Gần 80 năm qua, cụ đã biến những ngọn đồi cằn cỗi thành những cánh rừng dồi dào sức sống bạt ngàn hoa thơm, quả ngọt. Người trong làng, không ai không biết cụ. Họ gọi cụ là "người rừng".
Tiếp kiến "người rừng"
Dừng chân ngồi uống nước gần bến đò thuộc khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, tôi lân la hỏi thăm một người bán hàng về cụ Ưởng. "Cụ Ưởng thì ai mà chẳng biết" - cô hàng nước vừa đáp vừa nhiệt tình chỉ đường vào nhà cụ Ưởng cho tôi: "Chú lên đò, xuôi dòng nước vào sâu trong Tam Cốc chừng 2km. Qua động đầu tiên, hỏi thăm là đến nhà cụ". Đúng lúc tôi chuẩn bị đứng dậy thì ai đó bỗng nói to: "Đó, đó! Con dâu cụ Ưởng đang dưới bến đó, chú lại mà hỏi". Và, tôi đã may mắn được người con dâu của cụ mời về thăm nơi cư trú của "người rừng" hơn 80 năm qua.
Cụ Ưởng và người con dâu út Nhữ Thị Dân đang trò chuyện với PV.
Sau vài nhịp đò, người con dâu của cụ Ưởng vừa khua đều tay theo nhịp mái chèo, vừa tâm sự với tôi. Cô tên Nhữ Thị Dân, con dâu út của cụ. Về làm dâu trong gia đình cụ Ưởng từ năm 1983, nhưng từ đó đến nay, vợ chồng cô Dân chưa một ngày được chăm sóc cụ Ưởng. Cô Dân kể, nhà đông con, nhiều cháu nên ai cũng muốn đưa cụ Ưởng về ở cùng. Nhưng suốt từng ấy năm qua, cụ Ưởng chỉ thích sống trong hang, những khe đá. Đêm thì làm bạn với chim rừng, muông thú. Ngày thì dầm mưa, dãi nắng trồng và chăm sóc cây rừng. Hiếm hoi lắm cụ Ưởng mới về nhà, đó là khi có người thân ốm đau bệnh tật
Xuôi theo dòng nước trong vắt in hình bầu trời xanh thẳm, đò của cô Dân lướt qua một cái động tối mù mịt. Khi thứ ánh sáng nhờ nhờ phản chiếu lên vách hang cũng là lúc cô Dân bảo: "Chú chuẩn bị đồ nghề đi, tới nơi cụ ở rồi đó". Trước mắt tôi là một con đường mòn cạnh rừng cây, nằm lọt dưới vách núi cao trên 200m. Cảnh vật nơi đây thật yên bình, tiếng chim rừng hót líu lo, gió càng ngày càng mạnh thêm. Đi vài bước, văng vẳng câu thơ của một ai đó giọng khàn khàn đang ngâm. Thấy tôi tò mò, cô Dân nói khẽ: "Cụ Ưởng nhà tôi đấy chú".
Đặt chân lên những tảng đá được xếp ngay ngắn, đi khoảng 50m, tôi nhìn thấy một ngôi nhà nằm chênh vênh cạnh vách núi. Thấy con dâu đi cùng người lạ, cụ Ưởng liền đứng dậy, lom khom tiến lại gần tôi, miệng vẫn ngâm nga những câu thơ. Sau vài lời giới thiệu, tôi cùng hai cha con cụ Ưởng ngồi tâm sự ngay trên tảng đá kè chắc chắn trước hiên nhà.
Sinh năm 1919 trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, tuổi thơ của cụ Ưởng là những tháng ngày đói khát, long đong theo cha đi mò cua bắt ốc đem về phụ bữa ăn. Năm 13 tuổi, cụ bị thực dân Pháp bắt đi phu cho chúng. Một năm sau, cụ Ưởng trốn thoát và để tránh sự truy tìm của giặc, cụ phải sống chui lủi trong hang động giữa rừng sâu. Dù rất nhớ nhà, nhưng cụ vẫn không ra khỏi rừng. Lẩn trốn mãi trong rừng sâu, dần dà, rừng hóa nhà, trở thành nơi trú ngụ của cụ cho đến tận bây giờ. Ngoài 20 tuổi, cụ lấy vợ, nhưng vợ cụ không chịu sống trong rừng nên hai vợ chồng đành chịu cảnh mỗi người một nơi, thỉnh thoảng cụ mới về thăm. Mỗi lần về làng, cụ lại đưa vào rừng ít gạo để ăn dần, mấy tháng sau mới lại quay ra. Ngoài gạo, cụ Ưởng kiếm được cái gì thì ăn cái nấy, chủ yếu là rau rừng, thỉnh thoảng cụ xuống sông bắt cá. Với cụ, những con thú trên rừng không phải thức ăn, mà là những người bạn.
"Ngày đó, trên rừng nhiều loài động vật lắm, nai, hoẵng, chồn, cầy, không chừng còn có cả hổ nữa vì thỉnh thoảng tôi có nghe tiếng nó gầm. Nhưng bây giờ ở đây những loài đó gần như tuyệt chủng rồi, chỉ còn vài bầy khỉ lông vàng thôi. Mỗi bầy khoảng trên dưới 200 con. Từ khi Tam Cốc - Bích Động trở thành thắng cảnh du lịch, bầy khỉ ít xuất hiện, chúng lẩn sâu vào trong thung, những lúc vắng người mới kéo nhau ra bờ sông uống nước. Chúng sợ con người, bởi con người đã tàn sát đồng loại của chúng. Cũng có đôi khi nhìn thấy phụ nữ lên rừng, chúng kéo cả đàn ra, lè lưỡi trêu ghẹo, lúc ấy chính con người mới phải sợ chúng", cụ Ưởng kể.
