"Người rừng” nửa thế kỷ đi tìm "di chúc" của trái đất

"Người rừng” nửa thế kỷ đi tìm "di chúc" của trái đất

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Đối với giới khảo cổ học thế giới, GSTSKH Đặng Vũ Khúc là một nhà cổ sinh địa tầng đặc biệt của Đông Dương, là một bậc thầy về hóa thạch cổ học. Tuy nhiên, đối với người Việt, hình như ông chẳng là ai.

Bản đồ đất nước 3-4 tỷ năm trước

Trên bức tường của căn phòng nhỏ treo một tấm bản đồ khá lạ mắt. Choán cả tấm bản đồ là màu xanh biếc của biển. Chỉ có một khum nhỏ tô màu gạch nổi lên giữa mặt biển xanh là đất liền. Phía dưới tấm bản đồ là dòng chữ: Bản đồ Việt Nam cổ. Tôi thấy lạ. TSKH Đặng Vũ Khúc cười. Bộ râu quai nón của ông rung rinh. Trông ông có lẽ giống một nhà văn, một đạo diễn, một nghệ sĩ dương cầm hơn là một nhà cổ sinh học một đời vất vả với rừng núi, sông bể.

Ông bảo: "Nước Việt Nam từ khoảng 3 - 4 tỉ năm trước đấy". Thì ra, tấm bản đồ này thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam từ khi mới hình thành. Cái mỏm nhô lên giữa đại dương bao la đó được các nhà cổ sinh xác định là vùng Kon Tum, là cái nhân cổ nhất, cái nôi của bán đảo Đông Dương.

Xã hội - 'Người rừng” nửa thế kỷ đi tìm 'di chúc' của trái đất

Đặng Vũ Khúc và người cháu Đặng Hùng Võ đều là những nhà khoa học địa chất tài ba

Từ cái nôi này, đất nước Việt Nam trải qua quá trình hàng tỉ năm biến động địa chất và "ngoi" lên từ dưới đáy biển để có hình dáng như ngày nay. Cũng từ cái nôi này, các nhà cổ sinh địa tầng đã xác định được sự hình thành của lớp vỏ trái đất trên lãnh thổ Việt Nam và từ đó vạch ra được các bể trầm tích chính trên bán đảo Đông Dương, vạch ra được cái khung kiến tạo chung với các chuyển động tạo núi chính làm thay đổi dần bộ mặt địa chất của bán đảo. Tên của chuyển động này được các nhà khoa học gọi là "chuyển động Indosini" xảy ra vào cuối kỳ Nori, cách nay 210 triệu năm.

Thiết thực và lớn lao hơn nữa, từ tấm bản đồ gốc này, các nhà cổ sinh địa tầng, các nhà địa chất xác định và vẽ ra những tấm bản đồ địa chất thể hiện từng thời kỳ hình thành đất nước. Từ đó, xác định được các vùng khoáng sản lớn của nước ta và giúp các nhà địa chất, các nhà xây dựng, đặc biệt là xây dựng thủy điện có được những tư liệu quý giá về địa chất vùng.

Tuy nhiên, với TSKH Đặng Vũ Khúc, tấm bản đồ này còn thể hiện một ý nghĩa sâu xa khác, đó là lòng tự hào, lòng tôn kính đối với Tổ quốc. Trong những cuộc hội thảo lớn trên thế giới về vấn đề hóa thạch cổ, cổ sinh địa tầng, ông thường mang theo tấm bản đồ và tự hào kể với các nhà khoa học trên thế giới rằng: Nước Việt Nam đã "có" khi mà phân nửa thế giới còn nằm dưới đáy biển.

Xã hội - 'Người rừng” nửa thế kỷ đi tìm 'di chúc' của trái đất (Hình 2).

Ông Đặng Vũ Khúc trong bảo tàng Địa chất Việt Nam

Thạch cổ sinh vật có đuôi “vukhuc"

Bảo tàng Địa chất Việt Nam cổ kính, trầm mặc bên đường Phạm Ngũ Lão. Chị gác cổng bảo, cả ngày chẳng thấy người Việt Nam nào vào xem. Thế nhưng, khách Tây tham quan rất đông và họ say mê ngắm nghía những hóa thạch cổ, những mẫu khoáng vật có tuổi cả triệu năm. Đối với người phương Tây, môn khảo cổ và cổ sinh học luôn hấp dẫn, bởi những mẫu vật cổ sinh chính là pho sách triệu tuổi lưu trữ những thông tin về trái đất.

