Câu chuyện "chàng trai ma ám"
Anh là Bùi Văn Bình, 31 tuổi, sống tại thôn Yên, xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình một con người bất hạnh ngay từ thuở mới lọt lòng. Khi anh mới lên 2 và mẹ vừa sinh em gái thì bố mẹ chia tay. Mẹ anh đi bước nữa, còn cha anh cũng bỏ quê đi nơi khác để lại hai đứa trẻ bơ vơ sống bám vào tình thương của xóm làng.
Sự chia lìa của cha mẹ anh, đôi uyên ương được dân làng một thời ngợi khen khiến nhiều người sửng sốt. Sống lay lắt cùng anh được vài năm thì cô em gái mắc trọng bệnh rồi qua đời. Sau đó không lâu, cha dượng anh cũng mất. Có lẽ phải chịu nhiều cú sốc trong cuộc đời nên mẹ anh cũng sớm quy tiên. Từ ngày bỏ quê đi, cha anh chưa một lần quay trở lại thăm con.
Sự mất mát và mặc cảm khiến anh ngày càng trở nên lầm lì, ít nói. Ông Bùi Văn Tấn, Trưởng thôn Yên cho biết: Những năm 80 của thế kỷ trước, khi xứ Mường hãy còn nhiều điều ma mị bao phủ, những người hiểu chuyện thương cho hoàn cảnh của anh không đủ sức để thắng được những lời thị phi bóng gió: "Nhà ấy không bị con ma nó ám thì cũng bị bùa chài nên mới tan nát như thế".
Không còn mẹ, cha còn sống cũng như đã chết nên anh được những người hàng xóm tốt bụng dựng cho một túp lều che mưa che nắng. Những tháng ngày côi cút ấy dù ăn cơm với muối trắng hay rau rừng thì với anh, đó vẫn là những tháng ngày hạnh phúc vì chí ít, anh vẫn còn được đi lại trên đôi chân của mình. Anh bảo: "Chẳng biết kiếp trước làm gì nên tội mà kiếp này phải đền tội nhiều đến vậy". Bất hạnh một lần nữa trút xuống đầu anh sau trận ốm dai dẳng khi học lớp 4, anh bị liệt hai chân, hai tay rồi toàn thân. Đó cũng là lúc anh mang cái danh cay nghiệt mà miệng lưỡi thiên hạ độc địa gán cho "chàng trai ma ám". Theo họ, trong gia đình, chỉ có mình anh còn sống nhưng lại chẳng bình thường, người cha thì nhẫn tâm bỏ rơi chính con mình...
Thầy Bình cùng các học trò của lớp phụ đạo.
Nhưng bại liệt không ngăn nổi bước chân anh tới trường. Quãng đường từ nhà tới trường ngày trước như dài bất tận trước đầu gối sưng vù rớm máu và đôi bàn tay bỏng rát vì bò tới trường của anh. Nuốt nước mắt, anh nhủ lòng phải đi học tới cùng vì sách vở đưa anh tới thế giới rộng lớn và bạn bè cho anh những niềm vui.
Anh Bùi Văn Thế, bạn học ngày xưa của anh Bình cho biết: "Cảm phục trước ý chí của Bình, chúng tôi không ai bảo ai nếu gặp là cõng Bình tới lớp, về sau có xe đạp thì đỡ vất vả hơn". Bình thông minh và luôn khẳng định được mình trong học tập. Lên cấp 3 anh được một gia đình người bạn cho ở trọ để học, nhưng sau ngày thi tốt nghiệp thứ 2 thì anh liệt giường, không thể tiếp tục thi cử nên ước mơ lấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, bước vào giảng đường đại học đành dang dở.
Thầy giáo… đặc biệt
Không còn đi học, anh trở về với túp lều mục nát và một lần nữa vừa chiến đấu với bệnh tật vừa đối diện với những lời thị phi. Đúng lúc anh chán nản muốn tự tử chấm dứt cuộc đời khổ đau của mình thì người bạn đem đứa con nhỏ học lớp 2 đến nhờ anh kèm cặp vì không biết chữ và chẳng có thời gian.
"Những đứa trẻ nói tiếng Kinh chưa sõi đi học chẳng theo nổi chương trình nếu may mắn thì vẫn bám lớp theo thầy, còn không thì đều đầu hàng cái khó bỏ học giữa chừng. Đưa các em tới lớp đã khó, nhưng khó hơn là làm sao để chúng nhận ra việc học quan trọng với bản thân mình", thầy giáo Bùi Văn Tường, người có thâm niên gần 20 năm trồng người ở xã Kim Truy không tránh khỏi tiếng thở dài khi nhớ lại.
