Dù không kinh qua trường lớp nào, nhưng bằng sự quyết tâm của bản thân, ông đã biến những lá sen già cỗi tưởng chừng bỏ đi thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Hiện, ông Nghĩa được xem là họa sĩ độc nhất vô nhị tại miền Tây, với hàng trăm bức tranh về Bác Hồ, các anh hùng dân tộc, nhân vật nổi tiếng được làm từ chất liệu vỏ tràm đến lá sen độc lạ.
Niềm đam mê đi cùng năm tháng
Ông Lê Văn Nghĩa, tự Bảy Nghĩa, 62 tuổi, ngụ ấp Hựng Lợi Đông, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp – người thổi hồn vào tranh sen, tranh vỏ tràm - không hề xa lạ đối với người dân địa phương.
Để có thể tạo nên những bức tranh nghệ thuật về phong cảnh, nhân vật nổi tiếng này, ông Nghĩa đã phải qua năm tháng khổ luyện, miệt mài tìm tòi học hỏi, tích cóp kinh nghiệm từng ngày. Nghề thổi hồn vào tranh sen đã khó, chọn nhân vật để thực hiện tác phẩm thì lại càng khó hơn. Đối với ông Nghĩa, không phải nhân vật nổi tiếng nào ông cũng đều làm tranh, ông chỉ làm những nhân vật mình ngưỡng mộ, trong đó đặc biệt nhất là Bác Hồ kính yêu.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nghĩa cho biết, ông vốn có năng khiếu mỹ thuật từ thuở bé. Ngày ấy, khi còn là học sinh tiểu học, thú vui của ông Nghĩa sau những giờ học ở trường là lấy đất sét ở những bờ ruộng quanh nhà rồi nhào nặn thành những con trâu, con bò. Trong một dịp tình cờ, thầy cô giáo nhìn thấy những “tác phẩm” tạo hình bằng đất sét của ông Nghĩa quá đẹp nên đã nhờ cậu học trò này nắn những con vật khác để vào tủ học cụ nhà trường, phục vụ cho việc dạy và học.
Theo ông Nghĩa, hồi ông còn nhỏ, gia đình khó khăn nên việc mua sắm bút màu, giấy vẽ là điều không thể. Để vẽ được tranh những con vật như con gà, con lợn, con tôm,… theo yêu cầu của thầy, cô giáo thì giấy vẽ và màu mực đều do thầy cô giáo hỗ trợ. “Lớn lên, tôi vẫn đam mê nghề vẽ, nhưng ba tôi lại bắt tôi làm nghề mộc gia truyền từ nhiều đời. Thế nhưng, những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn lén vẽ để thỏa niềm đam mê của mình”, ông Nghĩa nhớ lại.
Đến năm 1981, ông Nghĩa nhập ngũ. Từ đây, niềm đam mê mỹ thuật của ông bắt đầu có đà phát triển. Dù có nghề “cha truyền con nối” điêu khắc, chạm, trổ trên gỗ nhưng ngày nhập ngũ, ông Nghĩa lại khai mình có nghề vẽ, nghề mà ông tâm huyết bằng cả niềm đam mê bất tận. Chính vì việc khai mình có nghề vẽ nên suốt thời gian ở đơn vị, ông Nghĩa luôn được cấp trên giao họa hình các anh hùng liệt sĩ, anh hùng quân đội, Mẹ Việt Nam anh hùng,…
Suốt thời gian hơn 7 năm phục vụ cho đơn vị, ông Nghĩa được xuất ngủ trở về địa phương. Do thời điểm này, cuộc sống gia đình khó khăn, ông Nghĩa đành tạm gác lại đam mê để dốc hết tâm sức lo cho vợ và con nhỏ bằng nghề mộc. Bởi, theo ông lúc bấy giờ, đa phần người dân chủ yếu lo cái ăn, cái mặc nên nghề vẽ không mấy chú trọng và không thể kiếm ra tiền để trang trải cuộc sống. Thế rồi, một xưởng mộc tại quê nhà được ông Nghĩa dựng lên để phục vụ nhu cầu cho bà con trong vùng.
