Với ông Lứ, cả thanh xuân gắn liền với bom đạn, hết mình vì tổ quốc. Ở tuổi xế chiều ông vẫn miệt mài lao động, hiến hàng trăm m2 đất làm đường giao thông, trở thành tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên quê hương Hà Tĩnh.
Đó là câu chuyện tấm gương sáng về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Xuân Lứ (SN 1942), trú tại xóm 7, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông chính là người đội trưởng duy nhất còn sống sót trong tổ đội rà phá bom mìn, gồm 15 người, nơi tuyến lửa Ngã Ba Đồng Lộc huyền thoại năm xưa. Cả cuộc đời, người thương binh ấy luôn lấy tấm gương đạo đức của Bác Hồ làm kim chỉ nam trong suốt quá trình phấn đấu, trở thành tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Người chiến binh quả cảm
Một ngày đầu tháng 7, khi cận kề dịp kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2023), chúng tôi có dịp tìm về gia đình ông Nguyễn Xuân Lứ tại xóm 7, xã Hồng Lộc. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ được nghe ông kể về những quá khứ hào hùng trong chiến tranh và những chiến công hiển hách, đầy phi thường của người người cựu chiến binh năm xưa. Đã 55 năm trôi qua, ký ức về chiến tranh, về những trận đánh ác liệt, những lần đối mặt với tử thần vẫn còn in đậm trong hồi ức của người lính già.
Cũng như bao chàng trai khác, đến tuổi trưởng thành Nguyễn Xuân Lứ đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Năm 22 tuổi, ông được tham gia vào đội rà phá bom mìn thuộc đoàn giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải vượt qua ngã ba Đồng Lộc. Nếu xe cộ vượt qua được đoạn đường này sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau để vào nam.
Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược nên trong chiến tranh phá hoại kẻ địch âm mưu ném bom huỷ diệt nhằm chặn đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Nhanh trí và dũng cảm, từ năm 1964 đến năm 1969, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Lứ được cấp trên tin tưởng, giao giữ chức vụ Đội trưởng Đội Rà phá bom mìn thuộc Phòng Giao thông huyện Can Lộc.
“Đội rà phá bom mìn chúng tôi có 15 đồng chí, tôi được giao làm đội trưởng và nữ anh hùng La Thị Tám làm đội phó. Không chỉ làm nhiệm vụ rà phá bom mìn mà lúc đó chúng tôi còn phải làm hoa tiêu để cho các loại xe qua lại lại mỗi khi quân địch ném bom. Chúng tôi còn làm việc chung với Anh hùng liệt sĩ Vương Đình Nhỏ, anh hùng Uông Xuân Lý…”, ông Nguyễn Xuân Lứ kể lại.
Trong thời gian đảm đương nhiệm vụ và làm đội trưởng đội rà phá bom mìn, hàng loạt các trận đánh trên địa bàn huyện Can Lộc ông đều có mặt và tham gia giải quyết hậu quả. Sau từng trận đánh, ông và đồng đội đều đảm bảo tuyến đường giao thông huyết mạch cho từng đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trải qua biết bao trận mưa bom bão đạn, nhưng ông vẫn là người gan lỳ và cũng là người “cao số” khi đã chín lần thoát khỏi tử thần. Cứ mỗi lần cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ, lần nào cũng chỉ còn mình ông sống sót trở về. Với 9 lần bị thương, trong đó có 4 lần đồng đội phải tổ chức làm lễ truy điệu sống cho Nguyễn Xuân Lứ vì khi làm những nhiệm vụ nguy hiểm thì rất khó sống sót trở về.
Tấm gương sáng phong trào xây dựng NTM
Chiến cuộc đã rời xa nhưng cứ mỗi độ tháng 7 về ông lại có dịp đến Đồng Lộc thắp nén hương cho các đồng đội đã ngã xuống ở mảnh đất huyền thoại. Trong thời gian làm đội trưởng rà phá bom mìn, tại đoạn đường huyết mạch Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Xuân Lứ đã gặp không ít hiểm nguy.
Có những lần tưởng không còn sống sót trở về, nhưng rồi ông lại cùng đồng đội can đảm đứng dậy để tiếp tục rà phá những quả bom nổ chậm. Ông luôn tâm niệm lấy tấm gương đạo đức của Bác Hồ làm kim chỉ nam trong suốt quá trình phấn đấu.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Lứ trở về công tác tại phòng giao thông huyện Can Lộc. Trong quá trình công tác tại đây, Nguyễn Xuân Lứ đã vinh dự nhận được rất nhiều thành tích như: Danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, huân chương chiến công hạng nhì, ba, bằng khen Trung ương Đoàn thanh niên, bằng khen Chính phủ.
Khi trở về đời thường, ông Nguyễn Xuân Lứ vẫn giữ những phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Giờ đây khi bước sang tuổi xế chiều, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nhưng ông và người vợ Phan Thị Hảo (SN 1949) vẫn miệt mài cống hiến cho đất nước. Tuy đã về hưu nhưng hai vợ chồng ông vẫn liên tục tham gia các chức vụ quan trọng trong thôn, xã.
Không chỉ là người cựu binh gương mẫu, tận tụy với công việc, ông Lứ còn là tấm gương điển hình về học tập và làm theo Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gần gũi với nhân dân.
Đặc biệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, năm 2022 ông là người tiên phong hiến gần 200m2 đất ở để xây dựng công trình giao thông nông thôn. Khi xây dựng NTM còn khá mới mẻ trong nhận thức người dân và công việc thầm lặng của ông đã tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động của bà con. Ông Lứ đã đi đến từng hộ dân để vận động mọi người cùng hiến đất làm đường. Những con đường mới được mở ra, không chỉ giúp cho việc đi lại thuận lợi, xanh sạch đẹp, mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Trong quá trình địa phương xây dựng NTM, ông Nguyễn Xuân Lứ cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tham mưu với các cấp chính quyền, đồng thời, ủng hộ tiền, vật tư giúp địa phương xây dựng NTM.
"Với bản lĩnh chính trị, bề dày kinh nghiệm hoạt động trong môi trường quân đội, ông Nguyễn Xuân Lứ còn là người thầy, điểm tựa cho nhân dân, nhất là lớp trẻ. Ông là tấm gương sáng trong phong trào hiến đất, xây dựng NTM ở địa phương”, ông Cù Huy Tuyết, trưởng thông 7, xã Hồng Lộc chia sẻ.
Giờ đây, ngôi nhà của vợ chồng ông Lứ là điểm đến, là nơi chia sẻ niềm vui, những băn khoăn, vướng mắc, để bà con tháo gỡ khó khăn, phấn đấu để trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trao đổi với PV, ông Lê Viết Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: “Nguyễn Xuân Lứ là cựu chiến binh có nhiều cống hiến trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2015, ông Lứ đã được nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND. Sau khi về hưu, hai vợ chồng ông liên tục tham gia các chức vụ quan trọng trong thôn, xã. Đặc biệt, ông đã hiến gần 200m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời ông là người tiên phong vận động nhân dân cùng hiến đất, trở thành tấm gương sáng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Thiện Quyền – Trung Hiếu