Vào 0h30 sáng 24/5, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 do đầu máy 927 kéo, khi đến đường ngang có gác tại Tĩnh Gia, Thanh Hoá đã va vào một ô tô tải đi qua đường sắt. Vụ tai nạn khiến lái tàu, phụ lái bị kẹt trong cabin, tử vong tại chỗ và nhiều người khác bị thương.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, 2 lái tàu bị tử vong thuộc trường hợp được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định.
“Trường hợp này là người lao động – tức 2 lái tàu đang trong giờ làm việc, thực hiện nhiệm vụ được giao thì bị tai nạn dẫn đến tử vong. Do vậy, có đủ điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Khi đó, thân nhân của người bị tử vong sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp từ đơn vị sử dụng lao động và từ cơ quan bảo hiểm”, Đại biểu Mai nói.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích thêm: “Cơ quan bảo hiểm sẽ phải chi trả cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động bao gồm: Trợ cấp một lần và trợ cấp mai táng, đồng thời thân nhân còn được hưởng chế độ trợ cấp tuất hàng tháng.
Cụ thể, luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về các trường hợp thân nhân người bị tử vong do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Trong đó có con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai...
Các trường hợp vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng của người bị tai nạn lao động... cũng thuộc diện được hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp vợ hoặc chồng, bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở”.