Cụ Ưởng sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Các con của cụ đều được cụ nuôi cho ăn học tử tế và mong muốn cụ về ở với con cháu nhưng cụ không muốn từ bỏ phận "người rừng". Cụ Ưởng đã tích góp tiền từ việc bán thóc, nuôi cá, mua cho mỗi người con một mảnh đất riêng.
Cô Dân đưa chúng tôi đến thăm nơi cụ Ưởng sinh sống.
Không sống nổi ở thành phố
Sau cuộc trò chuyện với cụ Ưởng, chúng tôi đã được mục sở thị cánh rừng do cụ trồng suốt hơn 80 năm qua. Mặc dù là nơi hoang vu, hiu quạnh nhưng các loài cây cụ trồng quanh năm đều ra hoa kết trái, trải dài khắp các sườn núi.
Khi được hỏi về mục đích của việc trồng rừng, cụ Ưởng bảo trồng cho đẹp thôi, chứ cũng không có mục đích nào khác cả: "Trồng chơi vậy thôi, những loài cây tôi trồng chủ yếu là cây ăn trái, đến mùa hoa trái, tôi cũng chẳng bán, khách thăm quan hoặc các cháu học sinh đến chơi, tôi cho không, cứ lấy mà dùng thôi, của tự nhiên mà anh". Tôi hỏi: "Rừng cây của cụ tươi tốt như vậy, cụ có bán không?”, cụ đáp: "Tôi không bán đâu, một chiếc lá cũng đừng hòng. Trước kia, có một số doanh nghiệp muốn mua rừng của tôi để mở mang làm khách sạn, nhà hàng, phục vụ khách du lịch, nhưng tôi không đồng ý. Không được phá rừng anh à, cây nào chết, sẽ hoai mục, lại trở thành nguồn sống của cây khác trên vách đá".
Tôi hỏi: "Rừng cây do cụ trồng nhiều như vậy, tiền đâu ra để mua giống?", "Không tốn một xu anh ạ, thỉnh thoảng tôi vào sâu trong rừng tìm những quả mít, hồng, nhãn để ăn. Rồi tôi lại mang chính những hạt đó về gần hang mình cư trú để ươm mầm. Khi cây phát triển, tôi đánh ra trồng", cụ Ưởng đáp với vẻ đầy tự hào.
Khi các con đã khôn lớn, trưởng thành, cụ bà mới chuyển vào rừng ở với cụ. Hàng ngày cụ ông kè đá, xúc đất, trồng cây, cụ bà thì lo làm cỏ. Cuộc sống thanh đạm của hai vợ chồng già cứ thế trôi qua. Cụ bà mất cách đây khoảng hai chục năm. Từ đó, cụ Ưởng sống lủi thủi một mình. Trong một lần san đá, bất ngờ cụ bị một tảng nặng đá hơn trăm cân lăn vào chân. Rừng không mông quạnh, chẳng có một ai để có thể kêu cứu, cụ tự mình loay hoay rút chân ra, đến khi thoát được thì đôi chân tứa máu. Lần đó, cụ phải nằm viện mất hơn một tháng.
Có tuổi, không sống được trong hang đá nữa, cụ dựng tạm một chiếc lều cách bờ sông hơn trăm mét để ở. Khoảng hai tháng trước, các con, các cháu thấy cụ đã cao tuổi, sức yếu nên đã vận động đưa cụ về nhà chăm sóc, phụng dưỡng. Thuyết phục mãi, cụ mới đồng ý về làng ở. Nhưng nỗi nhớ rừng, nhớ cây không nguôi, một tuần sau, cụ lại bảo con cháu đưa vào rừng. "Tôi ở rừng quen rồi, xa rừng tôi không chịu được. Có lần con trai thứ có nhà ở trên thành phố Ninh Bình về đón tôi lên đó ở, nhưng chỉ được ba ngày, tôi đòi về vì thấy cuộc sống quá ngột ngạt", cụ cười nói.
Ông Đinh Văn Bằng, phó chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: "Cụ Đinh Văn Ưởng là tấm gương sáng về đạo đức trong cuộc sống hàng ngày và trong việc trồng và bảo vệ rừng. Việc làm của cụ góp phần cải tạo cảnh quan cho khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động. Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm, cụ Ưởng đã được sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình trao tặng giấy khen vì đã có công lao và thành tích trong công tác quản lý và bảo vệ rừng".
Hàng ngày, cụ Ưởng sống chan hòa với bà con trong xóm, ngoài làng. Cụ có tinh thần hết sức lạc quan. Người về già, thường có tư tưởng sợ chết, nhưng trong ý niệm của cụ không có từ đó: "Tuổi là do trời cho, trời ban tặng, mình sống sao cho không hổ thẹn với đời là sung sướng rồi anh ạ". Khi chia tay chúng tôi, ông cụ rưng rưng: "Các anh viết gì thì viết, viết về tôi ít thôi, điều chủ yếu là viết về những cánh rừng kia kìa, chứ tôi thấy trên ti vi, người ta nói nhiều về việc lâm tặc tàn phá rừng, đau xót lắm...".
Nói về ước vọng tuổi già, ông cụ nói chả ước gì nhiều, cụ chỉ có rừng cây do mình trồng làm kỷ niệm cho đời. Bây giờ già, không làm được, cụ giao rừng cây đó cho người con trai út là ông Đinh Văn Viển kế nghiệp và quản lý. Cụ Ưởng mong ước rừng cây sẽ ngày càng phát triển, tỏa bóng làm đẹp cho đời.
Duy Cảnh