Người tình nguyện đưa đò trên “bến biệt ly”

Người tình nguyện đưa đò trên “bến biệt ly”

Thứ 5, 27/12/2012 23:55

Bão tan, người ta lại hì hục sửa chiếc cầu gỗ bắc qua núi Hòn Thơm, nơi các em đang nằm yên nghỉ.

Đứng tần ngần bên sông, một đoàn người đưa tang không kèn, không trống, chỉ mang theo mấy chiếc hũ sành nhỏ xíu, bên trong là chút tro tàn của những hài nhi không may bị cha mẹ chối bỏ...

Trời đổ ráng chiều, đỏ úa một khúc sông, người thợ cả đứng trên cầu nheo nheo mắt, rồi ra hiệu an toàn cho phép đoàn người đi qua.

Pháp luật - Người tình nguyện đưa đò trên “bến biệt ly”Nghĩa trang Đồng Nhi trên núi Hòn Thơm, Vĩnh Ngọc, Nha Trang.

Những nấm mồ chỉ khắc chữ... Lượm

Tống Phước Phúc dẫn đường, chúng tôi sau lưng anh, cặm cụi men theo lối mòn đá nhô lởm chởm. Nghĩa trang Đồng Nhi nằm cô quạnh ở lưng chừng núi Hòn Thơm, Vĩnh Ngọc, Nha Trang.

Chiều muộn, xác lá bạch đàn tơi tả khắp nghĩa trang. Anh Tống Phước Phúc đưa mắt đau đáu về phía hàng ngàn nấm mồ nhỏ xíu, cất giọng thâm trầm: "Lúc nữa làm lễ xong, mình nán lại dọn mộ phần cho các con. Mấy hôm nay ảnh hưởng bão, mưa to gió lớn chắc các con lạnh lắm...". Đoàn người ai nấy lặng lẽ gật đầu, khói hương bảng lảng mang lời cầu nguyện, nương theo gió núi về trời.

Tống Phước Phúc quỳ sụp xuống, rồi nâng niu từng chiếc hũ sành nhỏ xíu, anh đang thầm thì điều gì tựa hồ như là tiếng ru con. Tự nhiên một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng, tôi bỗng nghe khóe mắt cay xè.

Hôm nay, cả mười chiếc hũ sành đều không có bảng đề tên. Từng chiếc hũ một được đặt liền nhau dưới hàng huyệt mộ. Mỗi người bốc một nắm đất rải lên để tiễn đưa vong linh các em về nơi yên nghỉ. Tất cả cúi đầu mặc niệm, gió núi thốc lên rít qua kẽ lá, thanh âm heo hút như tiếng ca dành riêng cho phút giây ngàn thu vĩnh biệt.

Chôn cất cho các cháu xong, chúng tôi ai nấy chia nhau ra quét dọn và cắm nhang cho những nấm mồ cô bớt đơn lạnh. Bên cạnh, Tống Phước Phúc vừa gom lá, vừa lâm râm cầu nguyện. Tôi lại gần hỏi nhỏ: "Sao chiều nay những chiếc hũ sành đều không có bảng tên? ".

Anh trầm buồn: "Vì tất cả đều chưa tượng hình, trong đó có những thi hài cầm trên tay còn nghe nóng hổi. Nhiều lúc giật mình mở ra xem rồi cũng chỉ biết xót xa, bởi đó không khác gì hòn máu. Những bé đã tượng hình sẽ được đặt tên, có thể theo họ của tôi, hay theo họ của mấy anh chị em ở đây nếu ai tình nguyện".

Vậy ra, đó chính là những hình hài chưa được gọi tên, chưa một lần được sống... Tôi lại hỏi về những nấm mồ chỉ đề một chữ "Lượm". Anh Phúc vẫn cặm cụi làm nhưng giọng bắt đầu ứ nghẹn: "Lượm là mộ của những xác thai nhi tình cờ chúng tôi lượm được ở bất cứ đâu, bãi dương, ngoài đường, thậm chí là ngoài bãi rác.

Có lần tôi cùng anh em lượm được một xác thai nhi sóng đánh dạt vào bờ biển, mảnh vải gói ướt sũng tả tơi, xác của cháu cũng đã cứng đờ lạnh ngắt".

Pháp luật - Người tình nguyện đưa đò trên “bến biệt ly” (Hình 2).
Anh Tống Phước Phúc đang chuẩn bị mai táng cho một xác thai nhi

Lặng đi một lúc, anh Phúc đều đều kể, giọng thành khẩn như đang thủ thỉ với hàng ngàn nấm mồ nằm lại nơi đây: "Ai ở đây cũng mong mỏi những mộ bia sẽ mang tên người ruột thịt. Nhưng con số đó ít lắm, mấy ngàn tro cốt nằm lại nơi này hầu hết đều vô danh. Khi cát bụi trở về cát bụi, các con không có một người ruột thịt nào đến tiễn đưa, hay nhỏ một giọt nước mắt khóc thương cho phần số yểu mạng.

Nhưng mà chúng tôi vẫn mong một ngày nào đó, cha mẹ các cháu biết tin sẽ trở về đây, cắm cho mộ cháu nén nhang gọi là tạ lỗi, cũng là để linh hồn các cháu nếu biết được cũng thỏa lòng mà sớm siêu thoát".

Bởi vậy, nên trên những nấm mồ gạch đơn sơ, nhóm thiện nguyện của anh Phúc cẩn thận đánh số thứ tự, ghi nhật ký ngày giờ và nơi tìm được bé. Tất cả đều chung lòng mong mỏi một ngày nào đó không xa, người thân của các cháu sẽ trở lại tìm con.

