Và, ông trở thành “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.
Thắng không kiêu, bại không nản
Sinh sống trên vùng đất Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đầy nắng, ông Cường hiểu được cái khó của người nông dân, nên luôn tìm tòi hướng đi mới để phát triển kinh tế của gia đình và người dân địa phương. Nhưng để có được kết quả của ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu đầy gian khó của người thương binh này.
Ông Cường cho biết, tháng 2/1979, ông đi bộ đội và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1981, khi chiến đấu tại khu C, ông bị thương và đến cuối năm 1983, ông được giải quyết chế độ phục viên với mức độ thương binh hạng 4/4.
“Khi trở về địa phương, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên tôi phải đi tứ xứ để mưu sinh. Bôn ba nhiều năm, trải qua nhiều vất vả mà cuộc sống cũng không khá hơn nên đến năm 1990, tôi trở về khai hoang đất đai để sản xuất nông nghiệp, quyết tâm làm giàu từ mảnh đất quê hương”, ông Cường nói.
Nhớ về những ngày đầu lập nghiệp, ông Cường chia sẻ, năm 1986 khi có gia đình riêng, ba mẹ cho vợ chồng ông một thùng phuy đường để có vốn làm ăn. Ông bán đường lấy được 5 phân vàng thời điểm đó để trang trải cuộc sống. Trong tay không có đất đai, ông phải đi làm thuê làm mướn, sau đó vợ chồng ông quyết tâm vỡ hoang đất để sản xuất. Những ngày đầu, gia đình ông khai hoang được 5ha đất và trồng cây lương thực như bắp, đậu, mè…
Đến năm 1997, thời kỳ hoàng kim của cây mía đường, ông Cường mạnh dạn chuyển hướng sang trồng mía và từ đây “thay đổi vận mệnh” cuộc đời ông. Nhờ tham gia học tập từ các lớp tập huấn do nhà máy đường tổ chức và chịu khó tìm tòi, học hỏi, đưa các giống mía mới phù hợp với thổ nhưỡng vào canh tác mà năng suất mía của gia đình ông sản xuất luôn đạt ở mức cao. Bên cạnh đó, ông còn sản xuất mía giống, bán lại cho nông dân trong Tx.Ninh Hòa. Chính nhờ cây mía, gia đình ông ăn nên làm ra và xây dựng được ngôi nhà đang ở hiện nay.
“Năm 1998, tôi trúng mía giống với khoảng 80 triệu đồng (tương đương 16 cây vàng vào thời điểm đó), tôi có tiền xây nhà và lo cho 4 con ăn học. Từ 2 ha mía ban đầu, tôi nâng dần diện tích và mua thêm đất để đầu tư phát triển cây mía. Thời điểm cao nhất, tôi có 50 ha đất trồng mía, mỗi năm thu về 2.500 tấn mía/vụ (năng suất 50 tấn/ha) với thu nhập khoảng 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận đến 1 tỷ đồng”, ông Cường kể về những ngày đầu thành công với cây mía.
Đến năm 2015, giá mía đi xuống cộng với thiên tai, hạn hán, cây mía không còn giá trị kinh tế cao, ông tiếp tục tìm hiểu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khắc nghiệt ở địa phương. Và, trồng dâu nuôi tằm là một lựa chọn thích hợp cho vùng đất Ninh Thượng vào thời điểm năm 2017. Để làm được, ông đã học tập và nhận chuyển giao công nghệ nuôi tằm từ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm Trung ương.
Là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi dâu tằm, ông vận động được 20 hộ thành viên chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm. Tằm giống được Tổ hợp tác bán cho các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Phú Yên tạo nguồn thu nhập lớn cho hội viên. Thế nhưng, hiệu quả kinh tế chỉ được một thời gian ngắn, đến năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tằm thương phẩm xuất khẩu đình trệ, giá cả xuống thấp kỷ lục, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm cũng giải thể từ đó.
Đất cằn phải trả vàng
Trăn trở với cây trồng cho kinh tế cao, năm 2021, ông Cường tiếp tục chuyển đổi 13ha đất sản xuất sang trồng cây ăn quả. “Trong vườn xoài, tôi trồng xen kẽ 3.000 gốc ổi để “lấy ngắn nuôi dài”. Ổi trong vườn cho thu hoạch 15 tấn/vụ, mỗi năm 2 vụ với tổng thu nhập 300 triệu đồng/năm, lãi khoảng 200 triệu đồng”, ông Cường nói. Cũng trong thời gian này, ông đầu tư 2 tỷ đồng để làm điện năng lượng mặt trời. Đến nay, ngoài điện tiêu dùng cho gia đình, mỗi năm ông còn thu về từ 390-395 triệu đồng/năm từ việc bán điện.
Không chỉ hoạch định kế hoạch sản xuất cho mình, ông còn thuyết phục, động viên mọi người cùng thành lập và tham gia hợp tác xã để phát triển kinh tế tập thể. Từ đó, thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Tháng 1/2022, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ và cây ăn quả Ninh Thượng được thành lập gồm 10 thành viên với 72ha. Trong đó, hơn 50ha xoài, còn lại là diện tích mít, mãng cầu… Hiện nay, đang tiếp tục kết nạp thêm các xã viên. Riêng bản thân ông được tín nhiệm bầu làm Giám đốc hợp tác xã.
Ngoài sản xuất, ông còn tự nguyện hiến đất nông nghiệp để mở rộng đường, động viên người thân và gia đình tham gia bảo dưỡng đường, đóng góp ngày công lao động… Trong quá trình sản xuất, gia đình ông tạo việc làm cho các lao động tại địa phương, với mức lương từ 6 triệu đồng/người trở lên.
Theo ông Nguyễn Công Tính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Tx.Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), trong những năm qua, ông Cường là một hội viên nông dân tích cực, xuất sắc; thực hiện tốt các chỉ tiêu, phong trào của hội nông dân tại địa phương. Bản thân ông Cường là người rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, mô hình ở những nơi khác rồi về thực hiện và hướng dẫn bà con nông dân cùng làm.
“Ông Cường luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt là trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. Ông không chỉ chia sẻ, hướng dẫn bà con về kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc cây trồng mà còn tạo điều kiện, giúp nông dân vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ trồng mía, đến trồng dâu nuôi tằm và hiện nay là trồng cây ăn quả, ông Cường luôn giúp đỡ và vận động các hội viên khác cùng tham gia để phát triển kinh tế”, ông Tính cho biết.
Châu Tường