Gọi lớp học của Bình là lớp đặc biệt không phải do có một người thầy chưa hề đào tạo một ngày nào qua trường sư phạm đứng lớp, mà nó đặc biệt ở chỗ dạy cho toàn học sinh top cuối đội sổ của trường tiểu học Kim Truy. Ông Bùi Văn Tấn (Trưởng thôn) xác nhận tình trạng như vậy xảy ra nhiều năm một phần do đời sống kinh tế của người dân còn quá khó khăn nên họ coi trọng việc kiếm kế mưu sinh hơn học hành.
Túp lều chưa đầy 10m2 của anh cũng chỉ làm nơi dạy học được trong gần 7 năm thì năm 2009 đã bị bão đánh sập khiến cho thầy mất nhà, trò mất lớp. Thương anh và cũng muốn con cái mình có nơi học tươm tất hơn, người dân trong thôn tự huy động được chút tiền cất cho anh căn nhà lợp mái bờlôximăng rộng chừng 12m2, rời xuống vị trí trung tâm thôn để tiện cho con trẻ qua lại.
Khi được hỏi có bí quyết dạy học nào không, "người thầy ma ám" ấy chỉ cười bảo: "Mình nhớ lại kiến thức đã học, nghe đài xem trên tivi nhà hàng xóm để dạy lũ trẻ thôi. Hơn nữa mình có cả ngày, chúng chưa hiểu có thể chạy tới hỏi bất cứ lúc nào lại chẳng sợ bị cho điểm thấp hay hạ loại nên chúng chẳng giấu dốt, có lẽ vì thế mà tiến bộ".
Ngôi nhà mới của anh trông có vẻ tươm tất, đồ đạc trong nhà là những món đồ cũ còn dùng được mà xóm làng cho hay của học sinh đã khôn lớn tặng cho thầy. Gương mặt anh như sáng lên khi chỉ vào tấm bản đồ - thứ mới nhất trong nhà khoe với tôi: Của em Châu tặng đó, gần 30 đứa học sinh ngày nào cũng ra đó chỉ trỏ tìm xem Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới.
Một tháng mỗi phụ huynh động viên anh 80.000 đồng để anh dạy học, tuy cơm ăn vẫn phải nhờ tình thương của xóm làng nhưng anh tuyệt nhiên không dùng đến số tiền trên. Tiền của cha mẹ các em được anh dùng vào mua sách vở, bút mực cho lớp học, thưởng cho học sinh khá giỏi hoặc mua bánh kẹo cho chúng liên hoan trong dịp tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi... Thi thoảng lũ trẻ lại hò nhau đẩy chiếc xe lăn của anh đi dạo lòng vòng trong xóm thay đổi không khí. Chị Thêm, hàng xóm nhà anh Bình bế đứa nhỏ trên tay khẳng định: "Khi con đến tuổi đi học cũng cho tham gia học thêm với thầy Bình, bảo anh ấy bị ma ám thật là bậy bạ, ma ám mà tốt thế thì con ma ấy cứ ám cho thật nhiều". "Lớp học phụ đạo của "chàng trai ma ám" đó đã cải thiện rõ rệt chất lượng học sinh tiểu học ở xóm Yên. Từ những học sinh đội sổ, giờ đây xóm chúng tôi có những cháu là học sinh giỏi xuất sắc của trường", ông Bùi Văn Thao, 89 tuổi, nguyên Bí thư xã Kim Truy nói.
Bình vẫn hàng ngày quên đi nỗi đau thể xác bệnh tật của mình để giúp con trẻ xóm Yên học hành tấn tới, nhưng có một nỗi buồn thăm thẳm trong đôi mắt đỏ hoe khi anh nói về giấc mơ thường trực, giấc mơ một mái ấm cho riêng mình: "Có hay không một người phụ nữ nhân hậu, thương yêu bầu bạn mà tôi luôn mong đợi liệu có xuất hiện trong cuộc đời?".
Xa mái nhà bi bô tiếng trẻ học bài trong ánh chiều, tôi mong sao sẽ có ngày phép nhiệm màu đến với người thầy đặc biệt xứ Mường.
Hiệu quả rõ rệt Thầy Bùi Văn Tường, một trong những người quan tâm tới lớp học của anh ngay từ những ngày đầu phải công nhận: "Kỹ năng sư phạm của Bình tốt lắm, thậm chí tốt hơn cả chúng tôi vì anh ấy truyền đạt cho các em hiểu một cách tường tận, nhanh chóng. Từ ngày có lớp phụ đạo của Bình học sinh xóm Yên toàn dẫn đầu trường, điển hình như em Bùi Thị Phương Thảo là học sinh do anh chủ nhiệm 4 năm liền là học sinh xuất sắc, em Bùi Văn Giao học lớp 2A1 từ chỗ không thuộc bảng chữ cái năm vừa rồi đã là học sinh giỏi...". |
Đức Anh Chí