Cuộc đời của vị võ sư này được nhiều người ví như một bản tóm tắt của thế hệ võ sĩ Việt Nam ở thế kỷ trước. Đó là ngày tháng phiêu bạt giang hồ, những trận đả lôi đài và hành trình đem võ thuật Việt đến với cách mạng.
Võ sư Văn Nhân (người bên phải) đang biểu diễn võ thuật
Một ngày hạ gục hai võ sĩ người Pháp
Nhắc đến võ sư Nguyễn Văn Nhân, làng võ Việt nhớ đến một cao thủ với nhiều ngã rẽ bất ngờ trong cuộc đời. Với tính cách mạnh mẽ, pha chút ngang tàng, võ sư Nhân đã tạo nên nét riêng trong giới võ lâm Việt Nam suốt thế kỷ qua.
Theo hồi ức của võ sư Nguyễn Văn Thắng, chưởng môn của Thăng Long Võ Đạo (con trai của võ sư Nguyễn Văn Nhân - PV) thì cha ông có một tuổi trẻ rất lừng lẫy. Nhờ được kế thừa tinh hoa võ học từ người cha và ông ngoại của mình, cộng với sự khổ luyện nên ngay từ rất trẻ, võ sư Nhân bộc lộ tài năng võ thuật hiếm có. Chưởng môn Văn Thắng cho biết, ông Vũ Nghị (ông nội võ sư Thắng - PV) đã truyền thụ cho con trai của mình là võ sư Văn Nhân những bí kíp võ công Thiếu lâm nội gia cùng những kiến thức chuyên sâu về y thuật phương Đông. Theo lời của võ sư Thắng, võ sư Vũ Nghị là bậc thầy về khí công dưỡng sinh, y thuật phương Đông, phong thủy - dự báo. Môn phái Thăng Long Võ Đạo hiện nay nổi tiếng về những lĩnh vực trên là được kế thừa và phát huy từ di sản mà ông Vũ Nghị truyền lại.
Ngoài sự kế thừa võ học từ cha mình, cố võ sư Văn Nhân còn được ông ngoại của mình (ông Cử Tốn) kèm cặp từ nhỏ. Khi còn rất trẻ, võ sư Văn Nhân đã tạo dựng được tên tuổi của mình trong làng võ bằng những lần thăng đài đánh gục nhiều võ sĩ nổi tiếng. Theo Chưởng môn Văn Thắng, khi còn sống, võ sư Nhân ít nói về bản thân nên thế hệ con cháu khó để biết hết được quãng đời tuổi trẻ của ông. "Tôi chỉ được cha của mình kể lại lần thượng đài đánh với một võ sĩ Pháp. Chính lần đó đã tạo ra bước ngoặt cho cuộc đời của ông", võ sư Thắng cho biết.
Nhâm nhi chén trà, võ sư Thắng hồi tưởng lại câu chuyện mà ông được nghe từ chính người cha thân yêu của mình. Đó là thời điểm vào khoảng cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Người Pháp đã mời sang Bắc Kỳ một võ sĩ da trắng, cao lớn và rất giỏi võ. Khi lên võ đài, võ sĩ người Pháp rất hung bạo. Gã đã hạ đo ván nhiều võ sư Việt Nam. Một tháng thăng đài ở Hà Nội, võ sĩ này bất khả chiến bại. Đưa một võ sĩ tên tuổi đánh bại nhiều võ sĩ Việt khiến người Pháp hả hê lắm. Trên báo chí thời bấy giờ, nhiều lời lẽ tung hô thái quá về tên tuổi của võ sĩ Pháp với những câu chữ khiếm nhã mang tính kích động người Việt.
Lúc ấy, sự khoe mẽ của người Pháp khiến giới võ thuật Việt Nam rất bức xúc. Vốn bản tính ngang tàng, võ sư Văn Nhân đã quyết định thăng đài, quyết hạ đối thủ. Nghe tin võ sư Văn Nhân thượng đài, người Hà Nội lúc đó chen nhau mua vé vào xem. Họ muốn tận mắt chứng kiến "niềm kiêu hãnh của Pháp" bị "hạ nhục". Người Pháp lúc ấy rất hỉ hả vì chắc chắn đây là dịp để "thóa mạ" võ Việt một lần nữa.
Cuộc chiến giữa võ sư Văn Nhân và võ sĩ người da trắng diễn ra hết sức căng thẳng. Ông Văn Nhân thượng đài với tinh thần bằng mọi giá phải đánh gục đối thủ để dạy cho người Pháp hiểu được thế nào là sức mạnh của võ thuật Việt Nam. Trước hàng nghìn con mắt, võ sư Văn Nhân đã đánh một đòn vào chỗ hiểm khiến đối thủ gục ngay trên sàn đấu. Quần hùng được thể ăn mừng, la hét kích động khiến bọn sĩ quan Pháp bẽ mặt. Trong đám sĩ quan đến xem trận đấu có một tên quan Pháp, cũng là một võ sĩ. Hắn vốn tự xem mình là cao thủ võ học nên hiên ngang nhảy lên võ đài thách đấu với võ sư Văn Nhân. Tuy nhiên, chỉ với ba chiêu, ông Nhân đã khiến tên này phải đi cấp cứu.
