Chiến tranh đã cướp đi của ông chiếc chân bên trái nhưng với phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ", người thương binh ấy đã biết cách vượt lên số phận. Không những tự mình nuôi năm đứa con khôn lớn mà ông còn kịp "trang bị" thêm cho mình những bộ huy chương môn bóng bàn. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là ông Hà Quý Phiến (SN 1940, trú tại thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh).
Ông Phiến cùng với những chiếc huy chương mà ông giành được
Tự tay cưa chân mình
Năm nay đã 70 tuổi nhưng ông Phiến vẫn tinh tường và khỏe mạnh. Cùng với chiếc nạng bên mình, ông thoăn thoắt làm những công việc gia đình một cách ngon lành. Ông Phiến cho biết, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đến 5h chiều ông lại đạp xe đi tập bóng bàn và đến 7h tối mới về.
Được biết, ông Phiến là thương binh hạng 2/4. Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường tòng quân đánh giặc. Sau 6 tháng huấn luyện, ông Phiến được phân công về Đại đội 75, Binh trạm Bắc Tây Nguyên làm nhiệm vụ bảo vệ đường Trường Sơn. Việc ông bị mất chân trái là hậu quả của trận càn quét của địch vào năm 1972.
OÔng Phiến kể lại: Hôm ấy, tiểu đội của tôi chỉ có ba người ở lại trực chiến. Số còn lại đi giúp các tiểu đội khác san lấp hố bom. Một đại đội pháo của địch bất ngờ đổ bộ xuống. Chỉ có ba anh em chúng tôi cầm cự với địch. Khoảng nửa giờ sau đó, chúng tôi mới được một tiểu đội khác sang hỗ trợ. Giữa lúc đó, một mảnh pháo 223 rơi xuống chém đứt một thân cây to cách vị trí tôi đứng chưa đầy 2m. Nó đã trúng vào chân tôi. Toàn bộ phần xương chân trái bị gãy vụn. Chân tôi mềm nhũn không thể băng bó được. Nhìn xung quanh không thấy ai, tôi gắng gượng hết sức lôi toàn bộ số thuốc dự trữ có trong người ra uống mà không cần biết đó là thuốc gì.
Sau đó, tôi lê người, kê chân lên một thân cây, dùng dao găm tự tay cắt đứt phần chân bị gãy. Mặc dù quằn quại trong cơn đau nhưng tôi vẫn băng bó và nằm chờ đồng đội đến đưa đi. Khi bị thương nằm ở phòng tiểu phẫu, những đồng đội đã tình nguyện hiến máu để cứu ông Phiến.
Ông Phiến tâm sự, tuy tôi đã cụt một chân, trên người còn mang theo tám mảnh đạn nhưng sống sót trở về quê lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. "Những đồng đội của tôi có người nằm lại nơi chiến trường, có người đã trở về lập gia đình. Chính vì thế, bản thân tôi luôn tâm niệm "sống hết mình vì Tổ quốc, sống cho cả phần đồng đội nữa", ông Phiến chia sẻ.
Một chân nuôi sống năm người con
Một ngày tháng 12/1972, người thương binh Hà Quý Phiến trở về quê hương sau 17 ngày nằm ở trạm tiểu phẫu. Duyên số đã đưa ông gặp cô giáo đẹp người, đẹp nết tên Trần Thị Đông. Hai người vốn học cùng trường phổ thông. Thế rồi, năm 1973, anh thương binh và cô giáo trẻ nên vợ nên chồng.
Ông Phiến tâm sự: "Lúc đầu, tôi và bà ấy (bà Đông - PV) gặp nhau cũng chỉ nói chuyện như những người bạn thông thường. Do cùng xã nên chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Khi đó, bà ấy làm giáo viên dạy tiểu học. Có nghề nghiệp ổn định lại là con nhà gia giáo, nề nếp nên bà Đông cũng có không ít người theo đuổi. Nhưng trong những câu chuyện hàng ngày, tôi biết được bà ấy chưa có ai trong lòng. Thấy thế tôi mạnh dạn tỏ tình". Sau này, chính người thương binh này cũng chẳng hiểu vì sao ngày đó vợ mình lại đồng ý nhận lời cầu hôn. Điều đó làm cho chính ông cũng phải bất ngờ trong niềm hạnh phúc.
Thế rồi, năm người con lần lượt ra đời. Cùng với thời gian đó, xương chân trái cứ chồi ra. Ông Phiến phải làm phẫu thuật, cưa đi cưa lại đến lần thứ năm mới chấm dứt hoàn toàn. Những năm tháng tiếp theo, gia đình ông luôn bị cái đói, nghèo bủa vây.
Người thương binh già ngậm ngùi cho biết: "Tôi nghĩ rằng, mình thật may mắn khi không phải bỏ mạng nơi chiến trường. Hơn nữa, sống trong bom đạn còn không chết huống chi chịu chết dưới cái đói, cái nghèo…". Với suy nghĩ ấy, ông Phiến cùng chiếc nạng đã "hành quân" đi muôn nẻo, làm đủ nghề để mưu sinh. Ngày ấy, người dân trong vùng thường thấy một thương binh chống nạng, mang theo cuốc, xẻng đi hết làng này sang làng khác, đánh gốc cây lấy gỗ để đem đổi lấy gạch, ngói về xây cất lại căn nhà tranh dột nát. Hết đánh gốc cây lại đánh dậm, bắt tép… Bao nhiêu công việc đồng áng, ruộng vườn nặng nhọc đều một tay ông Phiến chăm lo, gánh vác.
