Người sửa dương cầm còn sót lại của Hà thành

Người sửa dương cầm còn sót lại của Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 23:40

Đằng sau thành công của mỗi buổi biểu diễn của các nghệ sỹ, đằng sau ánh hào quang sân khấu, chẳng ai nhắc, chẳng ai nhớ và có lẽ cũng chẳng ai biết đến nghề của những người sửa và lên dây đàn dương cầm.

Người và nghề còn sót lại

Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950, nghề sửa chữa, lên dây đàn piano do một ông Tây mù người Pháp mang tới. Ở Hà Nội, người để lên dây đàn piano rất ít, thợ làm kiếm tiền thì nhiều, nhưng làm nghề thực thụ thì đếm trên đầu ngón tay.

Theo lời mách của người bạn hiện đang học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Viêt Nam, tôi có may mắn được gặp ông Nguyễn Đức Phúc (phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội), một trong số ít người có biệt tài cứu những phím đàn khỏi lạc nhịp và là người lên dây đàn cừ khôi bậc nhất Hà thành. Với người trong nghề, người hiểu và biết nghe nhạc, người thợ lên dây chỉ cần quá tay một chút họ cũng phát hiện ra. Từng có thời gian đi học nghề sửa, lên dây đàn piano ở Tiệp Khắc, ông Nguyễn Đức Phúc cùng với ông Hào (học sửa chữa piano bên Nga) là hai người còn sót lại, còn gìn giữ được nghề theo đúng nghĩa.

"Người nghệ sỹ có giỏi, có biểu diễn hay đến mấy đi chăng nữa nhưng nếu piano bị lạc âm thì mọi việc trở thành vô nghĩa, giá trị nghệ thuật của bản nhạc sẽ về con số không", ông Phúc cho biết.

Trước khi đi Tiệp, ông Nguyễn Đức Phúc công tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Cuối năm 1986 đến đầu năm 1991, ông cùng một đoàn gồm 20 người của bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đi sang nhạc viện Prague (Tiệp Khắc) với danh nghĩa thực tập sinh. Khóa thực tập đào tạo chuyên sâu về sửa dương cầm, tuy nhiên, sau khi về nước mỗi người lại làm một nghề khác nhau, rất ít người theo nghiệp "cứu" đàn.

Ông bảo, hình như mình có duyên với cái nghiệp cầm búa sửa đàn, lên dây đàn, căng tai để nghe âm thanh cho thật chuẩn. Trước đó, từ 1973, ông thi và học khoa dân tộc của trường Nhạc viện Hà Nội. Sau đó, ông vào đoàn 274 văn công Tổng cục Chính trị, công tác tại đoàn chèo. Từ năm 1975, khi về công tác tại Nhạc viện Hà Nội, ông bắt đầu say mê với nghiệp sửa đàn. Cùng năm đó, ông theo học và sửa cùng với người bác ruột là cụ Nguyễn Tài Khánh, một nghệ nhân sửa piano số một ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc.

Kể về thời kỳ đầu của nghề, ông Phúc cho biết: "Trước đây, một ông Tây mù sang Việt Nam chuyên sửa chữa lên dây piano và truyền nghề cho những ai tâm huyết. Cụ Nguyễn Tài Khánh nhà tôi theo học thầy Tây mù từ trước năm 1950. Lúc ấy, cả Hà Nội chỉ có 5 chiếc đàn piano và chỉ có nhà giàu thích đàn piano mới mua để chơi. Ông Tây mù là người số một của Việt Nam thời bấy giờ chuyên lên dây cho mấy cây đàn đó, tất cả đều là đàn của Pháp, khi ông Tây mù mất thì cụ Khánh là người nối nghiệp. 5 chiếc đàn thời đó là của những người nổi tiếng như nghệ sỹ Thái Thị Liên (mẹ nghệ sỹ piano Đặng Thái Sơn), mẹ của bà Trần Thu Hà (giám đốc học viện Âm nhạc Quốc gia), nghệ sĩ piano Minh Thu...