Những tuyệt tác từ lá sen
Nghề mộc gắn liền với ông Nghĩa suốt hàng chục năm liền nhưng niềm đam mê hội họa trong ông vẫn chưa bao giờ tắt. Mãi đến năm 2015, khi lo chu toàn việc học hành cho cô con gái duy nhất của mình, ông Nghĩa mới có ý định quay lại nghề cũ. Tuy nhiên, một lần nữa ông Nghĩa phải trải qua biến cố của cuộc đời, người phụ nữ đồng hành cùng ông suốt chặng đường gian khổ đã mãi ra đi vì bạo bệnh. Trước cú sốc quá lớn khi người “đầu ấp tay gối” vĩnh viễn không còn, ông Nghĩa chỉ biết làm bạn với rượu để giải sầu.
Gần một năm sau, khi tâm lý dần ổn định, được sự động viên của người thân, ông Nghĩa quyết định “làm lại từ đầu” với cái nghề đam mê của mình từ thuở bé. Những tác phẩm chân dung từ chất liệu vỏ cây tràm của ông Nghĩa lần lượt được ra đời. Tuy nhiên, tranh từ chất liệu vỏ cây tràm nhiều nơi đã có và ông quyết định tìm hướng đi riêng mang tính đột phá.
Năm 2017, sau thời gian mày mò nghiên cứu, ông Nghĩa bắt đầu chuyển sang làm tranh từ chất liệu lá sen. Theo ông Nghĩa, lá sen có nhiều điểm rất nổi bật. Bởi, hoa sen là quốc hoa của Việt Nam, Bác Hồ kính yêu được sinh ra ở làng Sen. Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp được mệnh danh là thủ phủ đất Sen Hồng. “Tôi muốn những bức tranh do mình tạo ra phải có nét riêng về quê hương Đồng Tháp của mình, vừa độc - lạ nhưng cũng mang đầy ý nghĩa về con người Việt Nam kiên cường, bất khuất”, ông Nghĩa tự hào nói.
Ông Nghĩa cho biết thêm, dùng chất liệu từ lá sen để làm tranh không hề đơn giản. Do lá sen có độ co giãn, không ăn keo và phai màu, dễ bị mục nát theo thời gian nên cách xử lý lá sen cho vừa ý và bền thì cũng đòi hỏi phải có “bí kíp” riêng. “Ngoài việc xử lý để lá sen có độ bền cao, lá sen phải “lưu” qua 6 tháng thì mới sử dụng được. Các tranh hiện tại của tôi được làm từ 3 chất liệu chính: Mảng lá sen, gân sen và bụi sen (mảnh vụn của lá sen). Trong đó, tranh làm từ gân sen được xem là những “tác phẩm” công phu nhất, bởi vừa đòi hỏi tính tỉ mỉ, công phu lại mất nhiều thời gian”, ông Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng theo ông Nghĩa, người làm tranh chân dung không chỉ đòi hỏi giống như thật, mà còn thổi hồn vào mỗi bức tranh thì mới trình làng được. Nhưng cái khó ở đây, người làm tranh từ lá sen không được phác thảo định hình trước, bởi khi phác thảo trước rồi dán lá sen chồng lên thì không thể tẩy xóa nét bút chì ẩn bên dưới được. Do vậy, người làm tranh từ lá sen phải có trí nhớ tốt và tưởng tượng phong phú. Đặc biệt, ở mỗi tranh phải toát lên được đặc điểm riêng của từng nhận vật. Như chủ đề về Bác Hồ, vị lãnh tụ được toàn dân yêu mến phải thể hiện rõ thần thái của Bác qua từng chi tiết về mái tóc, vầng trán, đôi mắt,...
Hàng trăm tranh sen tâm đắc
Theo ông Nghĩa, một tác phẩm từ lá sen hoàn chỉnh thường kéo dài từ 2 đến 4 ngày, nhưng có những tác phẩm đặt hàng thì phải nhanh hơn, cứ thế chạy “nước rút” trong vòng 24 giờ là xong. Tính đến nay, suốt gần 3 năm gắn bó với nghề, ông Nghĩa không thể nhớ hết việc mình đã ra hàng trăm tranh sen thuộc các thể loại, chân dung nhân vật và phong cảnh. Trong đó, những tác phẩm ý nghĩa mà ông tâm đắc nhất là tranh sen: Bác Hồ; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy,...
Thanh Lâm