Nhóm máu là một trong những đặc tính di truyền ổn định nhất của cơ thể và khả năng miễn dịch hay mắc một số bệnh cũng ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của nhân tố di truyền.
Dựa trên kết quả nhiều nghiên cứu, người có nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Một trong số đó có thể kể đến nghiên cứu vào năm 2017 được công bố trên PLOS One. Theo nghiên cứu này, những người nhóm máu A có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn đến 26% so với người nhóm máu B và O.
Người có nhóm máu A còn có nguy cơ cao mắc ung thư đường tiêu hóa. Nghiên cứu năm 2017 cho thấy những người có nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa cao hơn 20% so với các nhóm máu khác, đặc biệt cả ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ tại sao nhóm máu A có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn tuy nhiên có giả thuyết cho rằng có thể là do người có nhóm máu A dễ nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) hơn. Loại nhiễm trùng này là do vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể và lưu trú trong đường tiêu hóa. Tích tụ trong thời gian dài chúng có thể gây loét trong niêm mạc dạ dày hoặc phần trên của ruột non. Với một số người, nhiễm trùng có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Đáng chú ý, theo một báo cáo năm 2017 từ trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tỷ lệ sống sót khi mắc ung thư dạ dày là khá thấp. Tỷ lệ sống sót sau 1 năm ước tính là hơn 53%, tỷ lệ sống sót sau 3 năm là gần 34% và sau 5 năm chỉ còn 29%.
Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các loại ung thư khác ví dụ: Ung thư thận có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 75%; ung thư tuyến giáp có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 98% hay ung thư não vẫn có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 35%, theo dữ liệu từ Hiệp hội Ung thư Mỹ.
Do đó, người thuộc nhóm máu A, nếu có triệu chứng đau bụng trên, đầy bụng bất thường, gầy ốm, chán ăn, nôn ói, tiện ra máu… nhất là đang bị viêm dạ dày dạng co thắt, đừng chủ quan mà nên đến bệnh viện tầm soát ung thư càng sớm càng tốt.
Một lưu ý nữa là trong gia đình có người bị ung thư thì nguy cơ mắc bệnh thường rất cao, gấp 2 lần so với người bình thường. Nhiều nghiên cứu ở các nước cho thấy, yếu tố gen có vai trò tiềm tàng trong quá trình sinh ra bệnh ung thư dạ dày. Điều này tương đồng với nghiên cứu trong nhóm tiền sử gia đình có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư. Có những gia đình nguy cơ cao gấp 2-3 lần so với người bình thường và những người nhóm máu A cũng có tỷ lệ ung thư cao hơn.
Kết quả khảo sát và chứng minh khoa học là vậy nhưng tất cả mọi người dù thuộc bất cứ nhóm máu nào cũng đều nên chủ động phòng bệnh ung thư dạ dày và nhiều loại ung thư khác bằng cách từ bỏ những thói quen xấu như thức khuya, ăn nhiều đồ ăn chế biến, hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia, đồng thời hạn chế nấu thức ăn ở nhiệt độ cao như rang, rán, nướng, quay. Bên cạnh đó nên bổ sung một số thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa ung thư như:
-Cà rốt: Cà rốt là một trong những thực phẩm tốt cho sức khỏe lại luôn có sẵn, rẻ tiền và dễ chế biến. Ngoài việc chế biến thành các món ăn bạn có thể uống nước ép cà rốt. Nước ép cà rốt là nguồn vitamin A phong phú, việc uống loại nước này sẽ giúp bạn cải thiện thị lực, ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ. Nước cà rốt còn có tác dụng như một tác nhân chống ung thư nhờ sự có mặt của các carotenoid. Uống nước ép cà rốt thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt, vú và bàng quang.
-Cà chua: Cà chua, đặc biệt là khi được nấu chín rất tốt cho cơ thể. Chúng có chứa chất carotenoid hay còn gọi là lycopene giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến.
-Tỏi: Tỏi có công dụng đáng kể trong việc giảm nguy cơ mắc ung thư, nhất là ung thư đường ruột. Cụ thể, tỏi ức chế quá trình nitrat biến thành nitrite trong dịch vị, ngăn cản sự hình thành nitrosamine, giúp phòng ngừa ung thư dạ dày. Ngoài ra, tỏi còn có thể ngăn cản sự xâm hại của độc tố, kim loại nặng, chất gây ung thư đối với cơ thể. Đồng thời, thành phần germanium và selen trong tỏi giúp cơ thể chống đột biến tế bào, ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do, hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Về khả năng hỗ trợ điều trị ung thư, các hoạt chất trong tỏi như diallyl disulphide, s-allystein và ajoene có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của khối u, giảm kích thước của khối u tới 50%. Tỏi có công dụng ngăn ngừa, hỗ trợ kiểm soát sự phát triển của các loại ung thư như: ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng, ung thư đại tràng, ung thư thực quản, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan, ung thư bàng quang,...
-Hành tây: Thường xuyên tiêu thụ hành tây giúp giảm nguy cơ ung thư họng và ung thư tuyến tiền liệt.
-Khoai lang: Khoai lang chứa nhiều chất chống oxy hóa như beta carotene, vitamin, chất khoáng và nhiều chất xơ, có hiệu quả phòng ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.
-Ớt: Chất capsaicin trong ớt có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, thậm chí làm chết các tế bào ung thư mà không làm tổn hại đến các tế bào xung quanh.
-Các loại đậu: Các loại thực phẩm họ đậu giàu hàm lượng về chất xơ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thường xuyên bổ sung các chất xơ từ các loại đậu có thể bảo vệ cơ thể chống lại ung thư đại trực tràng và làm giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư.
Minh Hoa (t/h)