Bơ vơ, nương tựa vào đâu?
Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Người đưa tin, thời điểm này, Việt Nam chưa có con số chính xác về những người tâm thần lang thang ngoài xã hội. Tuy nhiên, trước đó, năm 2012 tại "Hội nghị triển khai Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020" (gọi tắt Đề án 1215-PV), do bộ LĐ- TB&XH và bộ Y tế phối hợp tổ chức, lần đầu tiên đưa ra "bức tranh toàn cảnh" gần 80% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng đang đi lang thang hoặc lưu trú tại gia, ngoài xã hội.
Bị cáo Dương Văn Nuôi (Bình Định) có tiền sử tâm thần đã gây ra án mạng.
Tại thời điểm đó, khảo sát của bộ LĐ-TB&XH (trong vòng 5 năm từ năm 2006 đến 2010- PV) cho thấy, số người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là người tâm thần Việt Nam tăng 20%. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp là tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ, loạn thần..., nước ta có tỷ lệ mắc các dạng bệnh về tâm thần chiếm khoảng 10% dân số, tương đương với gần 9 triệu người. Trong đó, 200.000 người tâm thần nặng, có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng. Sức khỏe tâm thần được xem như gánh nặng, gây tổn thất về kinh tế, tâm lý với gia đình và xã hội.
Trong quá trình tác nghiệp ở một số địa phương, PV đã từng chứng kiến nhiều cảnh tượng thương tâm về những người tâm thần lang thang ngoài xã hội.
Cũng không ít lần, giữa dòng xe cộ nườm nượp nơi phồn hoa đô thị, người ta bắt gặp cảnh người đàn ông, người đàn bà hay một cô gái trẻ "điên" đang tỉ mẩn nhặt rác... ăn. Họ cứ thản nhiên bốc cơm thừa, rau bẩn ở bãi rác mà nhâm nhi, đánh chén... Rồi cảnh tượng người tâm thần đi lang thang, vừa đi vừa cởi áo, cởi quần rồi, hay giữa dòng xe xuôi ngược có người chổng mông vào người đi đường, trong trạng thái điên loạn...
Những cảnh tượng người tâm thần lang thang ngoài xã hội ăn rác rưởi, nằm mé đường góc phố bất chấp mọi loại hình thời tiết khắc nghiệt nhất... khiến không ít người khi chứng kiến mà xót xa thốt lên rằng thảm trạng "người điên".
TS. Bùi Hữu Chiến - phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: Tại bệnh viện cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân bị gia đình “bỏ rơi”- nói là bỏ rơi nhưng thực chất là những người lang thang ngoài xã hội, sau những đợt công an thu gom đưa vào viện và họ không thể nhớ được tên tuổi, quê quán. Bệnh nhân tâm thần lang thang khi đưa vào viện sức khỏe đều sa sút, gầy yếu. Khi đó, các bác sĩ có liệu trình chăm sóc để phục hồi sức khỏe. Cũng có không ít đối tượng, sau khi điều trị nội trú tại viện, cũng có thể phục hồi trí nhớ và gọi gia đình đến đón. Nhưng cũng có nhiều gia đình từ chối đến đón, bởi họ coi những người tâm thần là "người bỏ đi".
Người tâm thần lang thang là mối lo với cộng đồng- Ảnh Trịnh Long.
Bác sỹ tâm thần cũng "chết đứng" với bệnh nhân
Thời gian vừa qua, liên tiếp xuất hiện các vụ án mạng, trong đó hung thủ là người có tiền sử tâm thần gây rúng động dư luận. Họ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng câu hỏi về sự an toàn cho xã hội vẫn còn bỏ ngỏ.
Khi nhận định về thảm trạng "người điên" lang thang ngoài xã hội, TS. Bùi Hữu Chiến tỏ ra quan ngại về mối nguy hại mà người tâm thần có thể gây ra cho người khác và xã hội. Họ có thể giết người, hoặc tự giết mình.
