Chênh vênh với nghề
Ngay thời điểm tốt nghiệp học viện Báo chí và Tuyên truyền vào tháng 6/2014, tôi đọc được thông báo tuyển dụng phóng viên tại khu vực miền Trung. Vốn đã dự định về quê do hoàn cảnh gia đình nhưng tôi lập tức sắp xếp đồ đạc trở về ứng tuyển. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp nhà báo Phan Xuân Hồng - Ủy viên Ban biên tập, Trưởng văn phòng đại diện miền Trung của báo Đời sống & Pháp luật.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là “nhà báo chân đất” bởi thời điểm đó anh vẫn giữ thói quan hút thuốc lào, uống nước chè và ăn trầu. Một phong cách thôn quê, giản dị của con người xứ Nghệ.
Thời điểm này cũng có rất nhiều sinh viên mới ra trường nộp đơn xin việc. Anh nói với những gương mặt non nớt: “Báo khi nào cũng mở rộng cửa dành cho mọi người, nhưng phải chấp nhận thử thách. Nếu ai thực sự xứng đáng, tâm huyết với nghề thì anh sẽ đề xuất với Tổng biên tập để được ký hợp đồng”.
Mặc dù là người gốc Nghệ An, cũng là cử nhân báo chí được đào tạo chính quy, thế nhưng, khi bước vào môi trường mới, địa bàn mới thì tôi lại cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng. Để quen với đường đi phải mất rất nhiều thời gian do Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước.
Với một cử nhân chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế thì việc triển khai đề tài vẫn gặp rất nhiều lúng túng, dễ sai lầm. Thậm chí, chưa có nhãn quan, chưa bao quát được nội dung nên hay bị lệch hướng. Sự non nớt, yếu kém ngay từ khi tìm đề tài đã khiến cho tôi chưa có nhiều bài hay trong thời gian đầu làm việc.
Do lúc này tôi chỉ mới là cộng tác viên, không lương, tin bài ít nên thu nhập thấp, trong khi vì hoàn cảnh gia đình nên tôi không được chu cấp nữa. Vì vậy dẫn đến nhiều ngày tháng sau đó tôi phải vay tiền để sống. Một mình ở thành phố, những vấn đề về cuộc sống đổ ập đến khiến cho tôi rất nản lòng.
Nhiều đêm, nằm ở phòng trọ nhỏ, tôi từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc về quê đi xuất khẩu lao động, hoặc đi làm thuê kiếm sống. Thế nhưng, vì tiếc 4 năm ăn học, vì khát khao được làm nghề nên tôi vẫn quyết định bám trụ. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến tôi quyết tâm gắn bó với cơ quan đó chính là nhà báo Phan Xuân Hồng cùng tập thể văn phòng miền Trung.
Tôi nhớ một kỷ niệm, vào đầu tháng 7/2015, vụ án Vi Văn Mằn sát hại một gia đình 4 người tại bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) không những chấn động tỉnh Nghệ An mà cả nước. Tôi và 2 đồng nghiệp được anh Hồng giao lên tiếp cận địa bàn, cập nhật tin tức về vụ án.
Thế nhưng địa điểm xảy ra vụ việc ở vùng núi cao cách thành phố hơn 200 km, chỉ riêng đi từ UBND huyện vào trung tâm UBND xã cũng mất hàng chục cây số, thuê xe ôm cũng hết mấy trăm nghìn đồng. Ngoài ra, để vào hiện trường cũng phải thuê dân bản, bởi đây là nơi “sơn cùng thủy tận” phải đi bộ hết 3 tiếng đồng hồ, vì vậy không ai biết đường ngoài người dân địa phương.
Hàng chục tin bài “nóng” được chúng tôi cập nhật, và sau 3 ngày bám trụ anh em quyết định trở về. Điều khiến mọi người xúc động nhất chính là việc khi đang trên đường trở ra thì thấy anh Phan Xuân Hồng cũng đang trên đường vào để đón. Thấy ai cũng mệt mỏi, mặt đầy bụi đường, anh Hồng động viên và rút tiền túi ra để thưởng. Cảm giác được ghi nhận, được sự quan tâm của người sếp, người đàn anh trong cơ quan, đã xua tan sự mệt nhọc của tôi.