Cơ duyên kỳ lạ

Cách đây tám năm về trước, vợ anh Tống Phước Phúc chuyển dạ. Cũng như những người sắp làm cha khác, anh tất bật đưa vợ vào bệnh viện "vượt cạn". Vợ sinh khó, anh bồn chồn lo lắng, thức trắng cả đêm để cầu nguyện.

May sao, mẹ tròn con vuông, anh chị vỡ òa hạnh phúc nâng niu đứa con trai đầu lòng đang cất tiếng khóc chào đời. Nhưng nỗi vui chưa trọn, lòng anh đã se thắt lại khi đồng thời anh vô tình chứng kiến cảnh một bé thơ đã qua đời từ lúc mới lọt lòng mẹ. Và đáng buồn hơn, mẹ của đứa trẻ bất hạnh này không biết vì lý do gì đã bỏ bé lại một mình nơi đây.

Giúp người chết, cứu người sống

Tống Phước Phúc nhận làm cha của hàng ngàn đứa con đã qua đời và anh còn cưu mang cả những đứa trẻ đang còn sống nhưng vì nhiều lý do, cha mẹ các em đã không nhìn nhận. Nhóm tình nguyện của anh Phúc còn in một loại card mang tên "Tín thác", để ai biết những thai phụ sắp phá thai, hoặc xác thai nhi bị bỏ rơi sẽ liên lạc. Nhờ thế, mà anh Phúc và nhóm tình nguyện của anh đã khuyên nhủ thành công và cứu sống được hàng chục trẻ thơ sắp bị những người mẹ vì quá suy sụp tinh thần nên quyết định từ bỏ.

Vui vầy bên vợ con, nhưng hình ảnh đứa bé tội nghiệp chỉ còn là một cái xác không hồn, co quắp, lạnh lẽo cứ lởn vởn trong đầu anh Phúc. Và anh đã làm một việc mà chính anh cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

Sau khi thu xếp cho vợ con ổn thỏa, anh xin bệnh viện cho mình được mai táng đứa trẻ. Ý nghĩ bộc phát là thế, nhưng chính anh cũng không biết phải đưa bé đi đâu. Cuối cùng, anh tìm đường lên núi Hòn Thơm, chọn một bãi đất trống rồi an táng đứa trẻ ở đó.

Kể từ hôm ấy, không hiểu sao anh không thôi nghĩ ngợi về những sinh linh bé bỏng chẳng may bị chối bỏ, vì nhiều lẽ mà mất đi rồi bơ vơ không ai chôn cất. Anh luôn tâm niệm rằng, khi đã tượng hình trong bụng mẹ, hài nhi đó đã có linh hồn. Dù sao chăng nữa nếu được an táng tử tế, thì ít ra linh hồn của các cháu cũng sớm được siêu sinh...

Nghĩ là làm, ngày, anh tiếp tục công việc thợ xây để kiếm tiền nuôi gia đình. Đêm, anh lại lang thang khắp các bệnh viện xin xác thai nhi, trẻ chết yểu mang về chôn tại Hòn Thơm. Hòn Thơm đá nhiều hơn đất, tay anh cũng không biết bao lần tóe máu vì đào huyệt. Tận dụng những tháng mùa mưa, đất đá mềm hơn, anh lại lên núi đào bới rồi xây sẵn mộ bia. Nghĩa trang Đồng Nhi cứ thế thành hình qua bàn tay anh tô trát.

Câu chuyện của anh ngày càng lan rộng, người đồng tình cũng nhiều, người thấy lạ lẫm càng không ít. Rồi chính quyền địa phương cũng biết đến cái nghĩa trang tự phát này.

Những ngày tháng đó anh phải chạy đôn chạy đáo, xin giấy tờ, rồi xin cả sự đồng cảm, chấp thuận của địa phương. Chuyện đất đai ổn thỏa thì lại đến chuyện bệnh viện họ chẳng tin một người cả ngày chỉ tìm xin xác thai nhi. Anh lại phải làm giấy tờ xác nhận, rồi cả giấy khám "thần kinh bình thường" thì mọi việc mới đâu vào đấy.

Và bây giờ, Tống Phước Phúc không còn là người đưa đò đơn độc trên "bến biệt ly" nữa, mà bên cạnh anh luôn có những người sẵn sàng góp của, góp công giúp anh vun vén cho những nấm mồ cô nhi thêm phần ấm áp.

Đó có thể là bác xe ôm tạt qua trao cho anh những xác hài nhi vô tình nhặt được, có thể là cô học trò hàng xóm xin theo bác Phúc lên nghĩa trang Đồng Nhi để quét dọn lá khô và cả sự đồng cảm của vợ anh... Tất cả họ, cũng như Tống Phước Phúc đều bình thường, lặng lẽ giữa đời, chỉ chung một tấm lòng thiện nguyện.

Trời sụp tối, đoàn người lặng lẽ qua cầu, ngoái lại, nghĩa trang Đồng Nhi chỉ còn là những đốm đèn sáng giăng giăng. Tạm biệt Phúc bên bờ sông, tôi siết tay anh thật chặt thay cho bao lời cảm kích không thốt thành lời.

Phúc cũng không nói, anh nhìn thẳng vào tôi nở một nụ cười tràn trề tin cẩn. Và ánh mắt, nụ cười ấy, khiến chúng tôi tin rằng Phúc sẽ không bao giờ nửa chừng bỏ lái, ngưng đò trên "bến biệt ly"...

Vân Thiên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.