Người mở lối
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, Ba Vì được biết đến như một viên ngọc quý của du lịch thủ đô với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, kết hợp giữa núi rừng, sông suối và những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, Dao.
Từ lâu, Ba Vì đã nổi danh với những khu du lịch sinh thái như Ao Vua, Khoang Xanh hay Thiên Sơn – Suối Ngà là điểm đến lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự thư thái giữa lòng thiên nhiên.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, di sản hay khám phá thiên nhiên, TS. Ngô Kiều Oanh – nhà khoa học gắn bó với nền nông nghiệp hữu cơ và loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn (NNNT) đã có ý tưởng táo bạo về một mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn chuẩn mực đầu tiên cho quốc gia.
Ý tưởng của bà là hình thành một vùng du lịch dựa trên nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gắn liền với các làng nghề sinh thái và cảnh quan thiên nhiên. Để hiện thực hóa giấc mơ này, bà đã chọn vùng phụ cận chân núi Ba Vì – nơi có nhiều làng nghề nông nghiệp truyền thống lâu đời.
Và chính bà đã hiện thực hóa giấc mơ này qua mô hình Trang trại du lịch đồng quê Ba Vì (Bavi HomeStead) - nơi không chỉ mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách mà còn gợi mở hướng đi bền vững cho du lịch Việt Nam.
Trang trại du lịch đồng quê Ba Vì mang đến cho du khách một không gian yên bình, trong trẻo, thoát khỏi sự ồn ào, khói bụi của phố thị. Cảnh quan của trang trại được giữ gìn nguyên vẹn với rừng trúc và nhiều cây đại thụ nhiệt đới hàng trăm năm tuổi.
Khách đến đây không chỉ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên trong lành mà còn tận hưởng không gian kiến trúc đậm chất nông thôn Việt Nam. Những ngôi nhà gỗ cổ, nhà sàn hay khu nhà mới xây hiện đại với trang thiết bị đạt chuẩn đều mang đến cho du khách cảm giác vừa gần gũi, vừa tiện nghi.
TS. Oanh chia sẻ: “Tôi xây dựng mô hình Trang trại Đồng Quê Ba Vì với triết lý dựa trên mối giao hòa giữa tự nhiên, văn hóa và con người ở đô thị với nông thôn, thông qua hoạt động lưu trú, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, cùng lúc trải nghiệm đời sống đồng quê, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuối cùng là được thưởng thức các đặc sản tươi sạch của vùng đất này”.
Không chỉ là nơi nghỉ dưỡng đơn thuần, trang trại này còn là cầu nối giữa du khách với cộng đồng địa phương. TS. Oanh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết trang trại với các làng nghề truyền thống, sản xuất nông sản xanh, sạch và an toàn.
"Trang trại gắn kết chặt chẽ với cộng đồng nông dân xung quanh để không những có các thông tin thật sự hấp dẫn du khách mà còn trở thành đơn vị quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của vùng", bà nói.
Những khó khăn, thách thức từ bước khởi đầu
Bắt đầu phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tại Ba Vì không hề dễ dàng. Khó khăn lớn nhất mà TS. Oanh phải đối mặt không chỉ là về cơ sở hạ tầng mà còn là nhận thức của người dân địa phương.
Hơn chục năm trước, du lịch nông nghiệp vẫn là khái niệm mới, chưa có mô hình cụ thể để mọi người tham khảo hay tin tưởng. Việc thuyết phục người dân tham gia vào các hoạt động du lịch cũng là một thách thức.
Bà chia sẻ, trang trại của mình may mắn được bao quanh bởi bốn làng nghề truyền thống có từ xa xưa. Những ngôi làng này tồn tại qua nhiều thế hệ, gắn bó chặt chẽ với nghề trồng trọt, chăn nuôi và giữ vững những giá trị văn hóa cốt lõi.
Chính nền tảng vững chắc của những làng nghề ấy đã tạo nên bản sắc riêng, không chỉ duy trì đời sống của người dân mà còn là nền móng vững chắc cho sự phát triển du lịch cộng đồng.
Bà Oanh đã khéo léo thuyết phục họ cùng tham gia, góp phần tạo nên một mô hình du lịch nông thôn đậm chất văn hóa và truyền thống, nơi mỗi người dân đều trở thành những “người dẫn chuyện” mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực và sâu sắc về văn hóa địa phương.
TS. Oanh tâm sự: “Tôi cứ ví công việc của mình như người mở lối. Những ngày đầu tôi phải kiên trì, phải dành nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm và thuyết phục các hộ dân liên kết cùng tham gia. Không phải nông hộ nào cũng sẵn lòng tham gia ngay lập tức".
Để đảm bảo sự bền vững và phát triển của hệ sinh thái này, TS. Oanh cùng các cộng sự đã dành hơn hai năm trời đi thực địa, nghiên cứu và cho ra đời bản đồ "Tuyến du lịch nông nghiệp vùng Xứ Đoài Hà Nội".
Nhưng điều đáng nói hơn cả là TS. Oanh không dừng lại ở việc phát triển trang trại của riêng mình. Bà còn mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng, không chỉ tại Ba Vì mà còn ở khắp các vùng nông thôn trên cả nước.
"Chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để thực hiện, với mong muốn từng địa phương, từng vùng liên kết và cả nước sẽ sở hữu những tuyến du lịch nông nghiệp được quy hoạch bài bản, khoa học như thế này", bà chia sẻ.
Dù đã đạt được nhiều thành công trong việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch NNNT tại Ba Vì, TS. Oanh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về sự đồng bộ trong việc triển khai mô hình này ở các địa phương khác.