Tấm gương với nghề báo
Lúc tôi mới về văn phòng miền Trung, hầu hết anh em phóng viên còn rất trẻ, một phần là sinh viên trường báo mới tốt nghiệp, còn những người khác lại không được đào tạo chuyên sâu về báo, nhưng đam mê với nghề nên quyết định theo đuổi. Vì vậy, không những sai sót về nội dung, thậm chí có người vẫn đang lúng túng về quy định chính tả theo phong cách báo chí.
Trước việc này, nhà báo Phan Xuân Hồng phải trực tiếp đứng ra hướng dẫn từ những điều cơ bản nhất cho đến các “mưu mẹo” để lấy thông tin. Những buổi họp cơ quan hàng tháng thực chất là những buổi hướng dẫn của anh Hồng đối với các phóng viên.
Giai đoạn này cả cơ quan thực hiện tòa soạn hội tụ, yêu cầu phóng viên không những viết được cả báo điện tử, mà cũng có thể viết được cho giấy, đồng thời dựng được video cho truyền hình. Không có điều kiện ra tòa soạn để học tập, nhưng trong thời gian ngắn phóng viên ở văn phòng miền Trung đều có thể làm được. Đó chính là nhờ sự hướng dẫn của Trưởng văn phòng miền Trung. Cũng chính vì vậy, dù anh không đứng trên giảng đường, cũng không có giáo án, nhưng hầu như phóng viên và biên tập viên miền Trung vẫn gọi anh bằng “thầy”.
Anh tâm sự, bản thân anh cũng xuất phát từ nghèo khó, từ con số 0. Nhưng rồi vừa làm vừa học, vừa quan sát rút kinh nghiệm thì mới có thể trưởng thành được. Chính anh cũng là tấm gương khi là người trực tiếp lao vào những điểm nóng để lấy thông tin. Vì vậy, giấy khen và bằng khen của UBND các huyện, UBND tỉnh, cơ quan công an tặng thưởng cho cá nhân nhà báo Phan Xuân Hồng thì không thể đếm xuể.
Đặc biệt, tháng 7/2016, nhà báo Phan Xuân Hồng và một số phóng viên đã gây dấu ấn với loạt phóng sự điều tra Chôn chất thải Formosa tại trang trại Giám đốc môi trường. Loạt điều tra này đã gây chấn động dư luận cả nước, Cơ quan Điều tra vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án hình sự; nhóm phóng viên của VPMT đã được nhiều bộ, ngành Trung ương tặng bằng khen.
Cho đến thời điểm hiện nay, anh vẫn giữ được ngọn lửa đam mê, nhiệt thành trong suốt hành trình làm báo. Chính anh đã khiến cho tôi phải hổ thẹn khi nghĩ về những gì đã làm được trong suốt thời gian qua. Về nghiệp vụ, anh xứng đáng là “thầy” của các phóng viên. Về cuộc sống anh xem mọi người đều là người em trong nhà. Chính vì tinh thần làm việc, sự quan tâm đối xử của anh mà đến nay đã bước sang năm thứ 7 tôi về đây, thế nhưng chưa một lần tôi nghĩ sẽ rời cơ quan đi nơi khác.
Năm 2021 - năm mở ra một niên vận mới, năm hứa hẹn chứng kiến nhiều sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước, cũng là mốc son ghi dấu ấn tròn 20 năm kể từ ngày báo Đời sống & Pháp luật, nay là tạp chí Đời sống & Pháp luật, xuất bản số báo đầu tiên. Tôi may mắn đã đi cùng với cơ quan 1/3 chặng đường trong 20 năm đó. Vui có, buồn có. Tất cả điều đó đã giúp tôi trưởng thành và có được như ngày hôm nay.
Năm 2021, tạp chí Đời sống & Pháp luật đang có sự chuyển mình để đủ sức chống chọi với sóng gió. Có thể tương lai sẽ phải đối diện khó khăn, vất vả, nhưng tôi vẫn cảm thấy vinh dự khi ngồi cùng một con thuyền với tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của cơ quan tiến về phía trước. Bởi tôi có những người sếp, những đồng nghiệp tuyệt vời.
ANH NGỌC