Thế nhưng, đối với người Việt Nam, dường như "món" này rất xa lạ và không hợp "khẩu vị". Điều lạ là mấy ông Tây, bà đầm này không đứng lặng trước những phiến đá chứa cả mớ những viên rubi to tướng, có giá bạc tỉ mà họ hào hứng với những hóa thạch thân mềm, những chiếc lá hoặc những con côn trùng hóa thạch mấy trăm triệu năm tuổi. Rất nhiều mẫu hóa thạch cổ sinh trong bảo tàng có cái tên rất dài và ở đuôi luôn là "Vukhuc".

Đặt trang trọng trong một chiếc tủ kích giữa bảo tàng là mẫu đá có tên Songdaella graciosa Vukhuc. Để có được mẫu hóa thạch là một khối đá trông tựa như con trai này, GS Vũ Khúc đã phải gõ nát hàng ngàn tảng đá bên mép sông Đà. Giờ đây, nó là một miếng đá bất động, nhưng 210 triệu năm trước nó là một loài thân mềm, màu xám ánh bạc, gần giống con trai và biết kiếm ăn, duy trì nòi giống dưới biển. Khi con vật chết đi, phần thân mềm nhanh chóng thối rữa, nhưng phần vỏ cứng vẫn trơ ra nơi đáy biển, rồi bị các lớp phù sa kiến tạo bồi lấp cả triệu năm. Sức nặng các lớp trầm tích, nhiệt độ và áp lực nước cùng quá trình hóa lý triệu năm nén chặt đã biến hóa những lớp bùn nhão nhoét thành tầng đá rắn đanh.

Với con mắt đời thường của chúng ta, con vật này không hơn gì một hòn đá, nhưng với GS Vũ Khúc, nó là một pho sách quý giá. Cùng với chiếc kính lúp, soi từng vân vi trên hòn đá này, ông có thể mô tả được hình dáng, đặc điểm sinh tồn, kiếm ăn, quá trình tiến hóa của nó... Nói chung, rất nhiều thông tin của kỷ Trias được "lưu trữ" trong cái mẩu hóa thạch tựa hình con trai này. GS Vũ Khúc bảo: "Để kể hết chuyện về con vật thân mềm này, phải hết một cuốn sách dày".

Nhà cổ sinh địa tầng Vũ Khúc có rất nhiều kỷ niệm với những vùng đất ông đi qua, nên hầu hết những mẫu hóa thạch ông tìm thấy đều mang tên vùng đất đó. Cụm từ "Songdaella" có nghĩa là một biến thể của địa danh sông Đà. Xưa kia, vùng núi non và cả dòng sông Đà là đáy biển. Theo cuộc "hóa công" triệu năm dâu bể, dòng sông Đà mới như ngày nay. Những ngọn núi mọc lên từ đáy biển đã mang theo cả hóa thạch những động vật thân mềm.

Ông dùng từ “Songdaella” để gọi con vật ấy vì ông muốn mãi mãi ghi lại trong văn liệu cổ sinh địa tầng thế giới tên dòng sông gắn với biết bao kỷ niệm vui buồn của dân địa chất.

Trên mảnh vỏ loài vật thân mềm 210 triệu năm tuổi đó có những đường gờ đồng tâm phía ngoài rất đẹp mắt, còn mép trong thì lượn hình răng khía đều tăm tắp. Không tinh như những nhà khoa học thì không thể biết rằng răng của nó không phải dùng để nhai mà giữ cho hai mảnh vỏ khi khép lại khít chặt vào nhau, dù sóng lớn đại dương cũng không làm ảnh hưởng đến phần thân mềm của nó. Tạo hóa từ thời cổ sinh đã "kỹ tính" với sự sống như vậy. Chính vì hình thể nó mang những đường con duyên dáng gợi cảm nên ông mới đặt cho nó cái tên Latin là "graciosa".

