Với tài nghệ này, đồng bào các dân tộc PaKô, Cơtu, Tà ôi, đã đặt cho Nguyễn Xuân Trường một cái tên nghe rất trìu mến: "Sứ giả của núi rừng".
Chỉ bằng một chiếc lá, anh Trường có thể hót được như chim khướu
Giáp mặt "người rừng" giữa đại ngàn
Trạm Kiểm lâm Trà Lệnh nằm ẩn dưới những tán cây cổ thụ to lớn. Trước cửa, kiểm lâm viên Nguyễn Xuân Trường đang mải mê với những công việc nhái tiếng của các loài chim, thú. "Tui ở đây chỉ một mình, điện đèn không có, lại ít người qua lại, nhiều lúc cô đơn nên giả giọng gọi chim cho vơi nỗi buồn", anh Trường tâm sự.
Còn đối với đồng bào các dân tộc ở các làng bản thuộc xã A Roàng (huyện A Lưới), hình ảnh của một chàng thanh niên miền xuôi có biệt tài giả giọng của hơn 30 loài chim, thú đã trở nên quá quen thuộc. Họ đặt tên cho chàng thanh niên này là "người rừng", "sứ giả của núi rừng". Chính người thanh niên này cũng trở thành đồng hồ báo thức khi dùng miệng gáy tiếng gà rừng vào mỗi buổi sáng, báo hiệu cho đồng bào thức dậy lên nương.
Về biệt tài của anh, có không ít người dân A Lưới đã thi nhau kể chuyện và sẵn sàng nhờ cán bộ Trường đến dỗ mỗi khi có con nhỏ khóc dai, khóc chướng. Chỉ mới nghe tiếng oe oe của anh phát ra là mấy đứa con nít im ngay. "Tui nghĩ mãi mà phục anh thiệt", chị Viết Thị Lan, ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới nói. Ngoài biệt tài giả giọng được hơn 30 loài chim, thú; tiếng khóc của trẻ nhỏ; anh Trường còn có khả năng chế tạo hơn 10 loại nhạc cụ như: các loại kèn lá, sáo tiêu, trống...
Hôm chúng tôi đến, anh Trường chỉ ở một mình, chăm chỉ dùng tay luyện giọng tiếng chim hót, khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Thấy chúng tôi, anh mừng quýnh: "Mừng quá! Lâu rồi mới có người ghé qua. Ở đây một mình cũng buồn lắm".
Anh Trường cho biết, quê ở tận huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Mới 2 tuổi, anh đã được bố mẹ mang vào vùng đất A Lưới để xây dựng kinh tế mới. Từ bé anh đã được sống cùng núi rừng nên yêu thiên nhiên, muông thú. Thấy những con chim rừng như khướu, chèo bẻo, sơn ca hót vang vào sáng sớm, anh cũng làm theo như bản năng. "Ban đầu, tiếng mình rất phô, nghe như tiếng nồi chảo khua vào nhau, nhưng sau trong trẻo và có âm điệu, thanh âm y hệt các loài chim, thú", anh Trường nói.
Anh Trường kể, thời điểm mới lên đây sinh sống, kinh tế gia đình anh cũng như người dân ở vùng cao A Lưới còn nhiều khó khăn nên biệt tài của anh dường như không được mấy ai để ý. Nhưng tình cờ một hôm, có một người ở tận thị trấn lên chơi và phát hiện tài năng của Trường nên muốn thuê Trường rèn cho chim nhà ông hót hay. Vậy là Trường có đất dụng võ, nhà nào có nhu cầu, anh đến tận nơi, luyện cho chim hót theo. Cứ mỗi lần như thế, người ta trả công mình bằng khoản tiền nhỏ, có khi là chỉ vài kg gạo. Nhưng vì mưu sinh nên mình quyết tâm làm việc để phụ giúp bố mẹ, anh Trường chia sẻ.
Cách bảo vệ thiên nhiên khác lạ
Giữa núi rừng Trường Sơn đầy nắng và gió, những người làm nhiệm vụ canh giữ rừng một mình như Trường đôi khi cảm thấy cô đơn, buồn tủi là điều không thể tránh khỏi. Nhưng với Trường, nỗi cô đơn đã không còn ở lại trong cuộc sống hằng ngày của anh, bởi mỗi khi buồn, anh lại cất lên tiếng gọi đàn chim rừng bay về làm bạn, tìm vui ngay giữa những cánh rừng hoang vu, sầu não. Trường cười: "Bây giờ, có bầy chim vui đùa suốt ngày nên mình đã vơi đi nỗi buồn tẻ”.
