Chiều 31/10, báo Hà Nội Mới tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam”. Tham gia cuộc tọa đàm có lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Sở Công thương, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố và các doanh nghiệp như: BigC Thăng Long, Hapro, Ladoda, khóa Việt Tiệp…
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu tập trung đóng góp cho ý kiến vào 3 nội dung: Đánh giá những kết quả đạt được; làm rõ những hạn chế, khó khăn và bất cập qua 7 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục và định hướng cho thời gian tới.
Các đại biểu tham dự tọa đàm nhất trí cho rằng: Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa cuộc vận động và thanh đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu.
Hiện tại và trong những năm sắp tới, đất nước sẽ hội nhập sâu sắc và toàn diện hơn với cộng đồng thế giới; đặc biệt là khi Việt Nam bắt đầu thực thi các hiệp định thương mại tự do với các nước đối tác hàng đầu thế giới sẽ kéo theo nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi Cuộc vận động và những chủ thể tham gia phải có sự điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với xu thế phát triển mới, giữ vững được thương hiệu, thị trường và khách hàng cho hàng Việt Nam trước sự tấn công của hàng ngoại nhập.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, công tác tuyên truyền tới người tiêu dùng rất được Ban chỉ đạo cuộc vận động coi trọng. Trong các hình thức tuyên truyền, các thành viên Ban chỉ đạo đã tổ chức được rất nhiều chương trình phong phú, trực quan, họ mở các chuyên trang, chuyên mục trên các trang tin của mình để người dân hiểu rõ hơn về cuộc vận động này.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Một trong những hoạt động của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là đề án phát triển thị trường trong nước gắn với người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, các KCN, KCX.
UBND thành phố tổ chức Tuần hàng Việt, Phiên chợ Việt, đưa những chuyến hàng Việt phục vụ nhân dân dịp lễ, Tết. 10 tháng năm 2016, Sở đã tổ chức 3 Tuần hàng Việt, 280 chuyến hàng lưu động về vùng nông thôn và khu công nghiệp, khu chế xuất.
Từ nay đến cuối năm, Sở xác định sẽ có hơn 500 chuyến hàng lưu động, chủ lực là Hapro về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất... Sở cũng phối hợp Liên đoàn Lao động Hà Nội tổ chức khai mạc Hội chợ hàng Việt tại khu công nghiệp cho công nhân vào tối 4/11. Về chương trình phục vụ Tết nguyên đán, Sở sẽ tổ chức bán hàng phục vụ người dân ngoại thành; phục vụ công nhân giỏ quà Tết với những mặt hàng thiết yếu trước khi Tết đến.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho biết, những năm qua, Hiệp hội đã chủ động cung cấp nội dung liên quan đến cuộc vận động; đồng thời đưa các doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ tại các tỉnh, thành hoặc tham gia cuộc bình chọn, chương trình tháng khuyến mãi. Phỏng vấn người tiêu dùng, người dân đánh giá sản phẩm dịch vụ, mẫu mã của thành viên trong Hiệp hội.
Hiệp hội cũng tích cực giúp doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, liên kết Hà Nội với tỉnh, thành về lĩnh vực công thương; đào tạo, tư vấn các doanh nghiệp thành viên liên quan đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm, từ đó nhiều doanh nghiệp được tôn vinh; 3 tháng lại mời người tiêu dùng tham quan nhà máy, xí nghiệp của những doanh nghiệp có sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, để người tiêu dùng nắm bắt quy trình sản xuất sản phẩm…
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng: Khó khăn lớn nhất là từ phía doanh nghiệp, tuy đã hội nhập rồi, nhưng các doanh nghiệp còn chưa cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì phải đẹp, hay ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm giá thành tốt nhất... Doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực để hàng của mình đứng vững trên thị trường mình trước khi ra quốc tế.
Theo Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố Hà Nội, một trong những vấn đề trong quá trình hội nhập là sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận người Việt Nam vẫn sính hàng ngoại, chưa quan tâm đến hàng trong nước.
Ở đây có một phần trách nhiệm của doanh nghiệp cần phải quan tâm tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng quan tâm đến không chỉ mặc bền mà phải đẹp, giá cả hấp dẫn. Đó là đòi hỏi mà doanh nghiệp cần nghiên cứu.
Làm thế nào để huy động được các doanh nghiệp trong nước, sử dụng các nguyên liệu của nhau để sản xuất ra sản phẩm tốt; có được sản phẩm tốt rồi thì cần phải quan tâm đến truyền thông. Chính doanh nghiệp cần quan tâm tới công tác tuyên truyền, đầu tư cho các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm.
Hiện nay, Thành phố có rất nhiều chủ trương để làm thế nào tháo gỡ cho doanh nghiệp như đơn vị tiếp cận được nguồn vốn trung hạn để sản xuất kinh doanh, rồi những doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất của hàng Việt Nam.
Một trong những khó khăn của doang nghiệp là khi sản xuất ra sản phẩm rồi nhưng nếu các địa phương không có được những ưu đãi cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp khó mà tổ chức các chuyến hàng về địa phương, tiếp cận với người tiêu dùng.
Ông Phạm Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội cho biết: Người tiêu dùng Việt Nam có quyền sử dụng sản phẩm an toàn; được thông tin về sản phẩm; được lựa chọn. Ba quyền đó gắn liền với Cuộc vận động này.
Người tiêu dùng mong đợi gì ở hàng hóa Việt Nam? Đó chính là chất lượng và giá cả. Chất lượng ngày càng đòi hỏi phải tăng lên không ngừng, hay chính là sự cải tiến, từ chỉ tiêu, mẫu mã, bao gói.
Sau 7 năm thực hiện cuộc vận động, bước đầu đã định hướng người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam hơn. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi Cục Trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho rằng, quy mô thương mại và lưu lượng hàng hóa của Hà Nội rất lớn thị trường có nhiều điểm phức tạp là điều hiển nhiên. Để phát triển doanh nghiệp cần chú trọng khâu sản phẩm đầu vào, làm sao vừa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ lẫn giá thành.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá, khi triển khai cuộc vận động, nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt ở vùng nông thôn đã được nâng lên rất nhiều. Thành phố và các doanh đã tổ chức nhiều hoạt động tác động hiệu quả đến thói quen sử dụng sản phẩm của người Việt như: Cuộc thi tuyên truyền cuộc vận động; Chương trình tuổi trẻ Việt dùng hàng Việt; Tự nhận thức dùng hàng Việt...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cuộc vận động này có thành công hay không thì vai trò tuyên truyền là rất lớn. Ban chỉ đạo Cuộc vận động sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đúng với chức năng quản lý nhà nước; Phối hợp với các cơ quan ngân hàng, đẩy mạnh cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, giúp các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giúp doanh nghiệp ở rộng thị trường. Đưa các sản phẩm của Hà Nội đến với các tỉnh và ngược lại đưa những sản phẩm chủ lực của các tỉnh về Hà Nội.
Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính để các cấp, các ngành tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh: "Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng rất cần được đẩy mạnh để tạo niềm tin cho nhân dân, có như vậy khi chúng ta hội nhập càng sâu, việc cạnh tranh sản phẩm trong nước mới đạt hiệu quả".
Theo VOV