Những gì mình chưa đọc là còn mới
Bộ sưu tập báo giấy khổng lồ, vượt thời gian, độc nhất vô nhị của lão trắc thủ Ra đa Trần Văn Dụy ngày nào vượt qua “biên giới” TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Ngôi nhà của ông nấp kín sau những lớp hẻm nhỏ chằng chịt nhưng không một ai ở phường Vĩnh Thanh (TP. Rạch Giá) mà không biết. Hỏi đến ông, người dân nơi đây biết đến ông đam mê đọc, sưu tầm báo hơn cả cuộc sống hiện đại phồn hoa đô hội. Với ông, được sống và chiến đấu trong những năm cả nước gồng mình chống giặc đã hào hùng nhưng được lưu giữ thông tin, trí thức từ các bài báo qua các giai đoạn phát triển của đất nước cũng vinh hạnh không kém.
Một góc nhỏ bộ sưu tập báo in qua nhiều giai đoạn lịch sử của ông Nguyễn Văn Dụy. (Ảnh: Hà Nguyễn)
Giữa ngôi nhà nhỏ được nêm cứng bằng những tập báo được ông cất công cắt dán, đóng thành tập, phân theo các lĩnh vực, các mục khác nhau, người trắc thủ Ra đa nổi tiếng một thời tự hào khoe: "Tôi hơi lập dị một tí, chỉ thích đọc báo và sưu tầm các bài báo hay, có ý nghĩa. Với tôi, những gì tôi chưa được đọc qua là còn mới. Đó là những tri thức, kiến thức không bao giờ mất giá trị. Nó không chỉ thỏa mãn trí tò mò, ham khám phá tri thức của tôi mà còn là kho tư liệu quý cho tôi và xã hội".
Trong lúc lần giở bìa cứng, to bằng mặt bàn uống nước của tập báo sưu tầm những bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông tự sự rằng thú vui khác đời trên của mình bắt đầu từ những năm còn trong quân ngũ. Ông kể: "Tôi mới học hết trung học thì đã đi lính, vào học kỹ thuật Ra đa nên kiến thức hạn chế lắm. Thời chiến, báo chí hiếm hoi lắm. Tôi đặc biệt ham thích tìm hiểu về các vị lãnh tụ. Tôi luôn băn khoăn rằng mình nghe tên họ nhưng làm sao mà biết họ và hiểu họ. Từ đó, tôi có sự chú ý kỳ lạ đến những thông tin liên quan đến những con người mà tôi cho là vĩ đại và ngưỡng vọng. Đầu tiên là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về sau, tôi ham thích tìm hiểu về những con người vĩ đại này đến nỗi, muốn biết và hiểu cặn kẽ về hoàn cảnh, mục đích, ý nghĩa của các câu nói đi vào huyền thoại của họ. Tất cả chỉ có trong báo chí. Tôi bắt đầu sưu tầm báo từ đó".
Anh trắc thủ Ra đa đã mừng như bắt được vàng khi chộp được những tờ báo. Anh đọc ngấu nghiến, đọc quên ăn quên ngủ. Đọc thôi chưa đủ, anh sợ một lúc nào đó những tri thức trên, thông tin quý giá, đầy ý nghĩa trên sẽ trôi mất. Anh sợ, ngoài kia còn nhiều người chưa được biết những thông tin quý giá ấy như mình. Thế nên anh vội vàng, anh cuống cuồng lưu giữ như cất giữ những kỷ vật vô giá của bản thân. "Lúc còn trong chiến trường, tôi cũng đã bắt đầu sưu tập được một số bài viết hay về Đại tướng và Bác Hồ. Vì sợ chiến tranh hủy hoại, tôi gói ghém cẩn trọng gửi về quê cho bà xã cất giữ giùm", ông kể.
Từ các bài báo trong thời đạn bom in trên tờ Nhân dân vào những năm 1960, niềm khát khao trí thức trong trí óc ông bùng nổ theo thời gian. Ông cho biết: "Càng đọc báo mình lại càng thấy những cái mới mà không phải cái mới nào mình cũng hiểu hết, lý giải hết được. Thậm chí, có những cái cũ, cái thuộc về quá khứ nhưng mình cũng chưa chắc giải thích một cách tự tin. Ví như những câu nói: "Dĩ công vi thượng", "Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành lấy độc lập",… của Bác... chỉ khi tôi được đọc báo thì tôi mới hiểu được một cách sâu sắc, trọn vẹn. Nhưng đọc rồi không lưu giữ một lúc nào đó nó sẽ quên".
