Người tiêu dùng đang "nhắm mắt mua cái chết"

Người tiêu dùng đang "nhắm mắt mua cái chết"

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

(Nguoiduatin.vn ) Tình trạng bát nháo của thị trường thực phẩm đang khiến người dân mất phương hướng trong việc lựa chọn tiêu dùng hàng ngày. Nhiều người cho rằng, hiện nay, người tiêu dùng đang rơi vào tình cảnh "nhắm mắt mua cái chết".

"Ma trận" thực phẩm độc hại trên thị trường

Thực phẩm độc hại đã có mặt trên thị trường Việt Nam trong nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ tồn tại một cách tràn lan, đáng báo động như thời điểm này. Điều đáng báo động là tỷ lệ thực phẩm nhiễm độc được phát hiện năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cụ thể, tỷ lệ thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép là 29,4% (năm 2009), 27,67% (2010), 30% (2011). Tỷ lệ thủy, hải sản tồn dư hóa chất là 1% (năm 2009), 3,8% (năm 2010), tỷ lệ ô nhiễm sinh học với thủy hải sản là 4,5% (năm 2009), 6,7% (năm 2011).

Mới đây nhất, thông báo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản công bố vào ngày 19/10 thêm một lần nữa khiến người tiêu dùng đứng ngồi không yên. Được biết, không chỉ những thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất độc hại, ngay cả hàng hóa xuất xứ từ nội địa cũng chứa chất độc và vi khuẩn có thể gây chết người.

Xã hội - Người tiêu dùng đang 'nhắm mắt mua cái chết'

Nhóm hàng sấy khô thường xuyên bị phát hiện chứa chất bảo quản, tẩm ướp vượt quá mức cho phép. Ảnh minh họa.

Điều khiến người tiêu dùng Việt đang lo lắng khi bản báo cáo mới đây của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản công bố có nhiều hóa chất độc hại đang xuất hiện ở những mặt hàng thực phẩm thiết yếu được sử dụng hàng ngày như: Thịt bò khô, cá, măng tươi, măng khô, rau, củ, quả...

Danh sách các hóa chất, khuẩn nguy hiểm được tìm thấy có mặt những độc dược như Sudan, Histamine, lưu huỳnh, Sunfite… Nhiều mẫu kiểm định cho kết quả vượt mức vượt ngưỡng an toàn của chuẩn quốc tế. Đặc biệt, trong bản "danh sách đen" trên có nhắc tới sự tồn tại của những chủng vi khuẩn gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân như Ecoli (gây tiêu chảy dẫn tới tử vong) trong thịt bò, cá được bày bán ở chợ.

Thông tin mà báo Người đưa tin nhận được từ Cục Quản lý chất lượng nông thủy sản, kết quả kiểm tra 45 mẫu cá tại các chợ ở một số địa bàn trọng điểm mà cục lấy mẫu đi kiểm định đã phát hiện 14/45 mẫu chứa hàm lượng Histamine vượt ngưỡng cho phép. Trong đó, xuất hiện nhiều nhất ở các chợ tại TP.HCM với 10 mẫu được phát hiện là nhiễm hóa chất độc hại nói trên.

Được biết, hóa chất Histamine rất độc cho cơ thể, nồng độ thấp có thể gây ngứa ngáy, dị ứng, cao hơn có thể gây ngộ độc, thậm chí là tử vong. Ngoài ra, cơ quan này còn phát hiện đa số các mẫu cá có chứa hàm lượng Ure. Hai loại hóa chất độc hại này (Histamine và Ure) vốn tồn tại trong cá tự nhiên, hàm lượng mà cơ quan chức năng phát hiện chưa đến mức báo động.

Tuy nhiên điều đáng quan ngại là những hóa chất độc hại này có thể tăng lên khi cá để lâu ngày. Do đó nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân nên mua cá tươi, không nên mua cá được bảo quản lâu ngày. Bản báo cáo này cũng cho biết, hai loại hóa chất độc hại này được phát hiện chủ yếu trên các thu, cá ngừ, cá bạc má đang bày bán công khai ở những chợ bán lẻ.

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PT NT), qua công tác kiểm tra 40 mẫu thịt bò khô tại TP.HCM và Hà Nội đã cho ra kết quả có 20 mẫu nhiễm Ecoli (trong ngưỡng giới hạn), ba mẫu nhiễm chất tạo màu Sudan và một mẫu nhiễm khuẩn Salmonella. Tất cả các cơ sở sản xuất bò khô đều không đảm bảo yêu cầu về bao gói nhãn mác.

Mặc dù Ecoli được cho nằm trong ngưỡng giới hạn nhưng với cách thức bảo quản hiện nay người ta khó thể tin được loại vi sinh gây chết người này có thể bùng phát thành dịch bệnh bất cứ khi nào. Đặc biệt, thói quen ăn thịt bò khô của người tiêu dùng hiện nay khiến nguy cơ này có thể xảy ra trên thực tế.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện được trong bò khô có chứa hóa chất Sudan. Đây là hóa chất được dùng để nhuộm màu công nghiệp. Chất này sử dụng phổ biển trong việc tạo màu cho nhựa và các chất tổng hợp khác. Theo các chuyên gia hóa học, đây là một loại phẩm màu không tan trong nước, chỉ tan trong dầu.

