Chỗ dựa của những người yếu thế
Sinh ra trong một gia đình trung lưu có nhiều con, luật sư Nguyễn Văn Hậu sống hồn nhiên với ngày ngày cắp sách đến trường. Và rồi, biến cố ập đến, ông thấm cảnh nghèo khổ và dở dang học hành.
Thế nhưng, tất cả chỉ là thử thách để tôi luyện nên một luật sư bản lĩnh, hồn hậu, đặc biệt luôn làm việc hăng say, hết lòng hết sức nghĩ và làm cho người nghèo.
Đi lên từ phong trào Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, ông hiểu rõ pháp luật tạo ra sự công bằng, lẽ phải. Chuyện gì cuối cùng cũng dùng đến luật để xử lý. Từ đó, ông quyết tâm học và theo nghề luật sư.
Trước mỗi vụ án, ông đặt hết tâm sức vào việc nghiên cứu hồ sơ để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Ông tâm niệm, luật sư bảo vệ công lý theo pháp lý, chứ không cãi ngang.
Nắm bản chất vụ việc để bảo vệ khách hàng, họ có tội nhưng tội đến đâu, luật sư phải tìm ra và bảo vệ công lý. Luật sư phải chỉ cho khách hàng thấy họ đúng và sai ở điểm nào, chứ không phải làm dịch vụ nhất nhất nghe theo lời họ.
“Với những thân chủ tiêu cực, ép tôi làm theo ý họ, bẻ cong sự thật, tôi thường chọn cách trả tiền lại và không làm nữa. Có như vậy, nghề luật sư không bị mang tiếng. Luật sư phải có đạo đức, làm nghề phải bảo vệ công lý”, luật sư Nguyễn Văn Hậu thẳng thắn.
Có nhiều vụ việc đã đi được nửa chặng đường nhưng ông và khách hàng bất đồng quan điểm, ông thường chọn không lấy phí để kết thúc hợp đồng và thẳng thừng từ chối gặp mặt lần sau.
Phần đông khách hàng tìm đến văn phòng đều mong muốn ông phân tích với vụ việc đó họ đúng hay sai. Nếu họ đúng, họ đặt vấn đề nhờ ông bảo vệ đến cùng, nếu họ sai, họ hỏi ông, họ phải làm như thế nào.
“Từ đó, tôi chỉ cho họ, góp ý cho họ. Đó là điều họ cần. Tôi đâu thể đổi trắng thành đen được. Nghề luật sư là như vậy”, luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.
Với quan điểm rạch ròi, suốt 30 năm gắn bó với nghề luật sư, ông có được nhiều người bạn từ những khách hàng đến cậy nhờ ông bảo vệ miễn phí. Trong số đó, ông có không ít bạn là nông dân, công nhân,… trên khắp mọi miền đất nước.
Ông không thể nào nhớ được bản thân đã tham gia bào chữa miễn phí bao nhiêu vụ. Ông chỉ nhớ, hồi mới vào nghề, ông rất hăng say, bảo vệ miễn phí cho hết người này đến người khác trong guồng quay của công việc và cuộc sống.
Ông nhớ: “Hồi mới vào nghề, tôi được một anh chạy xe xích lô nhờ bào chữa cho vợ của anh ấy. Cô vợ của anh này thiếu hiểu biết nên nhận gia công hàng giả. Vụ đó, tôi bào chữa cho vợ anh ấy được hưởng án treo.
Anh ấy mừng quá, thưởng cho tôi bằng cách “anh muốn đi đâu, tôi chở anh đi khỏi tốn tiền”. Một lần khác, tôi được các chiến sĩ bộ đội tung hô ở cổng tòa sau khi bào chữa thành công cho một trung tá quân đội. Phần thưởng của tôi là những niềm vui như thế”.
Hồi ức về vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải chấn động một thời
Thế nhưng, vụ công ty Vedan Việt Nam xả thải trên sông Thị Vải mới khiến ông nhớ nhiều nhất và cũng nổi gai ốc mỗi khi chợt nhớ.
“Vụ đó tôi mất gần 5 năm đeo đuổi, tốn rất nhiều công sức và thời gian. Ban đầu, tôi nghĩ vụ việc cũng nhanh thôi nhưng không ngờ vô cùng phức tạp. Tôi làm không lấy tiền phí. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ giúp nông dân bởi họ chịu nhiều thiệt hại, tôm cá chết nhiều lắm”, luật sư Hậu nhớ lại.
Đối diện với vụ việc nghiêm trọng và kéo dài, ông phải đối mặt không biết bao nhiêu áp lực hữu hình lẫn vô hình.
Những lời đe dọa, thách thức càng khiến ông mạnh mẽ, hun đúc ông tìm cách bảo vệ công lý, đưa bà con thoát ra khỏi khó khăn. Đồng thời, ông luôn giữ một trái tim lương thiện để tránh xa cám dỗ mà đối thủ tung ra để mua chuộc.
Vụ việc kéo dài khiến sức khỏe và tinh thần của ông cũng có lúc phải chao đảo. Thế nhưng, nghĩ đến bà con nông dân ngày ngày khóc ròng bên những mẻ tôm cá nuôi bị chết, lòng ông lại quặn thắt và dốc tâm đi tới cùng vụ việc.
Vụ việc thành công mĩ mãn, ông được UBND TP.HCM cho một số tiền để chi phí tiền xăng xe. Thế nhưng, ông dùng số tiền này để trao cho bà con nông dân xây 2 căn nhà tình thương.
Ngoài vụ Vedan gây chấn động, luật sư Nguyễn Văn Hậu còn gắn liền với những vụ án mang tính tiền đề để sau này sửa đổi, bổ sung những thông tư, quy định của pháp luật. Điển hình như ông từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ Phương Thanh trong vụ kiện Blogger Cô Gái Đồ Long.