Xã hội - Người sửa dương cầm còn sót lại của Hà thành

Ông Nguyễn Đức Phúc đang nói về các “bệnh” thường gặp của dương cầm

Đến đời con, cháu, học nghề này rất khó, dạy trên lý thuyết thì dễ nhưng làm được không phải đơn giản. Lên dây đàn phải vặn kết hợp tai nghe cho thật chuẩn. Người thầy dạy cho học viên đứng nhìn, xem, nghe sao cho đúng, vặn sao cho tới. Khi đi học nước ngoài, có nhiều người không theo được vì khả năng nghe hạn chế, đòi hỏi người sửa đàn, tay phải khéo léo, kiên trì, yêu đàn, sốt ruột thì mãi mãi không làm được.

Vừa mở nắp dương cầm, ông Phúc tỉ mỉ chỉ cho PV xem từng bộ dây, bộ gõ và các phím đàn. Một piano có 240 dây đàn, đặc biệt nhất trong tất cả các nhạc cụ vì có nhiều dây. Những ngày đầu mới đi "cứu" đàn, trung bình 3 - 5 ngày ông Phúc lên dây được một đàn. Qua quá trình rèn luyện, ông vừa học, vừa rút ngắn thời gian xuống và đến nay, thời gian lên dây toàn bộ cây đàn piano của ông chỉ còn một tiếng rưỡi. "Trước dùng thanh la mẫu gõ lên nghe thử vào đàn để lên dây. Cùng một nốt nhạc nhưng lúc khỏe, yếu nghe khác nhau. Lên dây 3 - 4 chiếc đàn trong một ngày là khá căng thẳng đầu óc, mệt chẳng khác nào người đi cày", người thợ già cười nói.

Những năm đầu sang Tiệp Khắc học nghề, hai chân ông phù như chân voi vì phải đứng nhiều giờ liên tục, nghe và bắt bệnh đàn đến ù hết tai. Về nước, nhiều hôm đi làm đến 11 - 12h đêm mới về nhà, tiền công chẳng được là bao, thấy vợ con ở nhà vất vả về kinh tế, đã có lúc người thợ già nghĩ đến bỏ nghề. Thế nhưng, cái nghiệp "vác tù và hàng tổng" cứ vận vào người, ông tự nhắc mình không được để mất nghề và phải theo đến cùng.

Ở Hà Nội hiện nay còn rất nhiều đàn cổ từ thời Pháp thuộc, những chủ nhân của cây đàn đó coi đàn như vật tri kỷ, như người bạn tâm giao. Với họ, những người thợ sửa chữa và lên dây đàn giống như người bác sĩ.

Ai sẽ "cứu sống" những phím đàn lạc nhịp?

Đàn piano, đặc biệt là những đàn cổ thường sinh ra đủ thứ bệnh. Khi đó, người lên dây phải như bác sỹ kiểm tra rất nhiều chi tiết nhỏ bên trong đàn để bắt bệnh chính xác, sau đó mới có thể chữa khỏi được. Hiện ở Việt Nam không có trường dạy nghề, hay nơi dạy sửa đàn. Theo một số người cùng làm trong nghề, muốn sửa được đàn, lên được dây phải là người học nhạc, có tai nghe tốt, khéo tay, hiểu cấu tạo đàn, dùng dây gì. Có khi một người cùng lúc vừa phải là thợ cơ khí, vừa là thợ sơn, thợ gò.

Sửa đàn là tổng hợp của nhiều nghề, phải biết, hiểu các bộ cơ. Nó thành một vòng tuần hoàn. Bấm phím nẩy sang ngựa, ngựa đẩy sang búa, búa đập vào dây phát ra âm thanh. Do đó, lên dây phải chuẩn, đánh bất cứ một ca khúc gì phải đúng như giọng hát. Nếu người thợ sửa không có chuyên môn làm đàn bị thấp hoặc chênh một nốt thì người nghệ sỹ nghe có thể phát hiện ra ngay. Khi đó sẽ làm giảm bớt độ hay của tác phẩm và giảm tài năng người chơi.