Ông Nguyễn Văn Dụy giới thiệu một trong những tập báo sưu tầm đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Hà Nguyễn)
Kho tri thức vô tận từ những bài báo cũ
Giá trị không bao giờ mai một "Đó là niềm vui cuối đời của tôi. Rất nhiều người bất ngờ khi thấy điều tôi làm, thấy những tập báo tôi lưu. Có người gọi vui tôi là ông vua sưu tầm báo in không ngai nhưng chưa bao giờ tôi thấy chúng quá nhiều hay đầy đủ cả vì đơn giản tôi chỉ đọc và lưu lại những gì mình đã đọc thậm chí chưa nhưng tôi biết giá trị của chúng không bao giờ mai một", ông khẳng định. |
Sưu tập báo hơn nửa đời người, đến nay, chính bản thân ông cũng không ngờ ông lại có một công trình, một bộ sưu tập vĩ đại đến vậy. Ngoài những tập báo về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông trân trọng đóng thành sách khổ lớn, có bìa cứng trang trọng, xung quanh ngôi nhà nhỏ của ông là những tập báo về mọi lĩnh vực được ông đóng thành tập tươm tất. Dạo quanh ngôi nhà, nếu không được chủ nhà thông tin trước, khách sẽ bị choáng ngợp bởi bộ sưu tập báo in không thiếu bất kỳ một lĩnh vực nào của ông. Ông cho biết: "Trước đây, tôi chỉ sưu tập những bài báo về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng sau này, tôi bắt đầu bị nhiều lĩnh vực khác hấp dẫn. Cứ thế, mỗi khi tôi đọc được một bài báo hay, một thông tin hay thuộc lĩnh vực nào đó, tôi lại cắt ra và dán vào một tập riêng. Sau này, khi bắt gặp bài khác cùng lĩnh vực tôi lại dán vào tập trên".
Lôi ra từ những tủ, kệ, bàn chất đầy các tập sách được đóng cẩn thận, tươm tất, ông cựu binh giới thiệu thành quả của hơn nửa đời miệt mài. "Đây là tập hợp hình ảnh, bài viết về Bác Hồ, Tướng Giáp, còn đây là tủ đựng các tập báo về các lĩnh vực khác của xã hội. Tất cả chúng đều được tôi tự tay chọn lọc, cắt dán vào giấy rồi bỏ tiền đóng thành sách để lưu giữ được lâu. Tôi còn một vài tập sách chép tay những bài báo, thông tin hay mà tôi không có cơ hội lưu giữ nữa. Nói chung, tới giờ, tôi sống chung với báo. Một ngày không được đọc báo, không có được một vài bài báo tâm đắc để lưu giữ tôi ăn không thấy ngon. Nhiều người hỏi tôi vì sao phải tốn kém thời gian, tiền bạc với thứ mà họ thường thấy người ta dùng để lót ghế, lau bàn, bán giấy vụn, tôi chỉ trả lời là vì đam mê và để có cái tìm hiểu khi cần giải thích điều gì đó vì trí nhớ con người có hạn mà trí thức thì vô biên".
Để có được một bộ sưu tập khiến mọi người ngỡ ngàng, choáng ngợp, hàng ngày, ông cựu binh dành một quỹ thời gian lớn để đọc báo. Công việc trên bắt đầu từ những năm tháng ông còn căng trí não để đối phó với địch trên màn hình Ra đa. Đến nay, công việc đọc báo, sưu tầm báo hàng ngày như đã ăn sâu và cuộc sống thường nhật của ông. Ông chia sẻ: "Hòa bình lập lại, tôi được thuyên chuyển qua nhiều ngành, nghề nên tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều đầu báo hơn. Với tôi, bây giờ thú vui duy nhất là được đọc báo và có được những bài báo mình tâm đắc. Chúng sẽ trở thành tư liệu, tri thức cho trước tiên là con cháu tôi sau nữa là cho thế hệ mai sau".
Với lý tưởng trên, từ thú vui thỏa mãn sự ham hiểu biết, ham học hỏi của bản thân, ông ý thức và hi vọng lưu giữ tri thức cho thế hệ mai sau. Thế nên, không mấy ai cảm thấy lạ, phiền hà khi ông lang thang khắp các con đường tìm kiếm báo cũ, nhờ cậy bạn bè, đồng nghiệp cung cấp báo cho mình. Có tuổi, khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, không biết đến công tác sao lưu dữ liệu, không biết đến máy in, ông đành ghi chép bằng tay vào sổ mỗi khi không thể lưu báo trực tiếp. Cứ thế, mỗi ngày, dù đã hưu trí nhưng trông ông vẫn như một ông quản thư không lương.
Những giây phút gặp Đại tướng là những giây phút ấm cúng và gần gũi nhất "Trong đời lính, tôi hai lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên vào năm 1964, khi chúng tôi được điều động trực chiến ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Lúc ấy, chúng tôi có vinh dự được ngồi xem phim cùng vợ chồng bác. Lần thứ hai sau đó một năm khi đơn vị tôi bị đánh bom, nhiều đồng chí bị thương thì bác Giáp lên thăm và động viên anh em. Mỗi lần được gặp người tôi luôn cảm nhận được sự ấm cúng, gần gũi. Đó là tình cảm thiêng liêng của người lãnh đạo, người chỉ huy vĩ đại đối với người lính cấp dưới của mình. Đặc biệt, tôi cảm thấy giữa người và những lính như chúng tôi không có khoảng cách, không chút xa lạ mà thật gần gũi, ấm áp khi được người vỗ vai, nhắn nhủ, động viên tinh thần". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài