Người thương binh bán nhà làm từ thiện

Người thương binh bán nhà làm từ thiện

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

Đến huyện Củ Chi (TP.HCM), bạn sẽ được nghe câu chuyện cảm động về một nữ thương binh đã bán hết tài sản, nhà đất để gom tiền lập trung tâm từ thiện nuôi dạy trẻ cô nhi, khuyết tật.

Mới đầu, ai biết chuyện cũng bảo bà điên. Nhưng giờ, người dân trong và ngoài địa phương đều âu yếm gọi "bà điên" là "bà tiên" thời hiện đại, đang ngày ngày đem yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh.

Pháp luật - Người thương binh bán nhà làm từ thiện

Nụ cười hiền lành phúc hậu của má Mười

Tấm lòng nhân hậu của người đàn bà "thép"

Người phụ nữ ấy tên là Trần Thị Cẩm Giang, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Chẳng biết tự bao giờ mà người dân trong vùng vẫn gọi bà bằng cái tên đầy thân mật - má Mười. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, niềm vui duy nhất của má Mười là hằng ngày chăm sóc cho hơn 100 trẻ cô nhi, khuyết tật tại mái ấm Thiện Duyên do chính tay bà lập ra.

Má Mười sinh ra tại Củ Chi đất thép thành đồng. Những năm tháng tuổi thơ, má đã phải chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh bom đạn. Với ý chí bất khuất, kiên cường của một người con đất thép, má Mười đã tham gia cách mạng từ rất sớm, khi vừa tròn 14 tuổi. Lúc ấy, má được phân công làm công tác vận động thanh thiếu niên huyện Củ Chi giác ngộ ánh sáng cách mạng. Sau đó, má được tổ chức điều động đến ban Hoa vận tại khu Sài Gòn - Gia Định cũ.

Má Mười không khỏi rưng rưng khi nhớ về người em trai đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dẫu biết trong chiến tranh đau thương mất mát là chuyện thường tình, nhưng em trai má ra đi lúc tuổi đời còn quá trẻ... Gạt nước mắt đau thương, má Mười tiếp tục bí mật hoạt động. Không may, má bị địch bắt, chúng giam cầm và tra tấn hết sức dã man. Nhưng người phụ nữ kiên cường ấy không hề khuất phục.

Trên người má bây giờ chi chít sẹo. Nhìn má xòe đôi bàn tay và những ngón chân bị mất hết móng, tôi bỗng thấy rùng mình vì những trò tra tấn man rợ của bọn Mỹ, Ngụy. Ngắm người phụ nữ có nét mặt hiền hòa, phúc hậu, tôi cũng không hiểu điều gì đã giúp má Mười vượt qua được những đau thương, mất mát to lớn như thế?

Hòa bình lập lại, má Mười hưởng chế độ thương binh 4/4. Ý tưởng mở trung tâm từ thiện hay nói theo ngôn ngữ của má là "Ngôi nhà cho những trẻ em tật nguyền, bất hạnh" được nhen nhóm từ khi má còn là Chủ tịch UBND phường 23, nay là phường 10, quận Tân Bình, (TP.HCM).

Má kể: "Về hưu xong là má bán luôn cơ ngơi ở quận Tân Bình, về Củ Chi xây dựng trung tâm Thiện Duyên trên mảnh đất của dòng tộc. Thân thích, họ hàng cũng chẳng còn ai, nên má coi mấy đứa nhỏ ở đây như là máu mủ của mình. Tội nghiệp, sinh ra đã tật nguyền, lại còn bị bỏ rơi lăn lóc, may có người lượm được thì sống sót, còn không may do đói khát mà mất đi... Chỉ nghĩ đến đó thôi là má cầm lòng không đặng (được)".

Chị Lê Thị Lệ Thu, một người khách đến thăm trung tâm Thiện Duyên, vui vẻ kể về má Mười: "Mười mấy năm trước, bả có mấy sở nhà ở Tân Bình, tự nhiên bán hết lên đây mở trung tâm từ thiện, ai cũng nói bả chắc bị bom đạn gì đó nên đầu óc không được bình thường!". Nói xong chị nghiêng đầu cười sảng khoái.

