Mấy hôm nay báo chí đưa tin về chuyện gia đình một cố nghệ sĩ kiện nhau ra tòa để phân chia tài sản.
Và qua đấy mới biết, khi nghệ sĩ này mất thì đã có việc là “hợp đồng truyền thông” cho đám tang. Và té ra, công ty Media đã chi trả cho cú hợp đồng truyền thông này 89.038.644 đồng.
Và mới nhớ, ở TP HCM và một vài tỉnh thành mỗi khi có các nghệ sĩ nổi tiếng mất, thì các Youtuber, Facebooker... chen chúc nhau... livestream tạo nên những hình ảnh rất lộn xộn, rất phản cảm ở các đám tang, là nơi cần sự trang trọng, tiếc thương, buồn đau...
Nên có người nói đùa, sợ chết, bởi khi chết sẽ bị nổi lềnh phềnh trên mạng.
Ở trường hợp nghệ sĩ này, thì ông mất đã mấy tháng rồi nhưng vẫn bị “nổi” bất đắc dĩ vì gia đình kiện nhau.
Ban đầu là từ sự bất hòa “hợp đồng truyền thông” khi người cháu tự tiện làm việc này mà con gái nghệ sĩ không biết.
Tiến tới thì em gái nghệ sĩ đâm đơn ra tòa đòi chia thừa kế dù hàng thừa kế thứ nhất theo luật là con gái nghệ sĩ vẫn hiện diện trong nhà.
Thế rồi cả hai phía đều tổ chức “gặp gỡ báo chí” để thông tin. Ai cũng bảo muốn khép lại sự việc vì người quá cố, ai cũng bảo thương ông, muốn ông thanh thản. Nhưng rồi biết làm sao khi mũi lao đã phóng đi, bát nước đã đổ xuống...
Trong nhà không bảo nhau được thì có pháp luật. Nhưng quả là, cái nguyên nhân đưa nhau ra tòa này nó khiến ai liên quan cũng đau lòng. Và những người không liên quan, khán giả, bạn đọc... thì buồn. Nhân tình thế thái sao mà buồn thế. Và, hình ảnh người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ sân khấu, nó không còn lung linh huyền ảo nữa. Nó như bị lột trần ra dưới ánh sáng trắng. Nó như một vết thương khứa vào sự tử tế, sự lộng lẫy của con người.
Chưa đến mức thảm hại, nhưng việc này khiến lương tâm con người bị tổn thương. Đọc mà buồn, và tiếc. Sao nỡ để người quá cố, là nghệ sĩ, phải đau lòng, dù sự thực là ông chả thể đau đớn gì nữa. Thế thì người sống bèn đau lòng.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.