Có tới hơn 100 mẫu hóa thạch cổ sinh địa tầng nữa có tên mang cái đuôi "Vukhuc" nằm câm lặng trong những chiếc tủ kính trang trọng của bảo tàng Địa chất Việt Nam. Mỗi cái tên con vật đều gắn với những địa danh thân yêu đầy kỷ niệm, chẳng hạn như Claraia Vietnamica Vukhuc, Songdaella choboensis Vukhuc... "Choboensis" chính là để ghi nhớ vùng đất Chợ Bờ – Suối Rút bên sông Đà, vùng đất nổi danh gắn liền với cuộc vượt ngục nổi tiếng của các tù nhân chính trị vượt trại Sơn La thuở nào. Claraia Vietnamica Vukhuc là mẫu hóa thạch cổ sinh đầu tiên mà ông tìm thấy và nó cũng là mẫu hóa thạch đầu tiên mang tên một nhà khoa học Việt Nam.

Cụm từ "Vietnamica" chính là thể hiện tình yêu và lòng tự hào về Tổ quốc, cũng như khát vọng thắng lợi của dân tộc bị xâm lược. Với cái tên con sò biểu tượng cho khát vọng tuổi trẻ này, chàng sinh viên Đặng Vũ Khúc, khi đó đang học ở Liên Xô, đã được hàng trăm tờ báo nước ngoài ca ngợi.

Theo bộ luật quốc tế về danh pháp động vật và thực vật, ai có công đầu khám phá ra loài mới cho khoa học thì người ấy có quyền đặt tên cho loài mới đó, kèm theo tên mình. Chữ "Vukhuc" chính là tên của nhà cổ sinh địa tầng Việt Nam đầu tiên Đặng Vũ Khúc.

Có lẽ, ông là một nhà cổ sinh đặc biệt không những ở Đông Dương mà còn của cả thế giới, khi mà bản thân ông đã khám phá ra tới tám giống mới, hai giống phụ mới và 86 loài mới đối với khoa học thế giới thuộc kỷ Trias và kỷ Jura, tức là cùng thời kỳ với loài khủng long.

Việc xác định một loài mới không phải dễ dàng. Ông phải tra "từ điển" các loài hóa thạch cổ trên thế giới, rồi mô tả mẫu hóa thạch mới phát hiện, gửi đến các cơ quan thẩm định quốc tế, thấy không trùng với loài nào mới được xác nhận. Có những mẫu hóa thạch, ông phải đọc và tra cứu tới 40 cuốn sách mới khẳng định được đó là loài mới. Với những nhà khoa học cổ sinh, mỗi khi tìm được một loài mới và gắn tên mình, tên đất nước vào đó là một lần mừng vui khôn tả. Hạnh phúc và hãnh diện nhất là trong các tài liệu quốc tế, trong các hội thảo, người ta tìm thấy loài "của mình" ở nước họ và họ mô tả với cái tên gọi do mình đặt ra.

Với hơn nửa thế kỷ lội rừng, leo núi, ông đã phát hiện được gần 100 loài mới, trong khi các nhà địa chất Pháp của Sở Địa chất Đông Dương phải mất đến 60 năm trời lặn lội ở Việt Nam và tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc, con người, mới xác lập được 35 loài mới cho khoa học cổ sinh thế giới. Chính vì thế, bộ sưu tập hóa thạch cổ sinh lớn nhất và có một không hai ở Việt Nam của ông, được coi là vô giá.

Những công trình “siêu” đặc biệt

Từ đống hóa thạch cổ sinh, TSKH Đặng Vũ Khúc đã viết nên 135 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó phần lớn các công trình xuất bản ở nước ngoài, thậm chí được cả Liên Hiệp Quốc in trong những tài liệu khoa học mang tính chất toàn cầu. Đặc biệt, ông đã cùng một số nhà khoa học dày công mấy chục năm trời xây dựng nên bản đồ địa chất 1/500.000 Việt Nam và bản đồ địa chất 1/1.000.000 Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là cơ sở tiền đề cho mọi hoạt động địa chất hiện tại và tương lai trên đất nước Việt Nam. Công trình này đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.

Ngọc Phạm


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.