Xót xa những mảnh đời bất hạnh

Ngồi nghe má Mười kể chuyện, tôi không khỏi phân tâm bởi những tiếng la hét, gào rú, khóc cười, ... vô cùng hỗn loạn ở phía sau nhà. Thấy tôi chú ý, má Mười cười: "Mấy đứa ở đây đa phần bị dị tật bẩm sinh, trí tuệ, sức khỏe đều không bình thường. La như vậy suốt ngày đó. Có hôm đang ngủ, một đứa thức dậy hét lên, vậy là mấy đứa giật mình cùng dậy, la hét cả đêm!".

Pháp luật - Người thương binh bán nhà làm từ thiện (Hình 2).

Pháp luật - Người thương binh bán nhà làm từ thiện (Hình 3).

Các sản phẩm thủ công tinh xảo do chính tay các em khuyết tật làm ra

Nói rồi má Mười đưa tôi đi thăm các em. Vừa đi, má vừa kể về những hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Dừng lại trước giường của một em bé bụng hơi to, nhưng lại còi cọc (má Mười đặt tên cho em là Trần Cao Thiện), má kể: "Thiện bị bỏ rơi vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, được trung tâm mang về nuôi dưỡng".

Lúc mới nhận về, người trong trung tâm phát hiện Thiện có một khối u thịt lạ bên hông phải. Nghĩ đó chỉ là cái rốn bị lệch nên trung tâm vẫn chăm sóc Thiện như bao em khác ở đây. Thế nhưng, Thiện ăn rất nhiều nhưng không hề "cho ra". Và một điều kì lạ nữa là nơi "cái rốn lệch" lại chảy ra thứ nước có mùi như phân em bé. Kiểm tra kỹ hơn nữa thì trung tâm phát hiện ra một điều hết sức đau lòng... Thiện không hề có hậu môn. Mang chứng bại não bẩm sinh, vốn dĩ Thiện đã vô cùng bất hạnh, nhưng giờ em còn bất hạnh hơn gấp nhiều lần. Nhìn em, tôi chỉ biết thán phục ý chí sống còn vô cùng mạnh mẽ của một sinh mạng non nớt.

Chị Duyên, năm nay đã 40 tuổi nhưng nhìn vẫn như trẻ thơ. Cơ thể không phát triển được nhưng Duyên vẫn dậy thì như những cô gái khác. Những lúc "tới kì", Duyên hoàn toàn không ý thức được, các cô ở trung tâm băng vào thì chị lại tháo ra, vứt lung tung. Lâu dần, các cô chỉ còn cách chăm sóc Duyên từng giờ từng phút mỗi khi chị "tới ngày". Rồi những đau đớn, rên la, vật vã... Mỗi người mỗi chứng bệnh, mỗi đặc điểm nhưng má Mười đều nhớ hết và các cô ở trung tâm cũng nhớ rất rõ để chăm sóc từng em cho phù hợp.

Má Mười tiếp tục kể về em Lắc, suốt ngày đầu cứ lắc lư liên tục, em Minh Duyên thích cắn xé mọi thứ em cầm được, bé Kim Chi bị bệnh chân rút đến ngực, đến giờ chỉ cao có 5 tấc,... rồi có em bị bỏ rơi, kiến ăn gần hết mắt, mang về được mấy ngày thì ra đi...

Hơn 100 người được nuôi dưỡng tại Thiện Duyên mồ côi có, bị bỏ rơi có và được gửi để nuôi cũng có. Các em cứ sống, không biết gì đến cuộc đời bên ngoài. Nhưng sống ở đây, ít ra các em không phải vất vưởng, bơ vơ, ngơ ngác giữa cuộc đời.

