Rời thành phố, về quê lập nghiệp
Không ít người nghĩ việc tạo hình, in chữ nổi trên trái dừa là không thể. Thế nhưng, với sự sáng tạo, mày mò và kiên trì của mình, chàng trai Huỳnh Thanh Tâm (32 tuổi, ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã khiến nhiều người thán phục.
Bằng những sáng tạo của mình Huỳnh Thanh Tâm vừa được Tỉnh đoàn Bến Tre tặng Bằng khen với danh hiệu: “Tôi – ngu?ời thanh niên Đồng Khởi mới” để khích lệ tinh thần và những ý tưởng táo bạo của chàng thanh niên xứ Dừa. Trong “Ngày hội Bến Tre – Đồng Khởi khởi nghiệp” năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng với lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Bến Tre ghé thăm gian hàng trưng bày của Tâm. Thủ tướng ghi nhận ý chí khởi nghiệp, khen ngợi những sáng tạo của chàng thanh niên trẻ đã nâng cao giá trị trái dừa lên gấp nhiều lần.
Trao đổi với PV, Huỳnh Thanh Tâm chia sẻ, để có thành công bước đầu hôm nay, anh đã trải qua quá trình dài nghiên cứu, sau đó đưa vào thử nghiệm. Từ năm 12 tuổi, Tâm đã có niềm đam mê khắc chữ, khắc hình nhưng chưa có cơ hội phát huy. Khoảng 3 năm trước, do cuộc sống khó khăn, Tâm rời quê nhà lên TP.HCM lập nghiệp. Tại miền đất hứa, dù đồng lương tương đối ổn định, nhưng ý tưởng khởi nghiệp trong anh chưa bao giờ tắt. Khi đã dành dụm được chút vốn liếng, Tâm xin nghỉ việc để về quê nhà thực hiện “dự án khởi nghiệp” với chính trái dừa trong vườn nhà.
Tâm kể: “Bản thân tôi đã ấp ủ ý tưởng này từ rất lâu. Thời điểm đó, tôi xem truyền hình thấy nông dân ở Nhật Bản làm dưa hấu vuông bán với giá cao nên tôi đã dong xe ngược xuôi các tỉnh, thành ở miền Tây để tìm hiểu nhà vườn làm ra bưởi, dưa hấu tạo hình khá đẹp và bán giá cao gấp chục lần. Khi đó, tôi liền nghĩ đến trái dừa, loại trái cây đặc trưng của quê hương Bến Tre. Nếu in được chữ, tạo hình khác biệt thì trái dừa sẽ bán được giá cao hơn, đồng thời giải quyết lao động nhàn rỗi vùng quê”.
Thất bại, vẫn không nản
Nhưng, để thực hiện ý tưởng thật không đơn giản chút nào. Anh bỏ thời gian mày mò nghiên cứu. Ban đầu, Tâm thử nghiệm bằng cách dùng lon sữa bò, lồng chữ bằng dây đồng, úp vào trái dừa non. Hơn tháng sau, trái dừa lớn phình ra trên da trái có chữ nhưng không nổi, nét bị cong. Tâm mày mò điều chỉnh lại khuôn in nhưng vẫn thất bại. Vì thế, nhiều người đã khuyên Tâm nên từ bỏ ý định và tìm việc khác phù hợp hơn.
Thất bại, nhưng Tâm chưa bao giờ từ bỏ ý định. Sau khi tìm hiểu kỹ về chu kỳ phát triển của trái dừa. Tâm chọn thời điểm phù hợp rồi tiếp tục thử nghiệm. Chàng trai đã cải tiến khuôn in chữ bằng nhựa đặt lên một số trái rồi cần mẫn ghi chép nhằm đúc kết kinh nghiệm. Nhưng kết quả lại là thất bại. Tâm quyết định đi tham quan các cơ sở tạo hình trái cây của các nghệ nhân để học hỏi kinh nghiệm. Tại đây, anh cũng đề cập đến việc tạo hình, in chữ trên trái dừa.
Khi nghe Tâm trình bày ý tưởng, ai cũng lắc đầu, cho rằng không thể thực hiện được. Trái dừa có xơ, da cứng nên việc tạo hình rất khó. Vỏ dừa rất trơn nên khuôn đưa vào thường xuyên bị tuột, chữ chưa lên thì bề mặt vỏ, da dừa đã bị trầy xước,... Nghe vậy, nhiều lúc, Tâm đã có ý định buông bỏ ý tưởng. Nhưng nghĩ lại, Tâm tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi cải tiến. Tuy nhiên, khi trái dừa đã in được chữ đẹp, nhưng một số bộ phận khác trên quả dừa lại biến dạng.
Sau 3 năm kiên trì, Tâm chính thức tung ra thị trường dừa tạo hình đầu tiên và được khách hàng nồng nhiệt đón nhận. Năm 2017, hơn 2.000 trái dừa hồ lô, in chữ thư pháp thể hiện lời chúc phúc năm mới của Tâm được tung ra thị trường trong tình trạng luôn “cháy hàng”.
Sau thành công ban đầu, một công ty xuất khẩu dừa sang châu Âu tìm đến, đặt 4.000 trái dừa hồ lô in chữ “Tài – Lộc”. Để thực hiện, Tâm cần vốn thuê vườn dừa nguyên liệu, hợp đồng cùng hướng dẫn kỹ thuật việc làm cho thanh niên nông thôn. Hiện, Tâm đang cùng với nhiều nhà vườn hợp tác sản xuất dừa hồ lô in chữ thư pháp, trong đó có 2ha cho 10.000 trái/năm. Tâm cho rằng, cái khó khăn nhất của các bạn trẻ hiện nay khi khởi nghiệp vẫn là nguồn vốn. Dù có ý tưởng sáng tạo, sự kiên trì nhưng thiếu vốn thực hiện vẫn là vấn đề trăn trở.
Ý tưởng đột phá Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre cho biết, Huỳnh Thanh Tâm là thanh niên trẻ lập nghiệp đầu tiên được Tỉnh Đoàn hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng từ “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp – lập nghiệp thanh niên”, với dự án “Dừa Phú quý Bến Tre”. Đây là ý tưởng đột phá, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáng được ghi nhận. |