Cái duyên với nghề
Vốn có niềm đam mê nghệ thuật từ nhỏ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1967), ở Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đành rẽ hướng sang một công việc khác. Dẫu vậy, trong cuộc sống hàng ngày ông vẫn dành chút thời gian và không gian để thỏa mãn niềm đam mê bằng việc vẽ tranh tường, viết thư pháp, làm hòn non bộ… để trang trí cho chính ngôi nhà của mình.
Vào tháng 7/2020, khi được cơ quan cho nghỉ ở nhà để phòng chống dịch Covid-19, ông Cường vô tình lướt trên mạng và nhìn thấy clip những người nước ngoài làm các sản phẩm từ dây kim loại. Ông tự nhủ: “Tụi nhỏ nó còn làm được, tại sao mình không làm?”.
Nghĩ rồi, ông mua dây đồng về làm thử theo hướng dẫn trên mạng. Dù thành công từ lần đầu tiên, tuy nhiên ông Cường vẫn chưa ưng ý về tác phẩm của mình. “Sản phẩm từ dây đồng nhìn không mềm mại, hơn nữa dây khá cứng nên khi làm rất đau tay”, ông Cường nói.
Để hoàn thiện và tìm nguyên liệu phù hợp cho sản phẩm của mình, ông lại dành thời gian lần mò tìm kiếm. Trong một lần lướt trên mạng xã hội, ông vô tình nhìn thấy những sợi dây nhôm đủ màu sắc được rao bán online, nên quyết định đặt mua về để… thử. Có sẵn hoa tay “trời phú”, ông Cường tự mày mò, học hỏi cách làm ra một tác phẩm cây cảnh kiểu dáng bonsai thông qua các clip trên YouTube.
Ông Cường chia sẻ với Người Đưa Tin: “Làm bonsai bằng dây nhôm nhìn thì dễ, nhưng thực ra rất khó. Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. Tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công hoàn toàn. Điều quan trọng là phải “thổi” được “hồn” vào từng tác phẩm để nhìn chúng như thật. Nghề này ngoài có khiếu thẩm mỹ còn đòi hỏi sự kiên trì của người làm”.
Theo ông Cường, có đôi khi ý tưởng chợt đến nhưng để định hình được nội dung, hình dáng thì mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, ông lại đi tìm hiểu, quan sát những dáng cây bonsai thật để hiện thực hóa những ý tưởng của mình.
Gửi trọn tâm tình vào từng tác phẩm
Sau khi ý tưởng được hình thành, công việc tiếp theo là làm các bộ phận của cây. Ông Cường cho biết, các sản phẩm của ông thường có 3 phần chính gồm: rễ, thân và hoa. Khi mới bắt tay thực hiện, ông làm 3 bộ phận này đi liền nhau từ rễ đến thân rồi hoa, nên tốn rất nhiều thời gian. Sau nhiều lần mày mò, ông tự rút ra kinh nghiệm, cứ làm tách rời từng bộ phận rồi ráp lại với nhau thành tác phẩm hoàn chỉnh. Cách làm này giúp ông giảm bớt công sức và thời gian.
Dây nhôm được ông đặt mua với nhiều màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, tím, vàng, bạc… có thể phối với nhau một cách hài hòa, sáng tạo. Ông Cường cho hay, công đoạn mất nhiều thời gian nhất chính là tạo hình bông hoa. Mỗi đường cong, hình tròn trên hoa đều phải thực hiện từng tí một, tỉ mỉ và cẩn thận. Để rút ngắn thời gian cho công đoạn này, ông còn sáng tạo ra một vài dụng cụ hỗ trợ để giúp cánh hoa đều và đẹp hơn.
“Ban đầu tôi làm hoa một màu, dần dần lên ý tưởng phối nhiều màu như hoa ngũ sắc hay làm hoa vàng nhị đỏ để các tác phẩm thêm phong phú”, người đàn ông 55 tuổi cho biết.
Một cây bonsai đẹp thì không chỉ ở màu sắc mà còn phải có hồn. Đồng thời, phải đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật từ bộ đế cho đến thân cây, rễ cây... Để theo đuổi đam mê, thỏa mãn sức sáng tạo của bản thân, ông Cường thường tranh thủ những khi đi làm về và ngày nghỉ để thực hiện các tác phẩm của mình.
Sau bữa cơm chiều mỗi ngày, ông lại miệt mài sáng tạo bên những cọng dây nhôm, hòn đá để tạo thế đứng cho cây. Từng cánh hoa, cành cây, rễ cây… được ông tỉ mẩn uốn cong, tạo dáng cẩn thận từng chút một. Kể cả chậu cây cũng được ông tự tay cắt xốp, sơn xanh, phủ cỏ nhân tạo. Để tạo tiểu cảnh độc đáo cho tác phẩm cây cảnh bonsai, ông còn sưu tầm, tìm mua sỏi, hoa, đá… với nhiều kích thước và hình dáng khác nhau.
Tết 2021 là năm đầu tiên ông đưa ra thị trường những tác phẩm nghệ thuật từ chính đôi tay của mình. Ông nhờ các con đăng giúp hình tác phẩm lên mạng xã hội để bán và trong mùa Tết ấy ông đã bán được khoảng 30 chậu cây. Mỗi chậu cây có giá từ 1,5 triệu trở lên. Khách hàng từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên và trong tỉnh Khánh Hòa đã đón nhận nhiệt tình những sản phẩm của ông.
Ông kể, có một người khách ở tỉnh Bình Định sau khi mua cây đầu tiên về thấy ưng ý quá nên sau đó đặt thêm 10 cây nữa để tặng đối tác. Bán được sản phẩm ông rất vui, nhưng càng vui hơn khi có người yêu thích và hiểu được giá trị từ những tác phẩm ấy. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ông Cường còn thực hiện các chậu cây theo yêu cầu phong thủy của mỗi khách hàng.
Những tác phẩm đầu tiên của ông đã được bạn bè, khách hàng đón nhận vào Tết năm ngoái là động lực để ông bước tiếp với nghề. Trong năm qua, ông tiếp tục thực hiện các tác phẩm mới để bán và chuẩn bị cho một mùa Tết mới.
Mỗi ngày miệt mài “thả hồn” bên những chậu cây rực rỡ sắc màu ông Cường ấp ủ mong ước trong thời gian tới có thể mở được một cửa hàng nhỏ trưng bày và bán các sản phẩm này để có nơi giới thiệu, trao đổi với những người cùng chung niềm đam mê nghệ thuật.
Clip: Ông Nguyễn Hùng Cường tạo ra các cây cảnh đẹp mắt từ những sợi dây nhôm.
Châu Tường