Giấc ấy khoảng ba bốn giờ chiều. Tôi đi đâu đó về, loay hoay cất xe dưới cầu thang chung cư rồi đi lên đến lầu ba, đứng tựa lan can để thở. Tôi nhìn vơ vẩn xuống ngã tư đang tấp nập dòng xe cộ đủ loại. Xe chạy ngược, xe chạy xuôi, đèn xanh chạy, đèn vàng chạy, đèn đỏ cũng ráng lấn qua vạch sơn trắng mới chịu dừng lại.
Bấy giờ một người đàn ông gầy gầy giơ một cánh tay lên cao, tay kia đẩy vai một em gái nhỏ mặc quần xanh dương áo trắng. Em gái bước xuống lề đường, khua cây gậy đụng vào những bánh xe, né ra một chút, e dè một chút, cẩn thận băng qua đường. Em chưa đi tới lề bên kia thì những người lái xe đã chuẩn bị cho xe vọt tới, khi đèn vàng đường cắt ngang vừa bật lên. Em không thấy đèn xanh đèn đỏ, hay đèn vàng, nhưng có lẽ em nghe được sự vội vã quanh mình. Chắc là em cũng nghe được sự háo hức của cuộc sống tưng bừng náo nhiệt khi đi trên đường phố. Nhưng trên gương mặt âm thầm của em gái nhỏ chỉ có thể cảm nhận rõ rệt sự căng thẳng.
Người đàn ông gầy gầy ấy đi bên cạnh em gái sang bên kia đường, dắt em đến cạnh cột đèn, dặn dò em đợi ở đó. Rồi ông bươn bả qua rừng xe cộ trở lại lề đường bên kia. Nơi đó có hai học sinh khác của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đang ngồi đợi. Hai em ngồi xổm trên lề đường cạnh bên nhau, cùng day mặt về phía lòng đường chăm chú lắng nghe. Trong muôn vàn âm thanh xa lạ đó, hai em vẫn nhận ra tiếng bước chân của thầy mình ư? Một em đứng lên đưa tay cho thầy nắm. Và một lần nữa, vừa giơ cánh tay lên làm dấu xin đường, người thầy ấy vừa dắt học trò qua đường vừa giải thích căn dặn gì đó. Từng người một tập băng qua đường rồi lại băng qua đường lần nữa.
Đứng trên tầng ba chung cư nhìn xuống ngã tư, tôi thấy người đàn ông ấy cùng với học trò của mình cứ len lỏi từ lề đường này sang lề đường kia, băng qua băng lại giữa dòng xe cộ nườm nượp ngược xuôi. Bài học băng qua đường ở ngã tư ấy kéo dài suốt một giờ. Lưng áo sơ-mi của thầy ướt đẫm mồ hôi, dính bết vào da, làm lộ cả xương bả vai. Trên gương mặt sạm đen vì nắng, bụi đường và khói xe, những dòng mồ hôi cũng thi nhau chảy. Tôi bắt đầu tự hỏi người ta cảm thấy như thế nào sau một giờ đồng hồ đi vòng vòng một cái ngã tư, hết băng qua bên này đường rồi lại băng qua bên kia đường, có bốn con đường không một giây dứt xe chạy, cứ băng qua rồi lại băng lại.
Tôi lại tự hỏi có phải ngày nào người thầy đó cũng dắt ba đứa học trò khuyết tật đi trên đường phố, trên mọi nẻo đường phố, phân tích từng âm thanh trong cái hỗn âm phát sinh từ cuộc sống đô thị, giảng giải cho các em biết nó là cái gì, có nguy hiểm không, làm sao tránh. Những em lần đầu tiên được thầy dắt qua đường đã bám chặt cánh tay thầy ra sao, những em đã “tốt nghiệp” bịn rịn buông cánh tay thầy để tự bước đi như thế nào?
Thầy đã dắt bao nhiêu học trò mù đi qua lòng thành phố, lưu ý các em lề đường nào cao thấp ra sao, những thân cây hay cột đèn trên những con đường khác nhau có gì đặc biệt để các em ghi lối đi về. Tôi hình dung trong thế giới không màu sắc, không đường nét hình thù, những tòa cao ốc không sờ mó được kia “trông” như thế nào? Các loại xe cộ đủ hiệu đang vùn vụt lướt trên đường phố được cảm nhận ra sao? Có phải các em phân biệt được tiếng động cơ xe này nổ khác tiếng thắng của xe kia? Và hàng triệu con người quanh em, em có cảm thấy yên lòng ở giữa đám đông ấy không? Hay là em đang cảm nhận giữa họ và em có một bức tường mà âm thanh không xuyên thấu để nối em với họ?
Bài học vẫn tiếp tục trên đường phố. Ba em gái nối nhau đi hàng một, người đi trước cầm gậy dò đường, người thầy đi bên cạnh không cầm tay các em, không nhắc nhở gì nữa, nhưng mắt thầy vẫn canh những chiếc xe ngược chiều, những chiếc xe chạy như chỗ không người, những chiếc xe đậu choán cả lối đi. Họ phải đi dưới lòng đường vì có những con đường không còn lề cho người đi bộ. Bóng thầy trò đi hút trong rừng người và xe.
Và vài hôm sau tôi lại thấy người đàn ông gầy gầy ấy dắt ba bốn đứa học trò khác băng qua đường , băng qua rồi lại băng lại, từ lề đường này sang lề đường kia, như vượt qua được một con sông đầy sóng dữ.
Tôi đã quan sát cái lớp học lộ thiên ở ngã tư này từ hồi còn là một nhà giáo. Lúc đó tôi nghĩ đến những bài học suông với những lý thuyết mà mình đã vội đem dạy học trò, những bài học mà tôi biết học trò học chỉ để “trả bài” lại cho tôi mà thôi. Có lúc tôi đã hoang mang không biết những điều tôi đang dạy cho những học trò sáng của mình, ngay cả những điều hay ho nhất, liệu có ích cho chúng như bài học băng qua đường mà người đồng nghiệp kia đang dạy cho học trò mù của mình? Cái mà thầy dạy cho học trò của thầy không có gì cao siêu vĩ đại, nó là những kỹ năng hết sức cần thiết để sinh tồn khi mình bị thiệt thòi và bất lợi trong xã hội. Chất lượng bài học thầy dạy mang tính chất sinh tử đối với đứa học trò. Và “đứng lớp” đối với thầy cũng là một lao động sinh tử, làm con thoi giữa rừng xe cộ ấy, mạng thầy phải lớn lắm mới có được tuổi nghề cao.
Cho nên, dù đã nghe hàng ngàn đứa học trò gọi tôi là thầy gần hai mươi năm nay, mà khi tôi nghe em học trò nhỏ của thầy đứng bên này gọi với sang bên kia. “Thầy ơi”, tự nhiên nước mắt tôi rơi.
Nhà văn Lý Lan