Sáng 21/4, đại hội đồng cổ đông ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank - HDB) gây bất ngờ cho giới đầu tư khi trình kế hoạch hợp tác chiến lược với tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và nhận sáp nhập ngân hàng PGBank.
Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank chia sẻ: "Theo sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), HDBank được phép tham gia chương trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại (NHTM). Để nắm bắt cơ hội mang lại kết quả cao, ngày 20/4/2018 HDBank và tập đoàn Petrolimex đã ký kết hợp tác chiến lược trong đó bao gồm nội dung sáp nhập ngân hàng Xăng dầu PGBank vào HDBank".
Theo đề án, việc sáp nhập sẽ được hai ngân hàng triển khai ngay trong tháng 4, tháng 7 sẽ tiến hành hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 1: 0,621 (1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank) và tháng 8/2018 sẽ hoàn tất việc sáp nhập.
Nói về lợi ích của việc sáp nhập, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay, việc sáp nhập sẽ giúp cho HDBank tiếp cận hệ sinh thái với khối lượng trên 20 triệu khách hàng cùng 4.000 điểm bán lẻ của Petrolimex. HDBank có thể gia tăng thêm sản phẩm cho Petrolimex như sản phẩm phái sinh.
Tuy vậy, vấn đề nhiều cổ đông lo ngại nhất chính là tình hình nợ xấu của PGBank có thể gây khó khăn cho HDBank trong việc xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo HDBank cho rằng nợ xấu của PGBank có thể kiểm soát được.
Hiện PGBank có 600 tỷ đồng nợ xấu, số dư nợ bán cho VAMC là 2.200 tỷ đồng. Ngân hàng đã trích lập 850 tỷ đồng, thu nợ VAMC khoảng 200 tỷ đồng. Tất cả khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, ước tính bán thu về tối thiểu khoảng 70% nợ VAMC, tương đương 1.400-1.500 tỷ đồng.
“PGBank là ngân hàng tương đối sạch, bởi có cổ đông lớn là Nhà nước. Nợ xấu PGBank khá tích cực, đảm bảo cân đối được với nợ xấu HDBank, ít nhất là tốt hơn hiện tại”, bà Thảo cho biết.
Trước đó, câu chuyện "kết duyên" của PGBank với VietinBank đã kéo dài hơn 3 năm qua nhưng chưa đi đến "happy ending" mặc dù cả hai ngân hàng đều đã xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015.
Tuy vậy, đến cuối tháng 3 vừa qua, thông tin ngân hàng VietinBank sẽ dừng việc sáp nhập PGBank và MBBank sẽ "xem xét việc này" khiến câu chuyện "kết duyên" cho PGBank bất ngờ nóng trở lại.
Cũng trong sáng 21/4, đại hội cổ đông VietinBank đã có tờ trình chấm dứt giao dịch sáp nhập PGBank.
Tờ trình của VietinBank cho biết, trong quá trình triển khai giao dịch sáp nhập, với mục tiêu đảm bảo tốt nhất lợi ích của VietinBank cũng như của các cổ đông, VietinBank đã cẩn trọng thực hiện soát xét tài chính và định giá PGBank tại nhiều thời điểm dựa trên nguyên tắc tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, đảm bảo tính minh bạch, khách quan.
Căn cứ kết quả định giá độc lập của Deloitte, VietinBank đã thực hiện nhiều vòng đàm phán với PGBank.
Nhưng với lý do: "VietinBank và PGBank đều có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng và cổ đông của mình, dẫn tới hai ngân hàng không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan đến giao dịch".
Như vậy, mối duyên kéo dài 3 năm giữa VietinBank và PGBank chính thức đổ vỡ do không tìm được tiếng nói chung. PGBank cũng đã tìm được "bến đỗ" mới, đó là ngân hàng gắn liền với thương hiệu tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - HDBank.
Về phía PGBank, sáng 21/4 cũng là thời điểm ngân hàng này đưa câu chuyện ra bàn tại đại hội đồng cổ đông.
100% cổ đông PGBank đã đồng ý sáp nhập vào HDBank. Trong khi đó phía HDBank có 94,28% cổ đông đồng thuận, có hơn 5% số cổ đông không đồng ý.