Sau nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp trên vùng đất đỏ bazan, anh Nguyễn Ngọc Duy, SN 1978, trú Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chợt nhận ra, nhiều gốc cà phê không chỉ có hình thù độc đáo, đẹp mà còn ẩn chứa những giá trị nghệ thuật.
Chính vì vậy, năm 1993, anh tìm đến các rẫy cà phê già cỗi của người dân để mua những gốc cà phê từ 25 năm tuổi trở lên, rồi mang về chế tác thành sản phẩm như: gạt tàn thuốc, lọ hoa...
Những sản phẩm độc, lạ nói ấy nhanh chóng được nhiều người biết đến và đặt mua về sử dụng. Đó cũng là động lực để năm 2000, anh Duy đi đến quyết định mở xưởng sản xuất các sản phẩm từ cây cà phê nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Cũng từ đó, thương hiệu Mỹ nghệ Duy Tân có mặt trên thị trường.
Khoảng 4 năm sau khi mở xưởng sản xuất, anh Duy tham gia khóa học điêu khắc gỗ tại một trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để nâng cao tay nghề và nâng cao giá trị cho từng sản phẩm từ gốc cây cà phê.
Anh Duy cho hay: “Cây cà phê là hình ảnh gắn liền với nền nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Trước đây, những cây cà phê đến giai đoạn tái canh thường được người nông dân chặt bỏ mang về làm củi với giá trị kinh tế rất thấp.
Trong khi, những gốc cà phê phục vụ làm mỹ nghệ có giá từ 2-2.500 đồng/kg (gấp 3 lần so với giá trị làm củi). Tuy nhiên, không phải gốc cây cà phê nào cũng có thể dùng để chế tác mỹ nghệ. Thường, 1ha cà phê, tôi chỉ lựa được khoảng 100-150 cây để phục vụ chế tác. Có những sản phẩm, tôi phải mất 4-5 năm mới tìm được gốc cây cà phê 40-50 năm tuổi để chế tác”.
Theo anh Duy, những cái nu sần sùi trên gốc cây cà phê chính là những họa tiết đắt giá mà những cây gỗ khác không có được. Do đó, trong quá trình bóc tách vỏ, chế tác, người thợ rất tỉ mỉ, cẩn thận, kỳ công trong từng thao tác để giữ lại các nu rồi thổi hồn cho từng gốc cây cà phê thành những sản phẩm khác nhau. Còn nếu bất cẩn làm mất đi các nu thì gốc cây cà phê không còn giá trị gì nữa.
Cũng vì thế, quy trình làm ra những sản phẩm mỹ nghệ từ gốc cây cà phê đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và không phải ai cũng làm được. Anh Duy lý giải: “Quá trình chế tác hầu hết đều bằng thủ công nên phải mất ít nhất khoảng 9 tháng mới tạo ra một sản phẩm mỹ nghệ. Theo đó, sau khi trực tiếp đi sưu tầm những gốc cây cà phê từ 25 năm tuổi trở lên, tôi mang về và phơi khô trong khoảng 6 tháng. Sau đó, mới mang ra bóc tách vỏ, xử lý mối mọt để phục vụ chế tác sản phẩm”.
Bằng đôi bàn tay khéo léo và không ngừng sáng tạo, mỗi năm, anh Duy đã biến hóa những gốc cây cà phê già cỗi, vô tri vô giác thành hàng nghìn sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt, hấp dẫn và có giá trị kinh tế cao như: bàn ghế, khay mứt, giỏ hoa, giỏ trái cây, tranh, tượng, bình hoa, đồng hồ... Các sản phẩm này được tiêu thụ tại các cửa hàng đồ lưu niệm, điểm bán hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh.
Với ý tưởng độc đáo ấy, anh Duy mong muốn góp phần lưu giữ, nâng cao giá trị cây cà phê, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập sau khi phá bỏ những vườn cây cà phê già cỗi. Đồng thời, chung tay quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài việc chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ gốc cây cà phê, anh Duy còn tham gia giảng dạy các lớp ngắn hạn về điêu khắc gỗ cho các học viên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết, trước đây, rất nhiều người dân trên địa bàn đã tận dụng các gốc cà phê già cỗi để làm đồ mỹ nghệ. Tuy nhiên, do không có đầu ra nên hiện nay chỉ còn vài trường hợp duy trì nghề chế tác này.
Theo Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân, việc chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ gốc cây cà phê không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. Bởi Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của cả nước nên số lượng gốc cà phê già cỗi khá lớn. Nếu không được tận dụng để chế tác các sản phẩm mỹ nghệ thì các gốc cà phê này chỉ sử dụng làm củi, giá trị rất thấp và lãng phí nguồn tài nguyên. Chính vì vậy, về phía chính quyền địa phương rất ủng hộ và khuyến khích người dân đẩy mạnh, mở rộng mô hình sản xuất, chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ gốc cây cà phê để giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Khánh Ngọc