Theo Cục Thú y, Việt Nam không cho dùng Sudan để chế biến thực phẩm, nhưng người sản xuất vẫn lạm dụng để nhuộm màu. Nếu dùng nhiều sản phẩm có chứa Sudan có thể tích tụ trong gan, máu, chuyển thành một loại chất độc có khả năng gây ung thư.

Được biết, đây là lần đầu tiên chất Sudan phát hiện được trong thịt bò khô. Trước đây, hóa chất độc hại này từng bị phát hiện có trong các loại mỹ phẩm như son, phấn, màu mắt, chì kẻ lông mày, trứng gà, trứng vịt, tương ớt.

Trên thế giới, những sản phẩm thực phẩm có chứa chất Sudan đều bị nghiêm cấm. Ngoài bò khô, kết quả thanh, kiểm tra còn phát hiện một mẫu măng khô chứa lưu huỳnh và Sunfite vượt ngưỡng cho phép (500 ppm). Độc tố tự nhiên Cyanite trong măng tươi cũng được phát hiện với hàm lượng cao. Ngoài ra, kiểm tra 182 mẫu hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc, phát hiện 2 mẫu lựu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.

Xã hội - Người tiêu dùng đang 'nhắm mắt mua cái chết' (Hình 2).

Ông Nguyễn Thanh Phong

Hóa chất chế tạo thuốc nổ biến thành chất bảo quản thực phẩm

Trước thực trạng, nhiều hóa chất độc hại trong thực phẩm được cơ quan chức năng tìm thấy, tuy mức độ độc hại của những hóa chất trên chưa đến mức báo động nhưng hiện nay nước ta còn thiếu những văn bản quy định chuẩn cho phép các chất này tồn tại trong thực phẩm. Lỗ hổng liên quan đến việc quản lý khiến nhiều người quan ngại nhưng nhà cung cấp thực phẩm bất chấp sức khỏe của người dân vẫn sử dụng "chất độc" tràn lan để thu lợi bất chính.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, Việt Nam hiện chưa có quy trình hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng một số hóa chất trên, đặc biệt là hóa chất độc hại như lưu huỳnh. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra quan ngại khi biết rằng, đây là chất gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Trước đây, lưu huỳnh thường được dùng trong việc chế tạo thuốc nổ, bom mìn nhưng giờ được dùng trong bảo quản thực phẩm khiến người dân hết sức lo lắng.

Trên thế giới, hóa chất độc hại này được sử dụng tương đối rộng rãi, trong đó Trung Quốc là quốc gia "hào phóng" nhất. Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật, cuối năm 2011, Trung Quốc cho phép 11 loại dược liệu được sử dụng lưu huỳnh để sấy. Mức tối đa quốc gia láng giềng chúng ta cho phép là 400ppm. Trong khi đó, ở Mỹ cũng cho phép sử dụng lưu huỳnh để sấy. Tuy nhiên, họ quy định, nếu trong sản phẩm có lưu huỳnh từ 5ppm trở lên thì phải ghi rõ trên nhãn. Hiện tại, mức độ phát hiện lưu huỳnh trên măng khô của nước ta vượt lên cả chuẩn của Trung Quốc nên không thể chủ quan trước vấn đề này.

Trong khi người dân lo lắng, băn khoăn thì cơ quan chức năng đang tỏ ra lạc quan. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho rằng, tình trạng thực phẩm bẩn do ô nhiễm của Việt Nam vẫn tồn tại nhưng so với các nước trong khu vực thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng chỉ có nguy cơ với những người không ăn chín, uống sôi như tiết canh, ăn gỏi. Nếu ăn chín, uống chín thì vi sinh sẽ bị tiêu diệt.

Người tiêu dùng rước sự nguy hiểm về nhà?

Trước thông tin xuất hiện ngày càng nhiều loại hóa chất độc hại được dùng trong thực phẩm, PV Người đưa tin có chuyến thị sát tại các khu chợ của Hà Nội. Trao đổi với chúng tôi, Chị Nguyễn Thị Hoa (Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra rất bức xúc với thực trạng thực phẩm độc hại hiện nay. Điều chị Hoa lo lắng là chị và các bà nội trợ hiện nay không biết cách nào để phát hiện thực phẩm an toàn và không an toàn. Sự lựa chọn của chị Hoa đều dựa trên kinh nghiệm về màu sắc, hình thức của thực phẩm. "Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy bối rối là hóa chất được các tiểu thương sử dụng trong thực phẩm cũng để đánh lừa giác quan của người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc chọn lựa chọn bằng mắt thường chỉ là theo kiểu ăn may. Có thể chúng tôi đang rước thần chết về nhà", chị Hoa lo lắng.

Trinh Phúc - Phạm Hạnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.