Nương tựa vào nhau để sống

Kể về những ngày đầu thành lập, lúc ấy với đồng lương hưu ít ỏi, má Mười nghĩ rằng mình chỉ có thể nuôi 10 đứa trẻ là cùng. Nhưng rồi, trẻ bị bỏ rơi ngày càng nhiều, có người gõ cửa rồi đặt con ở đấy mà bỏ chạy. Khó khăn đến cùng cực nhưng nhìn những hình hài dị tật, những mảnh đời không tròn vẹn, má Mười lại không thể cầm lòng. Và cứ như thế, lượng trẻ bây giờ tại trung tâm đã lên đến 120 em.

"Trước khi người giúp mình, thì mình phải tự giúp mình cái đã!", má Mười vừa nói vừa đưa tôi đến nơi làm việc của các em. Tại Thiện Duyên, ngoại trừ những em quá nhỏ, và thần trí có nhiều hỗn loạn ra thì tất cả các em cùng những "bà má" ở đây đều phải tự làm đủ thứ để kiếm thêm thu nhập nhằm duy trì hoạt động của trung tâm. Những sản phẩm kết hạt, kết cườm thủ công khéo léo và tinh xảo đến mức tôi không thể tin là do chính bàn tay run rẩy, yếu ớt của các em làm ra. Ở đây còn có thêm muối tôm, muối ớt, nấm bào ngư, mứt ... đủ loại.

Trung tâm Bảo dưỡng & Hướng nghiệp trẻ cô nhi khuyết tật Thiện Duyên nằm trên đường Nguyễn Thị Nê, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Trung tâm được thành lập vào năm 2002, do bà Trần Thị Cẩm Giang là cán bộ hưu trí, thương binh 4/4 làm chủ nhiệm. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 120 người bị dị tật bẩm sinh, mắc các bệnh về da, thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc da cam, trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa.

Nghe kể, má Mười còn nợ một số tiền khá lớn vì chi phí cho trung tâm. Khi tôi hỏi thăm, má cười hiền hòa: "Nợ thì từ từ trả cũng hết thôi. Người ta thấy mình làm từ thiện đã không hẹp hòi mà còn cho trả góp, nên má tự lo được!".

Ở đây, bất cứ ai cho cọng rau, bát gạo má Mười đều rất trân trọng. Thấy các em ốm đau liên tục, má xoay mọi cách dựng nên một căn phòng nho nhỏ, rồi kiếm tiền mua một số dụng cụ đơn giản gọi là tập vật lý trị liệu cho các em. Những y bác sĩ hảo tâm xung quanh cũng thay phiên nhau đến thăm khám từ thiện mỗi tuần, mỗi tháng một lần. Rồi má Mười lại tiếp tục mở lớp học, các em tuy ê a chẳng biết gì nhưng vẫn ngồi rất ngay ngắn nghe cô giáo kể chuyện, viết bài...

Tạm biệt Thiện Duyên ra về, có em cứ ôm chặt cứng người tôi không buông, có em không hiểu vì sao lại rưng rưng nước mắt, thấy bạn khóc, mấy đứa xung quanh cũng ôm mặt khóc theo... Má Mười cười phúc hậu, nhẹ nhàng dỗ đứa này, "gỡ" đứa khác ra khỏi người tôi. Mắt má đã kém dần, tay chân cũng đã yếu nhưng ở người nữ thương binh kiên cường ấy sự nhân hậu, tình yêu thương con người tha thiết luôn toát ra ở từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười.

Tiễn tôi ra trước cửa, má đặt tay lên vai tôi, không ngăn khỏi xúc động: "Giờ tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng lo đủ cái ăn cái mặc cho mấy đứa cũng là quá mừng, má chỉ ngại, sau này má mất đi...". Tôi bỗng giật mình, "bà tiên" ấy đã qua khỏi tuổi 70, cũng gần hết một kiếp người. Bên trong, tiếng la hét, gào rú, khóc cười lại vang vang không ngớt, bên ngoài, nắng chiều bừng lên gay gắt, hanh hao...

Ngọc Giàu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.