Trận đấu kết thúc, người Việt ra về trong tâm trạng hả hê vì "niềm tự hào thái quá của Pháp" đã phải nhập viện. Sau đó, võ sĩ da trắng và tên quan Pháp vì dính những cú đòn trời giáng từ võ sư Văn Nhân nên đã tử vong. Đau đớn vì bị mất người, bọn Pháp kéo đến "đòi mạng" võ sư Văn Nhân để trả thù. Tuy nhiên, lúc này võ sư Nhân đã may mắn trốn được. Nói chuyện với chúng tôi, võ sư Văn Thắng cho biết: "Lúc đó, chúng dán ảnh khắp nơi và treo thưởng lớn nếu ai cung cấp thông tin. Thậm chí chúng còn dán cáo thị, đưa lên báo chí để bắt bằng được ông".
"Sư tổ" của đặc công Việt Nam
Năm 1945, khi nước nhà giành được độc lập, võ sư Văn Nhân đã tham gia vào cách mạng. Chưởng môn Thắng chia sẻ, "ngày về quê, cha tôi đã quyên tiền đóng góp vào quỹ độc lập bằng cách biểu diễn võ thuật tại những ngã ba, ngã tư đường. Bằng những pha biểu diễn kungfu đẹp mắt ông đã khiến những người khó tính nhất cũng phải móc hầu bao ủng hộ. Đó là cách mà võ sư Nhân bước vào con đường binh nghiệp của mình".
Sau đó, võ sư Nhân được tổ chức đưa vào đội tự vệ thành. Cấp trên biết ông là một võ sĩ bất khả chiến bại nên đã giao nhiệm vụ để ông huấn luyện võ thuật cho các đội tự vệ. Theo Chưởng môn Văn Thắng, nhiều võ sư phải thừa nhận cha ông là một người toàn diện về võ học. Nội công thâm hậu, thân pháp nhanh nhẹn, đặc biệt nổi tiếng bằng khả năng đánh cận chiến. Trong nháy mắt, ông có thể hạ gục đối phương mà không có bất cứ một tiếng động nào. Trong hoàn cảnh chiến tranh, lối đánh này trở thành "bảo bối" của dân tộc. Sau này, võ sư Nhân được cấp trên tin tưởng giao việc đào tạo, huấn luyện võ thuật cho những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Thậm chí, trong những hoàn cảnh đặc biệt, võ sư Văn Nhân được tín nhiệm giao nhiệm vụ bảo vệ nguyên thủ quốc gia.
Năm 1967, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cần có một lực lượng tinh nhuệ làm nhiệm vụ đặc biệt, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập ngành đặc công. Võ sư Văn Nhân một lần nữa được chọn mặt gửi vàng. Ông và bảy võ sư tên tuổi khác được giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện lực lượng đặc biệt này. Những thế hệ học trò của ông sau khi được đào tạo có những trận đánh vang dội.
Nhìn lên tấm di ảnh, võ sư Văn Thắng nói về cha mình: "Cha tôi là người có dung mạo của một dũng tướng. Ông là một bậc thầy về nội công, có thể biểu diễn nhiều kungfu (Thiết đầu công - để đá trên đầu đập nát đá, đầu không can gì, Thiết Thoái Công - đá gẫy cột, Thiết chủng Công - để hàng tạ đá trên tay dùng búa đập nát đá, tay không can gì, Thiết bố sam). Tuy nhiên, có lẽ nổi bật nhất là khả năng đấu cận chiến.
Được biết, khi tuổi ngoài 60, mặc dù trong người còn mang tới bảy mảnh đạn sau chiến tranh nhưng võ sư Nhân vẫn biểu diễn võ công khiến người khác phải hết sức kinh ngạc. Lúc ấy, ông dùng đầu phá những mảng đá lớn một cách dễ dàng. Nhiều người khi chứng kiến màn biểu diễn đó đã phải quay mặt đi chỗ khác vì quá hoảng sợ.
Thời gian nghỉ hưu, võ sư Văn Nhân đã tham gia tích cực vào những hoạt động của liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ông chính là người sáng lập ra môn phái Thăng Long Võ Đạo. Qua môn phái Thăng Long Võ Đạo, võ sư Văn Nhân đã truyền thụ cho nhiều thế hệ học trò những bí kíp võ công, kiến thức uyên thâm về khí công chữa bệnh, nội công công phu, phong thủy dự báo. Cũng chính dưới sự đào tạo trực tiếp của võ sư Văn Nhân, làng võ Việt đã xuất hiện những huyền thoại võ lâm mới...
Những ngày tháng thay hình đổi dạng để trốn nã Sau khi đánh thắng hai tên võ sĩ người Pháp, cuộc đời phiêu bạt giang hồ của võ sư Văn Nhân cũng rẽ sang một hướng khác. Ông phải thay hình đổi dạng, để râu xồm xoàm trông không khác một lục lâm thảo khấu nhằm qua mắt lính Pháp. Niềm đam mê võ thuật khiến ông không thể bỏ được những trận đả lôi đài. Ông đi khắp Đông Dương, thậm chí sang cả Mông Cổ để tham gia đấu võ. Cũng chính những ngày tháng đó, cố võ sư Văn Nhân đã kết thân được với nhiều người bạn lớn. Đó là võ sư Trần Tiến (cao thủ bất khả bại của làng võ Việt), là một trong những người bạn thân thiết của ông trong thời điểm bấy giờ. |
Trinh Phúc - Thanh Xuân
Kỳ sau: Chuyện chưa kể về bậc thầy của ám khí nổi danh võ Việt