Bà cho biết: “Hiện tại đã có chính sách và các văn bản pháp lý để triển khai, nhưng vẫn còn thiếu quy trình quy chuẩn rõ ràng khiến các địa phương còn lúng túng, làm việc một cách phiến diện”.
Với tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn, TS. Oanh tin rằng, để du lịch NNNT phát triển bền vững, cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả các bên liên quan, từ chính quyền địa phương đến người dân. Và quan trọng hơn cả, những người làm du lịch cần phải thực sự hiểu và yêu cái đẹp, cái giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp mà mình đang gìn giữ và phát triển.
Gắn kết văn hóa và trải nghiệm thực tế
Điều khiến Trang trại Đồng Quê Ba Vì trở nên đặc biệt chính là khả năng tạo ra những trải nghiệm gắn kết sâu sắc giữa du khách và đời sống nông thôn.
Tại đây, du khách không chỉ nghỉ ngơi trong những ngôi nhà gỗ cổ kính hay nhà sàn truyền thống, mà còn có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp như cấy lúa, bắt cá, thu hoạch rau, hay làm bánh cuốn, nuôi ong...
Những hoạt động này không chỉ mang lại sự thích thú mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về công việc vất vả của người nông dân.
“Trải nghiệm làm một người nông dân ở đây khiến tôi như được sống lại tuổi thơ. Được tự tay cấy lúa, nướng cá… tất cả đều mang lại cảm giác vui sướng, như được hòa mình vào thiên nhiên và nhớ về những kỷ niệm xưa”, ông Đăng bày tỏ.
Không những vậy, tại Ba Vì còn mang đến cho du khách cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống như ném còn, kéo co, hay tham gia vào phiên chợ quê. Những phiên chợ này tái hiện lại một cách chân thực khung cảnh mộc mạc, giản dị của làng quê xưa, giúp du khách như được quay trở lại thời quá khứ.
Ngoài những trải nghiệm nông nghiệp, Ba Vi Homested còn là nơi mà các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát triển.
Những căn nhà tranh vách đất giản dị, tái hiện cuộc sống làng quê của những thập niên trước, được trang trí bằng những vật dụng xưa cũ như cối giã gạo, nồi đất, bàn xoay làm gốm. Đây là một không gian đầy cảm xúc, nơi mà những giá trị tưởng chừng như đã bị lãng quên giữa nhịp sống hiện đại nay lại hiện hữu một cách chân thực và sống động.
Ngoài đối tượng khách hàng mục tiêu là du khách trong và ngoài nước thì du lịch giáo dục - du lịch học đường cũng là cái đích mà bà hướng tới. Hiện, trang trại của bà đã trở thành điểm đến ưa thích của hầu hết các trường quốc tế trên địa bàn Hà Nội, nơi những đứa trẻ được trải nghiệm, học hỏi kiến thức mới mẻ bổ ích từ mỗi chuyến du ngoạn.
Có mặt trong chuyến khảo sát về mô hình du lịch NNNT tại Ba Vì, ông Phùng Xuân Khánh - Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Travel chia sẻ: "Chúng tôi đã hợp tác với nhiều điểm đến du lịch nông thôn trên cả nước, nhưng đến với trang trại của TS. Ngô Kiều Oanh, chúng tôi mới thực sự hiểu rõ thế nào là du lịch nông nghiệp nông thôn đúng nghĩa".
Theo ông Khánh, điều làm nên sự khác biệt không chỉ nằm ở cảnh quan thiên nhiên mà chính là những trải nghiệm mà du khách có được – từ những câu chuyện của người dân địa phương, đến việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động nông nghiệp như cấy lúa, thu hoạch rau hay nấu ăn. Đây là cách mà du khách có thể kết nối thực sự với vùng đất và con người nơi đây.
Góp ý về mô hình này, ông Khánh cũng "hiến kế" rằng trang trại nên bổ sung thêm những bộ trang phục truyền thống của người nông dân, giúp du khách thực sự nhập vai và tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm.
"Việc hóa thân thành nông dân sẽ không chỉ giúp du khách có những kỷ niệm đáng nhớ, mà còn tạo ra những hình ảnh độc đáo, có thể sử dụng làm tư liệu quảng bá hình ảnh của trang trại, thu hút thêm nhiều khách hàng", ông Khánh nói.
Ngoài ra, ông Khánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết với các cơ sở du lịch xung quanh. Nếu lượng khách quá đông và trang trại không đủ khả năng đón tiếp thì việc kết nối với các cơ sở khác trong khu vực để hỗ trợ và chia sẻ lợi ích là điều cần thiết.
Điều này không chỉ giúp tăng sức hấp dẫn của điểm đến mà còn tạo ra một mạng lưới du lịch bền vững, đảm bảo du khách có thể đến tham quan thường xuyên, kể cả vào các ngày trong tuần.
Ở tuổi 75, TS. Ngô Kiều Oanh vẫn chưa có một ngày nghỉ ngơi. Với lòng đam mê cháy bỏng và niềm tin vào giá trị của du lịch nông nghiệp, bà đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức, tạo nên một hệ sinh thái du lịch NNNT bền vững.
Mô hình Trang trại Đồng Quê Ba Vì chính là minh chứng sống động cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bà – một người phụ nữ dám mơ lớn và quyết tâm thực hiện ước mơ ấy. Bằng sự cống hiến của mình, bà đã và đang làm cho lộ trình phát triển du lịch NNNT tại Việt Nam ngày càng tiến gần đến hiện thực.