Người suốt 20 năm dạy học miễn phí cho hơn 700 em có cảnh đời bất hạnh.
Ủy ban Giải thưởng Kova vừa công bố kết quả giải thưởng Kova lần thứ 16 năm 2018 cho bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga (62 tuổi, ngụ phường 8, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) hạng mục “Sống đẹp” với những việc làm tốt, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng.
Bà Nga là tấm gương tiêu biểu, giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh xóa mù chữ, sống hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Suốt hơn 19 năm liền, bà đã hết lòng tận tụy dạy học miễn phí cho hơn 700 em có hoàn cảnh đặc biệt: Thiểu năng, mồ côi, nhiễm HIV, tâm thần nhẹ,…
Ngay sau khi hay tin bà Nga vinh dự được ủy ban Giải thưởng Kova công bố kết quả giải thưởng Kova lần thứ 16 năm 2018, PV Người Đưa Tin đã tìm đến lớp học đặc biệt của bà để ghi nhận.
Niềm vui dường như lan tỏa khắp lớp học nhỏ bé, nơi đã cùng bà gắn bó với trẻ khiếm khuyết suốt hàng chục năm liền.
Ngồi cạnh chiếc bàn gỗ cũ bên hiên nhà, nơi được tận dụng làm lớp học để dạy trẻ khiếm khuyết suốt nhiều năm qua, bà Nga đang loay hoay chuẩn bị bữa ăn sáng là những phần bánh mì cho các em trước khi vào lớp học.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Nga cho biết, bà rất bất ngờ khi vừa hay tin tên mình có trong danh sách giải thưởng Kova lần thứ 16 năm 2018, hạng mục “Sống đẹp”.
Với bà, niềm vui không phải vì được nhiều người biết đến mà từ lâu, bà chỉ cần mỗi ngày được đồng hành cùng các em có cảnh đời bất hạnh.
Nói đến đây, như bao ký ức, kỷ niệm mà bà đã gắn bó với các em có hoàn cảnh đặc biệt lại chợt ùa về trong trí nhớ của bà. Bà Nga kể: “Tôi vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm công tác giáo dục. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp, tôi được điều động giảng dạy tại trường tiểu học Chu Văn An (TP.Vĩnh Long)”.
Được một thời gian, bà chuyển sang làm công tác phổ cập, đi vận động những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con em đến trường. Công tác này đã đưa bà Nga đến với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, để rồi mỗi đêm về lòng bà lại trăn trở.
Bà cho biết: "Tôi nghĩ những đứa trẻ bị mù, câm, điếc còn được đến trường, được biết con chữ. Vậy thì tại sao những em nghèo khổ, trẻ mắc bệnh đao (down), trẻ khiếm khuyết về trí não, ... lại không. Các em này cần được đến một nơi mà nơi đó phải có người đồng cảm, chia sẻ".
Từ suy nghĩ ấy, bà quyết định kiến nghị lên phòng Giáo dục và sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long trình bày nguyện vọng của mình. May mắn thay, đề nghị của bà được các ban ngành, tổ chức và các cá nhân ủng hộ và luôn theo sát.
Không những thế, bà còn được các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi giúp vượt qua mọi khó khăn để duy trì lớp học. Và cũng từ đó, lớp học tình thương hoàn toàn miễn phí của cô giáo Nga hình thành từ năm học 1999 – 2000.
Theo bà, ban đầu, lớp học chỉ có vài em. Nhưng lớp dần tạo được lòng tin nên số lượng các em đến học cũng dần tăng lên. Đến nay, lớp học của bà đã có đến 40 em có hoàn cảnh đặc biệt như: Thiểu năng, mồ côi, nhiễm HIV, tâm thần nhẹ,…
Nói về những khó khăn trong việc giảng dạy, bà Nga cho biết, hầu hết các em đều là trẻ khiếm khuyết, thiểu năng nên việc dạy học cho các em cũng lắm gian nan và đòi hỏi người đứng lớp phải có sự kiên trì.
Đồng thời, người dạy cũng luôn tạo sự gần gũi bằng tình cảm thực sự để các em có thể hiểu và cảm nhận được. Từ đó, các em sẽ vui hơn và thích thú khi được đến lớp học cùng các bạn.
“Tôi mong mình có đủ sức khỏe để mãi đồng hành cùng các trẻ bất hạnh, nhằm bù đắp cho các em những khiếm khuyết không may mắn trong cuộc sống”, bà Nga cười hiền nói.