Thói quen mua hàng tại những siêu thị chuyên hàng ngoại được nhiều người tin dùng bởi quan niệm mình đang được sở hữu hàng chất lượng đảm bảo. Trước hàng loạt thông tin từ áo ngực có chất lạ đến mỳ Hàn Quốc nghi nhiễm chất gây ung thư, sữa Nhật nghi nhiễm phóng xạ…, không ít tín đồ hàng ngoại hoang mang; còn hệ thống bán hàng lại lao đao.
Chọn mua thực phẩm trong cửa hàng Nhật - Ảnh: Như Hà
E từ cửa hàng đến quán ăn
Khảo sát thị trường Hà Nội, các cửa hàng, siêu thị mini bán hàng ngoại nhập mọc lên như nấm. Khi hỏi về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì các nhân viên đều khẳng định: "Hàng nhập ngoại 100%" hoặc để thuyết phục hơn, nhiều chủ cửa hàng còn cam đoan có người nhà đang định cư ở Nhật, Hàn Quốc... nên thường xuyên có hàng xách tay mang về. Tuy nhiên, rất nhiều mặt hàng trong các siêu thị ngoại nhằng nhịt chữ "bản địa" mà không có tem hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt hoặc nếu có đi chăng nữa cũng được gắn hờ hững.
Ghi nhận tại cửa hàng thực phẩm Hàn Quốc (104B - Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) thuộc Công ty TNHH Bách hóa Quang Minh, hầu hết ở đây đều có đầy đủ các mặt hàng thực phẩm đặc trưng của Hàn Quốc, từ đồ khô đến đồ đông lạnh. Đặc biệt, một dãy chuyên về các loại mỳ Hàn Quốc gồm: Mỳ đóng gói, đóng hộp, cốc... đến các loại mỳ tươi...
Theo chị Thu (nhân viên bán hàng), món ăn phổ biến của người dân xứ Hàn là các loại mỳ nên chủng loại vì thế cũng phong phú, đa dạng. So với loại mỳ cao cấp của Việt Nam thì giá thành của mỳ Hàn Quốc cao gấp 2 - 3 lần.
Khi ngỏ ý muốn hỏi về thông tin mẫu mỳ bị nghi nhiễm chất gây ung thư đang xôn xao dư luận, chị Thu cho biết, cửa hàng của mình đã ngừng nhập các mẫu mỳ đó ngay khi có thông tin. Vì khách của cửa hàng toàn khách quen nên việc giữ chữ tín phải được đặt lên hàng đầu. "Những mẫu mỳ còn lại của cửa hàng đều đảm bảo an toàn và có chứng nhận trên giấy tờ hẳn hoi" - chị Thu cho biết.
Ghi nhận tại siêu thị, các sản phẩm mỳ nằm hiu hắt trên kệ, nhiều người được hỏi đều cho biết, chuyển sang dùng loại mì spaghetti đặc trưng của Ý để cho gia đình dùng nhưng vì vẫn mê mùi vị của các sản phẩm Hàn Quốc nên qua đây chỉ hỏi mua các loại nước sốt để tưới vào mỳ sau khi chế biến.
Theo chị Thu Thủy (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) vừa săm soi lựa chọn mấy mẫu nước sốt của Hàn Quốc vừa thì thầm: "Từ trước tới nay, vì tin tưởng hàng nhập ngoại nên tôi cứ nghe theo tư vấn của nhân viên cửa hàng mà không để ý đến nhãn mác tiếng Việt đính kèm. Giờ thì phải kiểm tra thật kỹ để xem thông tin xuất xứ có đảm bảo không thì mới yên tâm mua hàng".
Tuy nhiên, chị Thu cũng thừa nhận, kể từ khi có thông tin mỳ nghi nhiễm chất gây ung thư, lượng mỳ ở cửa hàng tiêu thụ chậm đi trông thấy, kể cả những loại mỳ nằm ngoài khu vực bị khoanh vùng. Tâm lý người tiêu dùng là "vơ đũa cả nắm" nên họ chọn cách "tẩy chay tập thể" cho an toàn.
Những tưởng bài học về đồ dùng, thực phẩm của Trung Quốc liên tục bị phát hiện có chứa nhiều chất độc hại thì người dân sẽ cảnh giác hơn, nhưng với giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt, nhiều chủ cửa hàng chỉ cần tự gắn thêm mác "hàng Quảng Châu" là lập tức sản phẩm đó đã được nâng hạng. Phần lớn những mặt hàng được người bán "thổi phồng" là những loại quần áo, đồ lót, phụ kiện... vẫn giữ nguyên mác chữ Tàu nhưng được ngụy trang bằng kệ, tủ kính và đèn điện sáng choang cho thêm phần long trọng. Vì vậy, người mua khó lòng biết tên, địa chỉ doanh nghiệp sản xuất, hàng hóa được bày bán có phải hàng giả, hàng nhái và xuất xứ đúng như quảng cáo hay không.
Một chủ cửa hàng chuyên bán kinh doanh đồ lưu niệm, quần áo, phụ kiện ở phố Khương Thượng (Thanh Xuân, Hà Nội) bật mí: "Thật ra, chất lượng những đồ này cũng không hơn hàng chợ nhiều. Chẳng qua, nó được đánh bóng gắn mác là hàng Tàu cao cấp nên được "thổi" giá. Khách hàng hỏi mua thấy giá nâng lên gấp 2 - 3 lần hàng chợ nhưng vẫn mềm hơn các mặt hàng xịn của Nhật, Hàn Quốc... cũng thấy tin tưởng rồi".
Không chỉ các cửa hàng chuyên bán đồ dùng, thực phẩm ngoại lao đao mà các quán ăn Hàn Quốc cũng hiu hắt khách đến thưởng thức. Chị Gia Minh (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chồng chị là người Hàn nên gia đình đặc biệt "kết" món lẩu ở một nhà hàng ở phố Nguyễn Chí Thanh (Ba Đình, Hà Nội). Đặc trưng mỳ sợi Hàn Quốc có độ dai rất lâu nên thường được thả vào nồi lẩu ngay từ đầu bữa.
Chị Gia Minh cho biết: "Vì không được tận mắt chứng kiến bao bì đóng gói của thứ mỳ mà nhà hàng dùng cho món lẩu nên thời gian gần đây, gia đình cũng không dám gọi món lẩu hay các món mỳ nữa mà chuyển sang các món như Gimbap (cơm cuốn), Bibimbap (món cơm trộn rau), bò nướng... cho yên tâm!.
Bản thân anh Quốc Hưng - quản lý một nhà hàng Hàn Quốc này cho biết: "Thậm chí, khi khách đến dùng bữa, nhân viên phải trấn an ngay từ đầu về chất lượng sản phẩm mỳ nhà hàng dùng để khách yên tâm. Tuy nhiên, các món ăn được chế biến từ mỳ gần đây khách ăn cũng ít gọi hơn so với trước".
Linh Nhi