Mỗi khi nhắc đến những vụ án mà hung thủ là người có tiền sử tâm thần, các bác sỹ đều nhắc đến vụ án điển hình xảy ra năm 2008. Đó là vụ án Hà Văn Pẩu ở xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) giết hại và ăn thịt trẻ con. Với tội danh giết người và cố ý gây thương tích, trong một phiên toà mở công khai tại TP.Lạng Sơn, Hà Văn Pẩu đã bị tuyên phạt án tử hình. Nhưng, qua nhiều lần giám định pháp y tâm thần, cơ quan chức năng đã xác định rõ: Pẩu là bệnh nhân tâm thần. Tháng 10/2011, Pẩu trở về nhà. Cái tin Pẩu khỏi bệnh khiến cả xã Đồng Giáp kinh hãi, họ lo sợ liệu có một vụ án mạng nữa sẽ xảy ra? Bởi không ai dám chắc, lúc nào Pẩu lại lên cơn điên?
Gần đây nhất, một nhân viên ở Trung tâm điều dưỡng tâm thần Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) bị chính bệnh nhân tâm thần sát hại. Trước khi gây án, hắn đã từng giết bố, đâm hàng xóm trọng thương. Ai cũng cảnh giác cao độ, nhưng rốt cuộc tai nạn thương tâm vẫn xảy ra. Ngay cả đối với bác sỹ bệnh viện tâm thần Trung ương 1, có bác sỹ nữ hiện đang được hưởng trợ cấp 400 nghìn /tháng bởi thương tật 21% do bệnh nhân tâm thần tấn công. Điều đó cho thấy, ngay cả những bác sỹ làm việc tại các trung tâm điều dưỡng, bệnh viện chuyên khoa- người có kinh nghiệm chăm sóc người bệnh tâm thần cũng không thể lường hết hậu quả. Vậy, với những người tâm thần lang thang ngoài xã hội thì nguy cơ tấn công "bất thình lình" người khác còn nguy hiểm hơn gấp bội.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, bệnh nhân tâm thần có nhiều thể bệnh, đặc biệt là hoang tưởng. Trong thể hoang tưởng nó có nhiều nguyên nhân, một là áp lực công việc, hai là loạn thần do rượu và do sử dụng ma túy... Đối với những bệnh nhân tâm thần lang thang ngoài xã hội do không được đưa đi điều trị, không có sự quan tâm chăm sóc của người thân, thì những ảo giác, hoang tưởng không được "ghìm cương" và họ có thể gây án bất kỳ lúc nào.
Cách đây không lâu, trong một lần trao đổi với PV, ông La Đức Cương - giám đốc viện Tâm thần Trung ương cho biết: "Đối với những bệnh nhân động kinh (thực chất không phải mã bệnh của tâm thần-PV) do thần kinh gây ra biến đổi nhân cách, thù hằn, vụn vặt, chấp nhặt, hoang tưởng ảo giác thì khi tái hòa nhập cộng đồng cũng rất dễ có hành vi nguy hiểm cho người khác. Bệnh tâm thần phân liệt có những biểu hiện biến đổi nhân cách, hoang tưởng, ảo giác chi phối, rối loạn hành vi, hay nghi ngờ. Những bệnh nhân dạng này thường hành động theo ảo giác xui khiến. Những bệnh nhân trầm cảm, đặc biệt là có những trường hợp thuộc dạng trầm cảm buồn chán, không có lối thoát thực hiện những hành vi nguy hiểm, thậm chí giết người rồi tự sát".
Cũng theo các bác sỹ, nỗi đau do người "điên" gây ra, trước tiên xuất phát từ sự vô cảm của chính người thân trong gia đình, khi bỏ mặc họ lang thang ngoài xã hội.
Cần có Luật về sức khoẻ tâm thần Theo ông La Đức Cương- Giám đốc viện Tâm thần Trung ương I, để chăm sóc và phục hồi cho người bị tâm thần cần có sự phối hợp, liên kết giữa gia đình, cộng đồng, công tác xã hội và chăm sóc y tế. Điều quan trọng, cần có Luật về sức khỏe tâm thần. Bệnh viện cũng đã có kiến nghị với bộ Y tế, Chính phủ về việc cho ra đời Luật về sức khỏe tâm thần với mục đích nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh; đồng thời đảm bảo quyền lợi về mặt pháp lý cho thầy thuốc tâm thần. Có như vậy mới kiểm soát được bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng. |
H.Lan - H. Anh