tội.

Cái chết tức tưởi cuối đời

Người xưa có nói " Nghiêu, Thuấn trong nữ giới" và Hiển Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu được liệt vào hàng ấy. Và tưởng rằng với tấm lòng nhân ai, cách xử sự nhân từ, xử án anh minh ấy sẽ có được cuộc sống thanh thản, không lo phòng thủ tiểu nhân. Song, ai ngờ rằng bà lại phải chịu một cái chết tức tưởi vào lúc cuối cuộc đời. Theo sử liệu, năm Kỷ Dậu (1369), khi con bà là Trần Dụ Tông qua đời, không có con nối dõi, bà đồng ý đón Hôn Đức Công Nhật Lễ lên làm vua thay thế.

Thế là, trước khi mất, vua xuống chiếu đón Nhật Lễ vào nối ngôi. Thái hậu thuận ý vì nghĩ Nhật Lễ là con của Cung Túc Đại Vương Dục - con trai trưởng mà không được làm vua. Nhưng sau này bà ân hận khi biết Nhật Lễ không phải con ruột của Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục (anh vua Trần Dụ Tông). Bản thân bà không ngờ rằng, mẹ Nhật Lễ vốn trước đây đã từng làm nghề ca kỹ, đã có chửa với Dương Khuông, nhưng vì Cung Túc Đại Vương Dục mê sắc đẹp, mới lấy làm vợ. Để rồi khi Nhật Lễ lên làm vua mới sinh lòng loạn, định tiếm ngôi nhà Trần...

Sự kiện Nhật Lệ lên làm vua muốn tiếm ngôi nhà Trần được ghi rõ nhất trong Việt Nam sử lược như sau: "Vua Dụ Tông mất, không có con. Triều đình định lập Cung Định Vương là anh Trần Dụ Tông lên làm vua, nhưng mà bà Hoàng thái hậu nhất định lập con của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ. Nguyên mẹ Nhật Lễ là người con hát, lấy người hát bội tên là Dương Khương, có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc Vương, sinh ra Nhật Lễ. Nay lên làm vua, Nhật Lễ muốn cải họ là Dương để dứt ngôi nhà Trần, rồi giết bà Hoàng Thái Hậu và Cung Định Vương".

Vì lúc đó, biết Hiển Từ Thái hậu sau này có vẻ ân hận khi biết rõ thân phận của mình, vào tháng 2 năm Kỷ Dậu, Nhật Lễ Lo sợ sự việc vỡ lở, nên vua ngầm sai người đầu độc giết chết Thái hậu trong cung vào ngày 14 tháng 12 năm Kỷ Dậu (1369). Nhưng bản thân Nhật Lễ cuối cùng cũng bị tôn thất nhà Trần đánh bại...

Thành Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.