Theo hồ sơ vụ việc, ca sĩ Phương Thanh kiện Blogger Cô Gái Đồ Long về 2 bài viết có ý bôi nhọ nữ ca sĩ.
Tuy nhiên, thời điểm xét xử vụ kiện này, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc quản lý Blog. Thế nên, sau nhiều phiên tòa, đôi bên tự hòa giải, rồi tất cả trôi vào quên lãng.
Tuy nhiên, vụ việc là tiền đề để Chính phủ có thông tư đầu tiên về quản lý Blog, và là cơ sở để sửa đổi bộ luật Dân sự năm 2015 về Điều 38 Bảo vệ bí mật đời tư.
Tiếp đó, khi tiếp xúc hồ sơ vụ Lý Hương bị chồng kiện bắt cóc con ruột, luật sư Hậu nhận thấy Lý Hương yếu thế, cô độc và chịu một sức ép quá lớn. Từ đó, ông tận tâm bảo vệ cho thân chủ dù ở Việt Nam hay đến khi sang tận Mỹ.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông là luật sư riêng cho Lý Hương, hỗ trợ pháp lý từ đầu đến khi kết thúc vụ việc. Về sau, gia đình của Lý Hương rất thân thiết với gia đình ông.
Từ vụ Lý Hương, Nhà nước mới đưa vào Hiến pháp về việc bảo hộ công dân của Việt Nam. Bởi khi xảy ra vụ việc, nước ta chưa có chính sách bảo hộ công dân ở nước ngoài.
Do đó, luật sư Hậu đã làm đơn cầu cứu gửi Thủ tướng, bộ Ngoại giao. Ngay sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ bảo vệ công dân Việt Nam – Lý Hương.
“Thời điểm tiếp nhận vụ việc là thời điểm khó khăn và vất vả nhất của Lý Hương. Tôi và luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường - người bạn đời của tôi, lúc nào cũng bên cạnh, giúp đỡ cô ấy”, luật sư Hậu chia sẻ.
Giai đoạn vụ kiện được xét xử tại Mỹ, luật sư Thúy Hường – vợ của luật sư Hậu đã sang Mỹ để tham gia hỗ trợ cho Lý Hương.
Thời điểm này, con của vợ chồng luật sư Hậu mới 3 tuổi. Ông vừa chăm con cho vợ an tâm đi nước ngoài giúp đỡ thân chủ, vừa rốt ráo tìm chứng cứ để tranh luận tại Tòa án Hoa Kỳ.
Người thầy gần gũi của những luật sư trẻ
Với ông, khách hàng đại gia hay người nghèo thì luật sư cũng đều phải làm hết mình. Ông tâm niệm, làm cho người nghèo phải tận tâm thì người ta mới ghi nhận.
Bởi vậy, ông thường nói với các sinh viên ở Học viện Tư pháp, những luật sư trẻ nên làm miễn phí, trợ giúp pháp lý không thu phí để được vận dụng những kiến thức vào thực tiễn, được cọ xát với nghề, đồng thời có cơ hội được giúp đỡ cho người khác.
Nhiều năm làm Giảng viên khoa Đào tạo luật sư Học viện Tư pháp, bộ Tư pháp, ông hiểu công tác đào tạo luật sư là chỉ và tìm cho lớp trẻ đường đi.
Tức là, người thầy phải chỉ cho học trò – những luật sư tương lai thấy họ phải có đạo đức, có tâm thì mới gắn bó được với nghề.
Trong những buổi dạy, ông thường tặng sách cho sinh viên và hỏi “nếu ra trường, giữa một người có tài và một người có đức, em chọn ai?”. Nhiều sinh viên chọn người có tài.
Nghe vậy, ông mới dẫn câu thơ của Nguyễn Du: “Có tài mà cậy chi tài/Chữ Tài liền với chữ tai một vần/Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
Rồi ông nói: “Tôi hành nghề gần 30 năm và tôi thấy những vần thơ ấy là chính xác. Nghề luật sư một khi đã mất danh tiếng thì không bao giờ tìm lại được. Phải có đức có tâm mới làm nghề này”.
Theo luật sư Hậu, nghề luật sư không nên tham vọng. Thắng thua phải xem như chuyện thường tình.
“Tôi nhớ, nhà thơ Tố Hữu có viết: “Một lần ngã là một lần bớt dại/Để thêm khôn một chút nữa trong người”, trong bài Dậy mà đi. Một lần thất bại, tức là bạn lại học được một bài học.
Lúc ở tòa, tôi phải chịu tình cảnh không ăn ớt mà cay, tức như bò đá, có vụ tưởng thắng nhưng lại thua. Thế nhưng, tôi không cay cú mà tự hỏi bản thân tại sao, mình yếu chỗ nào…”, luật sư Hậu dí dỏm chia sẻ.
Ông tâm đắc hơn nữa khi nghề luật sư có một điểm rất hay, đó là kiến nghị sửa lại luật pháp. Với những người “dám ăn dám nói” như ông, điểm này của nghề thật có “đất dụng võ”.
“Tôi nghĩ, nghề luật sư ngoài nhiệm vụ bảo vệ công lý, phải giúp Chính phủ, Nhà nước xây dựng chính sách và pháp luật hoàn thiện và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, dân chủ.
Tôi cho đó là vai trò của luật sư. Ngoài tư vấn, trợ giúp pháp lý, giúp cho cá nhân, luật sư phải xây dựng chính sách, phản biện”, ông cho biết.
Thành công của một luật sư do công chúng đánh giá. Luật sư thành công là luật sư được nhiều khách hàng tin cậy và tín nhiệm. Dù anh ở bất cứ đâu, người dân cũng tìm đến.