Trong những nghề mà người thương binh già đã kinh qua, ông Phiến ấn tượng nhất với việc thồ xe hoa quả từ những năm 80 của thế kỷ trước. Có lẽ, đó là nghề mà ông cảm thấy khó khăn và vất vả nhất. Với người bình thường, việc đẩy một cái xe thồ đi hàng chục km đã rất kinh khủng, nhưng với người chỉ còn một chân, đó là điều không tưởng.
Ông Phiến nhớ lại, những ngày đó, ông phải dậy từ 4h sáng để ra các bến phà quanh con sông Đuống lấy hàng. Các lái buôn lành lặn nhanh chân đi trước, một mình ông Phiến cứ chậm chạp đi sau. Tuy nhiên, sau khi lấy hàng, ai đấy đều ngạc nhiên vì ông chở gấp đôi số hàng mà người bình thường phải vật vã mới đèo được.
Sau những năm tháng gian khó, cuối cùng cái nghèo cũng phải chịu khuất phục dưới ý chí và nghị lực của người thương binh già. Thay vào căn nhà dột nát trước kia bây giờ đã là hai căn nhà (một làm bằng gỗ, một xây hai tầng) khang trang. Không những thế, ông Phiến còn khoe: "Con cái tôi bây giờ cũng đều trưởng thành, lập gia đình và có việc làm ổn định. Nhờ thế mà tôi có thời gian yên tâm theo đuổi điều mình thích đó là chơi bóng bàn…".
Con người của những huy chương
Ông Phiến bắt đầu đến với môn bóng bàn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ông tự mình sắm vợt rồi đóng bàn đánh bóng. Lúc đầu ông tập theo phong trào, tập để giữ gìn sức khỏe. Hàng ngày, cứ rảnh rỗi là ông lại đạp xe hàng chục cây số để đi tập. Ban đầu tập chơi bóng bàn đối với ông cũng vất vả lắm. Đã có lúc ông cất vợt vì nghĩ, mình không thể làm được.
Vết thương trong người thỉnh thoảng lại "thức dậy", hành hạ cơ thể ông. Có lúc đang tập bên bàn bóng ông ngã vật ra đất, lăn lộn vì cơn đau chợt đến. Những lúc ấy, ông phải nằm ở nhà mấy ngày để dưỡng thương. Thương vợ, nhiều lần ông đã định từ bỏ đam mê. Tuy nhiên, không đi chơi bóng, ông cảm thấy trong người bứt rứt, đứng ngồi không yên. Trong giây phút ấy, bà Đông luôn bên cạnh ủng hộ, động viên chồng tiếp tục tập luyện chơi bóng.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Dũng, (cùng thôn với ông Phiến) nhận xét về bạn mình: "Ông Phiến tuy là người tàn tật nhưng có năng khiếu trong môn bóng bàn. Bình thường tập tễnh là thế nhưng khi đứng trong cuộc chơi bóng bàn bạn tôi trở nên linh hoạt lạ thường. Từng bước di chuyển của ông cùng với chiếc nạng gỗ cứ nhanh thoăn thoắt… khó ai mà theo kịp".
Năm 2003, hơn 10 năm, kể từ khi ông Phiến bắt đầu làm quen với môn bóng bàn, kỳ Para Games 2 (Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á) do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội. Ông Phiến kể, lần đó, nghe tin Việt Nam được đăng cai tổ chức Para Games, ông đã khăn gói lên Hà Nội để tìm hiểu và đăng ký dự thi. Khó khăn mãi ông mới được ghi tên tham dự. Và lần đó dù không được tập luyện như các vận động viên khác, ông cũng giành được một chiếc huy chương Bạc. Từ đó, ông Phiến trở nên nổi tiếng.
Khi tôi có mặt tại nhà ông Phiến, cũng là lúc ông chuẩn bị lên đường tham dự giải bóng bàn cho người khuyết tật khu vực sông Hồng được tổ chức tại Hà Nội. Ông Phiến cùng người vợ đang tất bật chuẩn bị hành lý để chuẩn bị cho ngày mai lên đường "chinh chiến", mỗi người mỗi việc như đã được "lập trình" sẵn. Có lẽ họ đã quá quen với những việc như thế này.
Bỏ tiền túi đi thi đấu bóng bàn Chiếc huy chương Bạc như càng thôi thúc ý chí, giúp ông Phiến luyện tập hăng say hơn. Ông không bỏ một cuộc thi nào ở trong nước dành cho người khuyết tật. Khi tham gia giải, ông thường xuyên vắng nhà. Đặc biệt có giải tổ chức ở trong Nam, ông phải xa nhà cả tháng. Những lần đi thi đó, người vợ của ông - bà Trần Thị Đông luôn sát cánh bên chồng. Chi phí tham dự giải đều do ông tự bỏ tiền túi ra. Đến nay ông đang sở hữu một bộ sưu tập huy chương với vài chục chiếc, gồm đủ loại Vàng, Bạc, Đồng. Thành công đó không chỉ ghi nhận sức mạnh, nghị lực của người lính thương binh mà còn là kết quả của một niềm đam mê thể thao mãnh liệt. |
Trung Tuyến