Chiếc ống nước trở thành dụng cụ để anh Trường “nói” được tiếng Voi
Anh bảo, từ nhỏ cuộc sống của mình đã gắn với những cánh rừng nên bây giờ anh yêu rừng hơn bất kỳ ai. Đó cũng là lý do mà anh đã nằng nặc thuyết phục gia đình cho theo học tại trường Trung cấp Lâm nghiệp I (Quảng Ninh). Khi ra trường, anh lại trở về làm cán bộ kiểm lâm tại trạm Trà Lệnh, một trong những trạm xa xôi nhất trên địa bàn A Lưới.
Một mình giữa rừng núi hoang vu, những lúc đi tuần tra bảo vệ rừng, Trường cảm thấy mình thật nhỏ bé và cô đơn nên càng muốn kết bạn với muôn loài chim muông cho bớt hiu quạnh. Do đó, mỗi khi nghe tiếng kêu của bất cứ loài vật gì trong rừng, Trường đều miệt mài tập theo bằng được. Anh liệt kê cho chúng tôi xem danh sách dài dằng dặc những loài chim, thú mà anh đã làm bạn, học tiếng kêu. Theo đó, tiếng gọi bầy đàn của vượn, tiếng gà rừng gáy, tiếng thằn lằn lắc tắc trong đêm vắng đều được anh mô tả và thực hiện giống như đúc, khiến chúng tôi cảm phục.
Theo anh Trường, cái khó nhất là giả tiếng voi, vì âm thanh của loài động vật này rất khó giả bằng miệng được. Vì vậy, để bắt chước âm thanh của voi, anh Trường phải sử dụng dụng cụ hỗ trợ, đó là một ống nước dài khoảng 1,5m để làm vòi. Cầm ống trên tay, Trường hít một hơi dài và liên tục phả ra những tiếng rống của một con voi thực thụ, vang dội khắp núi rừng. "Nhiều lần, mấy cụ già trong buôn đã lên tận nơi xem vì tưởng khu này có đàn voi rừng xuất hiện. Nhưng khi biết tiếng rống đó phát ra từ ống tre của mình, ai cũng ngỡ ngàng. Do đó, lâu lâu nhiều cụ già vẫn lên trên này chơi vì các cụ thích được nghe mình giả tiếng voi rống cho đỡ nhớ đàn voi xưa", anh Trường cho biết.
Trường kể, thú vị nhất vẫn là những lúc anh giả giọng hót của những đàn chèo bẻo rừng khiến cả đàn chim bay về đậu ngay trên cành cây trước ngõ. Nhìn đàn chim tíu tít, anh lại cảm thấy ấm lòng như phần thưởng xứng đáng cho những lần tập luyện của mình. Đó là một cảm giác bay bổng, lâng lâng sau cuộc hành trình đi tìm niềm vui giữa núi rừng hoang vắng, anh Trường tự hào, mãn nguyện.
Tuy nhiên, theo Trường anh cũng từng gặp khá nhiều rắc rối với chính biệt tài của mình. Anh kể, một lần đến thăm các hộ dân ở bìa rừng, anh đã bị gia đình nọ bao vây giữa đường. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh liền bị một người phụ nữ lớn tuổi nhất chạy đến mắng xối xả như tát gàu nước lạnh vào mặt. Sau cơn thịnh nộ của người phụ nữ kia, Trường mới biết nhà chị ta có nuôi mấy con gà rừng vừa bị mất hôm qua. Cho rằng, chính tiếng gáy của anh Trường đã dụ dỗ mấy con gà trong chuồng bỏ đi nên mắng cho hả dạ.
Nói về khả năng của anh Trường, tiến sĩ sinh học Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, cho biết: "Thực tế đã cho thấy nhiều thợ săn giả tiếng chim trống để dụ bắt chim mái. Tuy nhiên, trường hợp giả được tiếng nhiều loài chim, thú rừng như anh Trường thì thật là đặc biệt. Bởi vì dù có trí nhớ tốt và khổ luyện đến mấy cũng chưa chắc có được khả năng này". Theo ông Kéo, khả năng đặc biệt này của Trường, vô tình đã giữ được loài chim rừng ở lại với những cánh rừng nguyên sinh, ngay ở Khu bảo tồn thiên nhiên.
Vương Hoàng