Bức xúc vì bị nghi là kẻ cắp
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, vào ngày 15/3 trên mạng xã hội xuất hiện thông tin chàng trai Hà Văn Lương (dân tộc Thái, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) tỏ rõ nỗi buồn khi mất cây hoa hồng cổ 20 năm tuổi.
Theo chia sẻ trên mạng xã hội, giá trị của cây hoa hồng cổ này có thời điểm Lương được trả tới 30 triệu đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó chính là Lương và gia đình mình coi cây hoa như một thành viên trong gia đình, họ mong muốn tìm được thủ phạm.
Câu chuyện nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của dân mạng. Hầu hết đều tỏ thái độ bức xúc trước hành động của kẻ trộm. Không ít người sẵn sàng trở thành “thám tử” ra tay tìm kiếm thông tin của thủ phạm trộm hoa.
Rất nhanh chóng, các "thám tử" đã chia sẻ hình ảnh của một thanh niên và cho rằng chính người này là thủ phạm ăn trộm hoa nhà Lương. Mặc cho thanh niên lên tiếng giải thích nhưng vẫn phải nhận những lời chỉ trích thậm tệ của cộng đồng mạng.
Liên hệ với Nguyên (24 tuổi, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên), hiện đang kinh doanh trong lĩnh vực hoa, cây cảnh– người bị cộng đồng mạng cho rằng là thủ phạm trộm cây hoa ở Sơn La tỏ rõ sự bức xúc.
“Truy cập vào facebook cá nhân, tôi thấy bảng tin hiện lên hàng trăm thông báo khiến tôi thực sự sốc. Rất nhiều người lạ không quen biết buông lời mắng chửi tôi, thậm chí đe dọa, thách thức”, Nguyên cho biết.
Theo đó, Nguyên cho hay anh có chia sẻ ảnh hai cây hoa hồng cổ lên mạng, kể từ đó bị nghi là kẻ trộm cây hoa của anh Lương.
Giải thích về cây hoa hồng này, Nguyên cho biết: “Tôi có người bạn nhà ở Mộc Châu, nhà bạn này cũng có cây hoa hồng già lâu năm, chuẩn bị cắt cành bỏ đi. Tôi thấy tiếc nên đã xin về trồng. Thời điểm mà tôi chia sẻ ảnh hoa hồng cổ lại trùng với thời điểm cây hoa hồng của Lương bị mất cắp nên ai cũng nghĩ tôi là thủ phạm”.
Nói đến đây, Nguyên bày tỏ sự bức xúc: “Tất cả những hình ảnh của tôi đều bị người lạ vào chửi rủa thiếu văn hóa. Uy tín của tôi giờ phải làm sao? Người ta mất cây hồng 30 triệu, nhưng tôi mất đi danh tiếng, hợp đồng và các đối tác”.
Xử lý thế nào với người tung tin đồn nhảm, vu khống người khác?
Trước tình huống này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Ths. Ls. Đặng Văn Cường cho biết: “Mạng xã hội ngày càng không thể thiếu trong đời sống xã hội thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, từ lâu nó đã trở thành một công cụ truyền tin hữu hiệu, một thế giới mới (thế giới ảo) để người ta trao đổi tình cảm, thông tin, cảm xúc, để phục vụ công việc và kinh doanh, thương mại... Vì thế, nếu ai đó bị khủng hoảng trên mạng xã hội thì hậu quả cũng rất ghê gớm.
Thời gian gần đây không ít người đã tự tử, phá sản vì những xung đột, mâu thuẫn, gặp rắc rối trên mạng xã hội... Bởi vậy, việc tung tin đồn, quy chụp một ai đó là "kẻ cắp" khiến họ bị cộng đồng mạng chửi bới, đe dọa, phá hoại hoạt động kinh doanh, quấy rối đời sống riêng tư thì hành vi tung tin đồn này là nghiêm trọng và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật”.
Theo Ths.Ls. Đặng Văn Cường, hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta đang ngày càng củng cố và hoàn thiện các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội trên thế giới mạng, không gian mạng.
Thực tế cho thấy hành vi tấn công, đe dọa, phá hoại người khác trên không gian mạng cũng nguy hiểm không kém gì hành vi xảy ra trong thực tế đời sống xã hội. Bởi vậy, cần phải bổ sung các quy định pháp luật và các chế tài hợp lý, đầy đủ và có tính khả thi với "thế giới ảo" trong thời gian tới. Tăng cường áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự đối với các hành vi gây tổn hại tới người khác trên mạng viễn thông, mạng internet.
“Đành rằng “một mất, mười ngờ”. Khi bị kẻ gian đánh cắp người ta có quyền nghi ngờ cho một ai đó là thủ phạm và có quyền yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và xử lý theo quy định pháp luật. Cũng cần nhấn mạnh là chỉ được phép "nghi ngờ" để tìm ra sự thật chứ không được phép "kết tội" thay tòa.
Nếu chưa đủ cơ sở mà đã vội quy kết, gây thiệt hại cho người khác thì hành vi đó sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Hành vi chửi bới, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác ngoài đời thực cũng như trên mạng xã hội đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả mà người tấn công, xúc phạm người khác trên mạng xã hội sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Trong vụ việc nêu trên, anh Nguyên hoàn toàn có quyền trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết. Nếu xác định được danh tính người đã tấn công, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của anh Nguyên thì người này sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, mức phạt có thể từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm gây thiệt hại tới tài sản, tinh thần của người khác thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại.
Nếu hành vi loan tin, bịa chuyện những nội dung biết rõ là không có thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị xử lý về tội vu khống theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, Ths.Ls. Đặng Văn Cường cho biết thêm.