Ông cứ ngồi nói mải miết về đàn, về các bệnh đàn thường gặp. Nói về nghề, ông bảo mình hãnh diện với nghề, đây là nghề độc đáo, không phải ai cũng làm được. Gắn bó với nghề, rồi đến lúc chỉ cần ấn qua vài phím đàn, ông có thể cảm được âm sai, biết bệnh.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Phúc tỏ vẻ nghĩ ngợi và tiếc nuối khi nhắc về thế hệ trẻ kế cận nghiệp sửa đàn. Đây là nghề ẩn dật, ít người biết đến, có chăng chỉ có người chơi piano cho con học. Muốn truyền nghề, ông thường xuyên dạy cho cậu con trai học Nhạc viện. Ngày đi học ở Tiệp Khắc về, ông Phúc chẳng nghĩ đến thu nhập, chỉ đam mê hồi sinh những phím đàn, hễ ai có đàn cần sửa chỉ cần gọi là ông lấy xe đến tức thì, thậm chí ông cũng chẳng lấy tiền.

"Giờ không có nhiều bạn trẻ theo nghề, người biết lên dây đàn ít, đàn lệch hết âm, đó là điều tôi lo ngại nhất. Lớp trẻ bây giờ việc gì cũng phải nhanh, nóng hổi mà nghề này là nghề kỹ thuật, không vội được. Nghề sửa chữa piano ở Việt Nam hiện chưa được coi trọng, ở nước ngoài đây là nghề phát triển và người thợ được trả công cao. Tôi chỉ mong có một số người thuộc thế hệ trẻ nghĩ về tương lai và giữ nghề, nếu không thì sau này ai sẽ là người cứu những phím đàn khỏi lạc nhịp", ông Nguyễn Đức Phúc chia sẻ.

Người thợ sửa đàn còn sót lại này cứ nhắc mãi nguyện vọng muốn có một trường dạy sửa đàn chuyên nghiệp ở Việt Nam để cứu sống những cây đàn cổ. Nhiều học sinh nghe tiếng thì tìm đến thầy Phúc xin học nghề nhưng cũng chỉ được chừng dăm bữa nửa tháng lại bỏ. Gần 40 năm trong nghề, người thợ già ấy chẳng tìm được một học trò thật sự tâm huyết. Một mình ông vẫn đều đặn hàng tháng đi "bắt bệnh" đàn cho những nghệ sỹ nổi tiếng như nghệ sỹ piano Nguyễn Hữu Tuấn, nghệ sỹ piano Trần Thu Hà, Lưu Minh, Lê Toàn, Đặng Thái Sơn, ca sĩ Ngọc Tân, Thanh Hoa...

Đằng sau ánh hào quang của một buổi biểu diễn, có lẽ sẽ chẳng ai còn nhớ đến người thợ già sửa piano, người âm thầm sau cánh gà, giúp cho tài năng nghệ sỹ tỏa sáng ở mức cao nhất. Riêng ông, lúc nào ông cũng lo ngại không còn người giữ nghề, từ đó sẽ làm mất hết cái hay của tác phẩm nghệ thuật. Những cây đàn bị sai âm thanh cũng chẳng khác nào bị hỏng.

Ít người biết đến nghề, lên sân khấu chỉ biết đến người chơi đàn, không ai biết người chỉnh sửa đàn. Đằng sau người nghệ sỹ có người làm việc âm thầm, họ là những cung trầm trong một bản nhạc. Mỗi lần, đứng sau cánh gà, chứng kiến buổi biểu diễn của nghệ sỹ thành công, ông vừa mừng vừa thấy tự hào, với ông, thế đã là hạnh phúc.

Thành phố Kalisz (Ba Lan) được mệnh danh là thành phố piano. Nơi đây có 30 xưởng sửa đàn với hơn 400 thợ lành nghề từ khắp mọi nơi trên thế giới. Thành phố nhỏ bé này trở nên nổi tiếng khắp châu Âu nhờ tài năng của những cao thủ sửa đàn piano. Tất cả mọi thứ, từ kỹ thuật cho đến hình dáng bên ngoài sẽ được làm lại, những người thợ ở Kalisz có khả năng phục hồi rất nhiều loại đàn, thậm chí trong tình trạng kinh khủng nhất. Các phím đàn hỏng sẽ được phục hồi, thậm chí bằng loại ngà voi nếu túi tiền của khách hàng cho phép.

Yến Dương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.