Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thận thế giới năm nay do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 9/3, BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thừa cân béo phì là một vấn đề toàn cầu và tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Thừa cân và béo phì là nguy cơ đứng thứ sáu về số trường hợp tử vong trên toàn cầu. Ít nhất 3,4 triệu người lớn tử vong mỗi năm do hậu quả của tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Ngoài ra, 44% gánh nặng do bệnh tiểu đường, 23 % gánh nặng bệnh tim thiếu máu cục bộ và từ 7% đến 41% gánh nặng về một số bệnh ung thư là do thừa cân và béo phì.
Thừa cân, béo phì ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận. Bệnh này làm tăng mức lọc cầu thận, tăng áp lực thành mao mạch cầu thận, tổn thương tế bào có chân dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối. Với những người mắc bệnh thận mãn tính chưa lọc máu, tình trạng thừa cân, béo phì này cũng làm tăng tiến triển bệnh.
Khi đó, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo nếu không có điều kiện thay thận. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy béo phì có thể gây hại cho chức năng thận trước khi các tác động tiêu cực của huyết áp cao và tiểu đường lên thận được khẳng định.
Ngoài ra, béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường, tăng huyết áp. Đây là những nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối.
Đối với mỗi cá nhân, để chủ động phòng thừa cân, béo phì, cần thực hiện những khuyến nghị sau:
- Duy trì cân nặng hợp lý;
- Hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa;
- Hạn chế ăn đường và muối;
- Tăng cường ăn rau và trái cây;
- Thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 30 phút/ngày đối với người trưởng thành.
Theo thông tin của BS.Dũng, thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong năm 2008, khoảng 8% bệnh nhân đái tháo đường bị suy thận mãn nhưng đến năm 2016 tỷ lệ này tăng lên 14%. Đó là dấu hiệu cảnh báo, ngay bây giờ phải có kế hoạch phòng chống, như: hạn chế béo phì thông qua kiểm soát ăn uống hoặc tăng cường vận động thể lực, nếu không người thừa cân béo phì sẽ tăng, từ đó, bệnh nhân đái tháo đường và suy thận sẽ tăng theo.
“Ước tính đến năm 2025, béo phì sẽ ảnh hưởng đến 18% nam giới và hơn 21% phụ nữ trên toàn thế giới. Người thừa cân béo phì có nguy cơ suy thận mãn tính giai đoạn cuối cao gấp 2-7 lần người có cân nặng bình thường”- BS Nguyễn Hữu Dũng nói.
Do đó, phòng chống thừa cân béo phì đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại mỗi quốc gia.
Theo SKĐS