Hồn bướm trong tranh
Sinh thời, Hồ Đắc Hiệp là một nhà điêu khắc khi ông vừa tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Huế nhưng rồi duyên phận với hội họa khiến ông bỏ thêm 4 năm nữa cho môn nghệ thuật trừu tượng này.
Mới vào nghề, chàng trai xứ Huế này ra Đà Nẵng để làm điêu khắc. Một thời gian dài gắn bó với đục, đẽo, năm 2000, ông dẫn cả gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp và từ đây, ông chuyển hẳn sang lĩnh vực hội họa.
Sự độc đáo ở mỗi bức tranh của Hồ Đắc Hiệp luôn lôi cuốn người xem
Một lần tình cờ gặp người bạn dùng cánh bướm xếp vào các tấm thiệp để bán nhân dịp các ngày lễ, Hồ Đắc Hiệp liền nảy sinh ý tưởng một dòng tranh mới từ cánh bướm. Ông đi thu gom cánh bướm khô về nhà sau đó phân loại theo từng màu sắc để tiện cho việc ghép tranh.
Hơn 40 màu sắc được lấy từ 250 loại bướm đã làm nên sự phong phú sinh động của mỗi bức tranh. Mới đầu, ông chỉ làm những bức nhỏ nhưng sau ông nghĩ phải có một cái gì đó làm điểm nhấn tôn lên vẻ đẹp mĩ miềm của dòng tranh cánh bướm.
Từ những đề tài cũ xưa như Quán vắng chiều hạ, tả về quán tranh liêu xiêu bên đường thấp thoáng bóng vài thiếu phụ đi làm đồng về đang dừng chân uống bát nước chè chuyện vãn. Trước cửa quán là chiếc xe bò, hàng rào gỗ, giếng nước, mấy con gà... sống động như gợi lại cho người xa quê cảm giác nhớ nhung nao lòng.
Những đề tài hiện đại cũng được họa sĩ Hiệp phác thảo sống động, chân thực. Đó là hình ảnh các cô nữ sinh với áo dài trắng đứng tần ngần trong sân trường, dưới chân, một vài chiếc lá bàng khô rơi rụng bên trên trước hàng phượng vĩ nở rộ.
Ý tưởng đột phá của Hồ Đắc Hiệp là ông tự mình phác thảo ra một bức tranh bao quát toàn bộ chiều dài đất nước trong đó thể hiện đặc trưng của cả ba vùng miền. Bức tranh dài 15 mét chia làm 3 phần biểu tượng ba miền được kết bằng 100% cánh bướm khô.
Công trình đồ sộ về nghệ thuật của Hồ Đắc Hiệp khi mang ra Huế triển lãm đã làm kinh ngạc tất cả mọi người bởi sự công phu, tỉ mẩn và sắc sảo trong từng đường đi, màu sắc đến nội dung trong tranh. Phải mất vài tháng trời ròng rã đi lùng sục khắp nơi tìm mua cánh bướm rồi lại tỉ mẩn phối màu, ngồi dán từng li từng tí sao cho bức tranh có hồn.
Họa sĩ Hiệp tâm sự: “Mỗi vùng miền tôi chọn những địa danh đặc trưng, nổi bật để mọi người đều biết và nhận ra. Ở miền Bắc tôi lấy cảnh 36 phố phường Hà Nội, hồ Gươm, cây đa, đình làng còn ở miền Trung tôi lấy dòng sông Hàn, cố đô Huế, ở miền Nam thì lấy chợ Bến Thành, hòn Phụ Tử... tất cả những địa danh ấy thì hầu như người dân Việt Nam ai cũng biết. Chọn xong, đến công đoạn phối màu là khó khăn và căng thẳng nhất vì màu sắc của cánh bướm không nhiều lại chỉ phù hợp với nét cổ xưa, cũ kĩ mà tranh đòi hỏi sự đa dạng về sắc màu”.
Sau nhiều ngày tìm tòi, nghiên cứu, chỉ bằng bàn tay và khối ốc, ông đã hoàn thành kiệt tác bức tranh cánh bướm dài nhất, to nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Giấy báo xé vụn siêu vi thành bức tranh khổng lồ
Không dừng lại ở làm tranh bằng cánh bướm, họa sĩ Hồ Đắc Hiệp còn sáng tác ra dòng tranh bằng giấy báo xé vụn, qua đó thấy được sự tỉ mẩn của người họa sĩ ngoài khả năng sáng tạo thì tố chất kiên trì đã đạt đến độ “chín mùi”.
Trong suốt 90 ngày, ông đã cần mẫn ngồi xé vụn hàng trăm tờ báo, tạp chí chỉ để lấy ra một số màu sắc dán vào tranh. Trong tranh, điều tối kị là không được sơn bất cứ một màu sắc nào mà phải để màu của giấy báo gốc. Có khi tìm cả xấp mà không chọn được màu nào phù hợp rồi khi chọn được thì cũng chỉ xé lấy một miếng báo lớn nhất cũng không to quá một đốt ngón tay. Trong căn phòng làm việc của mình, ông Hiệp ngày qua ngày, ngồi tìm, xé, dán thậm chí quên cả giờ ăn.
Họa sĩ Hồ Đắc Hiệp tâm sự: “Trước khi bước chân vào nghề hội họa, tôi xác định rõ chỉ có nghèo mà thôi. Làm hội họa như tôi đây bây giờ không còn ai nữa rồi, cái gì cũng quy ra tiền, biến nghệ thuật thành một hình thức kinh doanh thì chẳng ai công đâu mà ngồi cắt, dán thế này. Tôi không đặt lợi ích kinh tế vào công việc của mình nên tôi làm được những tác phẩm “siêu vi” như vậy.
Ngoài vẻ đẹp của bức tranh ra, tôi còn tìm thấy ý nghĩa tâm linh trong đó, chẳng hạn, mỗi khi ngắm lại tranh của mình, thấy chỗ nào đẹp, ưng ý là trong lòng vui lắm, hạnh phúc lắm, có khi trong mơ vẫn còn cười”.
Năm 2010, bức tranh “Đến hẹn lại lên” có kích cỡ 140 x 300 cm trở thành bức tranh lớn nhất Việt Nam từ giấy báo xé vụn do một người làm. Vậy là một lần nữa, trong lĩnh vực hội họa, Hồ Đắc Hiệp đã tạo cho mình hai kỉ lục quý giá. Ông cho biết, thật ra ý tưởng này không phải xa lạ gì nhưng để thực hiện thành công thì không phải ai cũng làm được.
Hoa Nguyên