“Người thầm lặng” của bóng đá Việt Nam

“Người thầm lặng” của bóng đá Việt Nam

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Thứ 7, 24/02/2018 09:29

Ngày Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giới thiệu tân Giám đốc kỹ thuật J.Gende vào giữa năm 2016, đã có nhiều lo ngại vị Giám đốc kỹ thuật này sẽ không thể có đất dụng võ. Nhưng đến lúc này, ông J.Gende đã cho thấy sự xuất hiện của mình tại VFF không phải để... cho vui.

Trước khi ông J.Gende xuất hiện ở Việt Nam, VFF đã trải qua 10 năm không có giám đốc kỹ thuật - vị trí được coi là "kiến trúc sư" của các liên đoàn hay câu lạc bộ trong bóng đá hiện đại. Dù vậy, đấy là câu chuyện quá khứ. 2 năm trước, VFF đã tính tới việc phải có một giám đốc kỹ thuật để tạo nên sự xuyên suốt trong hệ thống đào tạo cũng như có những góp ý cho các đội tuyển quốc gia tại các giải đấu. Vì vậy, VFF mới “chấm” ông J.Gende.

Thực tế, ông J.Gende không phải là người xa lạ với bóng đá Việt Nam. Năm 2011, ông từng là một trong những ứng cử viên nặng ký cho chức Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, danh tiếng chưa nổi bật trên băng ghế huấn luyện đã khiến ông không thể vượt qua người đồng hương F.Goetz ở vòng lựa chọn cuối của VFF, kể cả khi đã chấp nhận mức lương thấp hơn.

Bóng đá Việt Nam - “Người thầm lặng” của bóng đá Việt Nam

Nhưng rồi cơ hội làm việc cho VFF đã đến vào đầu năm 2016 và ông J.Gende đã không bỏ lỡ. Đến lúc này, các nhà quản lý ở VFF đã tỏ rõ sự hài lòng với quyết định của mình. Bước đầu, ông J.Gende đã làm tròn phận sự trong việc tham mưu cho VFF để nâng chất lượng bóng đá Việt Nam. Ông cũng được biết đến nhiều hơn trong những lần đồng hành cùng các đội tuyển trẻ ở các giải đấu châu lục.

Hai thành công vang dội nhất của bóng đá Việt Nam trong hơn 2 năm qua là đội tuyển U19 Việt Nam vượt qua vòng loại châu lục để lần đầu giành vé tham dự Giải Bóng đá U20 thế giới và đội U23 Việt Nam lần đầu giành ngôi á quân tại Giải Bóng đá U23 Châu Á, đều gắn với những đóng góp thầm lặng của ông J.Gende.

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, người dẫn dắt đội U19 quốc gia tham dự Giải U20 thế giới năm 2017 nói rằng: “Công lao của ông J.Gende trong hành trình giành tấm vé tham dự Giải Bóng đá U20 thế giới 2017 của các cầu thủ trẻ Việt Nam thực sự rất đáng kể. Kiến thức và tư liệu về các đối thủ trở nên cực kỳ quý giá để tôi đưa ra quyết định”. Vì thế, mỗi lần cầm quân ở các đội tuyển trẻ quốc gia, ông Hoàng Anh Tuấn đều tận dụng tối đa "chất xám" của vị Giám đốc kỹ thuật người Đức này.

Đến Giải U23 Châu Á 2018, chính ông J.Gende đã cung cấp những thông tin cần thiết về lứa cầu thủ dự Giải U20 thế giới 2017 để ông Park Hang Seo lựa chọn và quyết định. Ông cũng đề xuất đưa Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh lên đội tuyển U23 Việt Nam vào giờ chót. Sự tỏa sáng của bộ đôi này đã cho thấy sự hiệu quả của ông J.Gende khi được trọng dụng. Ngay cả vấn đề cải thiện tâm lý thi đấu cho U23 Việt Nam, những thông tin về các đối thủ của đội trong quá trình thi đấu tại giải cũng có dấu ấn từ những góp ý của ông J.Gende với Ban huấn luyện đội tuyển.

Những người đi theo hành trình của U23 Việt Nam tại Giải U23 Châu Á 2018 cũng kể lại, ông J.Gende luôn để lại ấn tượng về sự âm thầm làm việc đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy, ông luôn được huấn luyện viên Park Hang Seo tin tưởng để trao đổi những phần việc của U23 Việt Nam.

Sau những thành công cùng các đội tuyển trẻ quốc gia, ông J.Gende lại trở về với căn phòng làm việc ở VFF để xây dựng những kế hoạch mang tính dài hạn cho các đội tuyển quốc gia, tạo nên hệ thống huấn luyện chung xuyên suốt từ cấp câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia. Đến giữa năm nay, bản hợp đồng giữa ông với VFF sẽ kết thúc. Cũng không lạ nếu mối lương duyên giữa ông với VFF được nối dài.

Theo Minh Quang/Hà Nội mới

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.